Tôi gặp ông Bổn trên đường làng giữa một chiều đông se lạnh. Hình ảnh một ông già tóc đã bạc phơ vẫn đạp xe vù vù khiến tôi rất ấn tượng. Dù tuổi đã cao nhưng ông còn tinh nhanh và minh mẫn lắm. Ông lật giở từng tờ giấy trong đống tài liệu ngồn ngộn về trống quân. Vừa tìm, ông vừa giải thích: Hát trống quân là điệu dân ca đặc sắc của vùng đồng bằng Bắc Bộ, nhưng chẳng ai biết nó có từ khi nào. Người thì bảo từ thời Vua Hùng, người thì nói từ thời Tây Sơn... Dân Dạ Trạch thì nói chắc như đinh đóng cột rằng: Hát trống quân có từ thời Chử Đồng Tử - Tiên Dung, vì chính tổ tiên của họ đã được thánh Chử và công chúa Tiên Dung truyền dạy. Hiện nay, Dạ Trạch vẫn còn đền thờ hai vị này.
Thời kỳ thịnh vượng nhất của điệu hát này là những năm trước Cách mạng Tháng Tám. Hát trống quân không giàu làn điệu như chèo hay quan họ Bắc Ninh, nên ai cũng có thể hát được, miễn là thuộc những bài có sẵn hoặc biết ứng tác nhanh. Nội dung các câu hát chủ yếu là đố hỏi. Ngoài ra, người hát mà thâm hiểu thì còn đưa cả Kiều, Chinh phụ ngâm vào buổi hát... Hát giao duyên, thách cưới thì sau này mới có.
Ông Bổn bảo, khi ông mới chỉ là một chú bé con, những đêm sáng trăng, hễ cứ nghe thấy tiếng “thình, thùng, thình” là chạy theo. Cái thời ấy, có lẽ hát trống quân là sinh hoạt văn hóa duy nhất thu hút được nhiều người dân tham gia. Sau này, những câu hát trống quân còn theo người dân ra đồng lúa, ruộng ngô.
Sau Cách mạng Tháng Tám, khi thực dân Pháp dồn dân lập ấp, câu hát trống quân cũng tắt lịm.
Có duyên thì gặp
Tưởng chừng những điệu hát trống quân một thời chỉ còn trong ký ức của những người già ở Dạ Trạch. May mắn thay, năm 1989, ông Nguyễn Duy Phí, nguyên là Giám đốc Nhà hát múa rối Trung ương, tình cờ được nghe một cụ già ê a:
Đồn, em hay kể truyện Kiều
Ngồi đây anh hỏi mấy điều xem sao
Kiều, Vân em chị thế nào?
Hỏi ai hơn kém má đào xuân xanh?
Thế là, tiềm thức về một thời “oanh liệt” của những điệu hát trống quân sống dậy. Ông Phí đã thuyết phục ông Nguyễn Hữu Bổn, ông Lê Hồng Điệp là cán bộ nghỉ hưu cùng tham gia sưu tầm, biên tập và sáng tác những điệu hát trống quân.
Ông Bổn nhớ lại, khi được ông Phí, người làm nghệ thuật chuyên nghiệp phân tích, giảng giải, ông mới hiểu ra quê mình đang nắm giữ một báu vật. Họ chia nhau đi các vùng sưu tầm. Trong vòng hơn hai năm, bằng nhiều loại phương tiện, họ lùng khắp vùng từ Lập Thạch, Vĩnh Phúc đến Bình Giang, Hải Dương... các ông đã sưu tầm được hơn trăm bài hát trống quân. Năm 1991, hát trống quân lần đầu tiên được phục dựng gồm bốn đôi, hát trong vòng từ bốn mươi đến bốn lăm phút với những bài trống quân mà các ông đã sưu tầm được.
Trống quân lên sân khấu
Nhạc cụ để hát trống quân chỉ là một cái thùng sắt tây hoặc thùng gỗ, hai đầu chăng hai sợi dây làm dụng cụ để truyền âm. Độ dài của dây có thể kéo dài ngắn tùy theo nhưng cũng có lúc nó được kéo từ đầu làng đến cuối làng. Hai đầu sợi dây được nối với hai ống bơ là dụng cụ để thu âm. Chia làm hai đám hát. Mỗi đám hát có khoảng bốn năm người, còn lại là”xin đỡ”, tức là những người giúp sức cho những người hát chính. Sân khấu chủ yếu là đường làng ngõ xóm.
Muốn bảo tồn và phát triển được loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo này thì nó phải được lan tỏa. Bộ ba “trống quân” bàn bạc quyết tâm đưa trống quân lên sân khấu. Năm 1993, lần đầu tiên, đội hát trống quân Dạ Trạch được lên biểu diễn ở sân khấu 16 Lê Thái Tổ (Hà Nội). Năm 1994, các diễn viên của Dạ Trạch lại tiếp tục gây được tiếng vang trên sân khấu Nhà hát Lớn. Và sau đó, liên tục đạt được nhiều huy chương vàng trong các kỳ liên hoan tiếng hát dân ca toàn quốc.
Những điệu trống quân của Dạ Trạch đã đến tai các nhà nghiên cứu dân gian nước ngoài. Năm 1995, Hội Văn nghệ dân gian Pháp đã tìm về tận Dạ Trạch để tìm hiểu.
Sau ông liệu còn ai?
Năm ấy, khi đội trống quân của Dạ Trạch đã gặt hái thành công, bộ ba “trống quân” đã cùng nhau soạn được bài mới với nội dung ”thách cưới”. Sau khi xem xong buổi hát thử, ông Nguyễn Duy Phí đã bị đột quỵ và sau ít năm thì mất. Rồi ông Điệp cũng ra đi. Giờ chỉ còn lại mình ông Bổn.
Tài sản hiện nay là hàng trăm bài hát trống quân mà các ông đã sưu tầm, biên soạn và sáng tác mới. Các ông cũng đã thành lập được Câu lạc bộ hát trống quân của xã hiện nay có hai mươi sáu người, trong đó có bảy người được phong là nghệ nhân. Tuy nhiên, người thấp nhất cũng sáu mươi, người cao nhất thì đã bảy mươi sáu tuổi.
Ông Bổn rất vui khi nói tới việc Dạ Trạch đã được Phòng giáo dục chỉ đạo đưa dạy hát trống quân vào các tiết học nhạc ở các lớp cấp một. Ông hy vọng, những hạt giống các ông đã gieo, sau này sẽ thành cây, ra hoa kết trái. Ông bảo: Kinh phí để “nuôi” nó cũng cần nhưng không phải tất cả. Hơn hai chục năm nay, chúng tôi có được hỗ trợ gì đâu mà chị vẫn thấy đấy... Điều quan trọng nhất là phải có người giữ “hồn” cho nó. Người ấy phải là người có tình yêu mãnh liệt với nó, sống chết vì nó. Người ấy phải vừa là người “lái đò” vừa là “nhạc trưởng”... mà tôi thì đã ngần này tuổi rồi...
Hằng ngày, ông vẫn chăm chút, gọt giũa, biên tập cho câu hát nuột hơn. Thỉnh thoảng ông vẫn đạp chiếc mi-pha cũ rích cùng vài người trong đội hát đi truyền dạy trống quân cho các cháu trong đội văn nghệ của trường phổ thông, các đội văn nghệ xã bạn. Tôi trộm nghĩ: Ơn trời! Nhưng biết đâu... năm nay ông đã 81 tuổi. Nếu cứ để tự phát thế này, không biết sau ông liệu có còn ai?
Hát trống quân không giàu làn điệu như chèo hay quan họ Bắc Ninh, nên ai cũng có thể hát được, miễn là thuộc những bài có sẵn hoặc biết ứng tác nhanh. Ông Nguyễn Hữu Bổn. |
Muốn bảo tồn và phát triển được loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo này thì nó phải được lan tỏa. |