Lửa không tắt trong nhà người Hmông

Trong nếp nhà người Hmông, cái bếp không mấy khi tắt lửa vì được coi là hồn vía con người. Khi đi ngủ hoặc đi vắng, gộc củi cháy được ủ tro nóng để khi cần nhóm, chỉ việc cời ra. Nhất là trong bốn ngày Tết, từ 30 đến mồng Ba, lửa bếp sưởi phải luôn cháy cho ấm nhà cùng hương nhang trên ban thờ gia tiên. Bếp sưởi được đặt bốn tảng đá dài quây vuông để chắn lửa và giữ tro.

Tết ở nhà người Hmông, Hà Giang.Ảnh: Dương Khánh
Tết ở nhà người Hmông, Hà Giang.Ảnh: Dương Khánh

1.Người Hmông tính lịch theo 12 con giáp, gọi là pua chu (puôs tsus), mỗi năm chẵn 12 tháng, không theo nông lịch phương Đông như các tộc người khác nên thường ăn Tết sớm. Thời gian ăn Tết là dịp sum họp gia đình, họ mạc, gia tiên và các thần thuần trong nhà, kể từ ngày 30 tháng Chạp đến hết ngày rằm tháng Giêng, trong đó có bốn ngày quan trọng là ngày 30 tiễn biệt năm cũ, mồng Một đón năm mới, mồng Ba tiễn gia tiên và Tết Rằm, còn gọi là Tết Mẹ. Ngày 30, nếp nhà được dọn dẹp sạch sẽ, ban thờ trang hoàng bằng giấy bản, giấy tiền cho tiên tổ về ngự ở đó. Các dụng cụ sản xuất được nghỉ ngơi và được chủ nhân cảm tạ bằng cách xếp chúng lại nơi ban thờ. Nếu là nhà hái thuốc lá chữa bệnh, nhà có nghề rèn đúc thì còn có nơi thờ Dược Vương, Thần Sắt. Hội nổi bật vào dịp ăn Tết đón Xuân là Gâu tào, tổ chức từ ngày mồng Hai do một gia đình nào đó làm chủ hội. Chủ hội là trường hợp có sinh vô dưỡng hoặc sinh con một bề gái, chăn nuôi sản xuất có nguy cơ lụi bại hay nhà có người ốm đau lâu ngày chữa trị, cúng bái không khỏi. Là dịp gặp gỡ tăng thêm tình cố kết cộng đồng, nên hội nào càng thu hút đông người thì chủ hội càng tốt phúc. Vì quan niệm được củng cố đã ăn sâu tiềm thức mỗi thành viên trở thành tâm linh, nên việc cấm bang bằng cành lá xanh là dấu hiệu ngăn cách giữa nếp nhà thuần phác với thiên nhiên hoang dã.

2.Không có huyền tích “ba ông đầu rau” như một số dân tộc khác và người Hmông cũng không có tích “Táo Quân”, vì vậy nếu nhà nào mổ lợn Tết sớm là do năm đó mùa màng bội thu, chăn nuôi phát đạt. Nhưng đến 30 Tết vẫn phải mổ một đầu lợn hoặc con gà sống thiến cúng gia tiên. Chung quanh bếp là không gian cho người ngồi sưởi. Phía giáp dương là buồng của chủ nhà, thường là người cao niên. Phía giáp âm là giường khách. Phía trên treo tấm đan để hong thóc cần xay giã ngay. Cao hơn nữa là sàn gác tích trữ lương thực. Mùa đông rét mướt không đủ chăn đắp, khách đường xa cần tá túc, có thể trèo thang lên ngủ trên sàn. Buồng dâu trưởng đối diện bếp lò để tiện thức khuya dậy sớm lo cơm nước lợn gà. Bên cạnh bếp lò là cầu nước. Phía trên cũng lát sàn để cất trữ lương thực và đồ dùng. Sau khi thu hoạch mùa vụ hoàn tất, nhà có cuộc sống dư dả thường làm rượu nếp. Rượu được ủ trên sàn gác này vì trong ngày bếp lò ít đun nấu hơn. Ngoài việc đồ cơm, nấu cám lợn, bếp lò còn sử dụng chưng cất rượu dự trữ cho lễ cưới gả, Tết nhất. Khi đang chưng cất rượu, người ta cũng cấm bang. Nếu có khách gần hay xa, thân tộc hay cùng họ thì gọi người nhà mang ra gộc củi đang đỏ lửa ra ngoài để bước qua là có thể vào trong nhà. Chung quanh cái bếp và ngọn lửa có những điều kiêng kỵ như không thổi lửa, không xúc tro nóng trong lòng bếp đổ đi, không khạc nhổ ngày mồng Một Tết; phụ nữ bụng mang dạ chửa hoặc mới sinh con không ngồi quá gần; không nói năng tục tĩu, báng nhạo người khác. Bất chợt trời nổi giông gió cùng sấm chớp quăng quật thì người đàn bà cao niên cắt vội một túm tóc đốt trên ngọn lửa bếp sưởi xin Ông Trời tha thứ, bởi nhỡ có người trong nhà sơ ý mắc lỗi. Nếu có chuyện bí mật, có việc đi xa, vào rừng, xuống suối thì không được nói tại bếp, bởi quan niệm khói bếp có tính hay mách lẻo, sẽ chỉ cho ma hoang quỷ dữ ám hại người. Những đêm tước sợi lanh hay thêu may, mọi người quây quần bên bếp lửa nghe người già kể chuyện cổ tích, em trai học khèn, em gái tập thêu. Theo thông tục, mồng Hai Tết, vợ chồng trẻ phải về thăm và chúc Tết bên ngoại, trước khi cất bước ra ngoài trời, bà nội hay bác gái quệt than bếp bôi vào sau chiếc địu để đánh dấu đứa trẻ sơ sinh không cho hồn vía đi lang thang. Nếu có người quá cố, khi đưa ra sườn núi, phải đốt bó đuốc được châm lửa từ bếp sưởi. Ngay sau khi chôn cất, 3 buổi hoặc 12 tối liền người nhà gắp những cục than đỏ từ lòng bếp cho vào nùn rơm mang đến mộ cho người quá cố sưởi.

Lửa không tắt trong nhà người Hmông ảnh 1

Bếp lửa và nồi thắng cố của người Hmông. Ảnh: Việt Thanh

3.“Đất không thể nặn thành bánh, Hmông không thể nhào thành người khác tộc” là thành ngữ khắc sâu vào xương tủy muôn thế hệ Hmông. Sự bảo thủ đó để giữ gìn tộc phong gia tục. Song dẫu sao, phàm là con người thì phải giao thoa, hội nhập. Ngày nay, xuất hiện vài ngôi nhà xây, nhà cao tầng nơi thị tứ hay phố xá của một số người có điều kiện thoát ly khỏi bản địa. Theo đó, bếp lửa đốt bằng củi thay bằng bếp gas, bếp điện từ, ngôn ngữ giao tiếp thường ngày theo người đa số trong địa vực. Dù vậy, ngày Tết, ban thờ vẫn được trang hoàng theo truyền thống, nên nhìn lên ban thờ sẽ nhận ra ngay chủ nhân thuộc tộc Hmông. Và tục lệ 30 Tết, chủ nhân vẫn phải hành lễ quét bồ hóng với lời khấn lầm rầm “tôi quét đi cái ốm cái đau, quét đi những điều xúi quẩy..., tôi không quét hồn lương thực, gia súc...”. Trước khi vào bữa cơm tất niên, mâm bàn đã bày biện, dù sung túc hay nghèo hèn, thì quan trọng nhất là những tấm bánh dày, bát thịt lợn hoặc gà luộc kèm vài miếng gan để chủ nhân khấn mời tiên tổ về ăn Tết, thưa rằng: “Năm cũ đã qua, năm mới đến, tôi cầu mời tiên tổ cùng những người quá cố về hưởng chút hương hoa do tôi cố công cả một năm trời làm ra...”; nghĩa là các làng, các nhà vẫn lưu giữ bản sắc, bản tính. Đừng vội phê trách những gia đình tạm bợ đặt đồ lễ trên ghế, thậm chí đặt ngay xuống đất phía dương, có thể chủ hộ chưa kịp sắm cái ban thờ, hoặc chưa phải làm phận sự vì là con thứ. Sự ấm no, học hành và ánh sáng điện đã hiện diện, song nền văn hóa Hmông vẫn ngự trị chắc bền.