1. Đêm xuống, ông Dương Minh Hiển (Hai Hiển) thắp nhang rồi khều to ngọn đèn hột vịt trên bàn thờ gia tiên, nơi thuần Việt nhất ngôi nhà. Khói nhang lãng đãng cuộn tròn, lan tỏa làm Dương phủ như ấm áp hơn.
Dương phủ chính là “Nhà thờ họ Dương”, là ngôi nhà cổ Bình Thủy (26/1A đường Bùi Hữu Nghĩa - Quận Bình Thủy - Cần Thơ) nổi tiếng trong và ngoài nước. “L’Amant” (Người tình), tiểu thuyết của nữ văn sĩ Pháp Marguerite Duras được chuyển thành phim tôn vinh vẻ đẹp nguyên sơ Nam Bộ với thế giới có rất nhiều cảnh được quay tại đây. “Tôi đã choáng mắt trước sự tráng lệ của ngôi nhà tuyệt vời này và mong muốn nhờ điện ảnh cho thế giới biết đến nơi đây”, Jean Jacques Annaud, đạo diễn bộ phim cho biết.
“Nhất gian cô độc, nhị gian sầu, tam gian phú quý, tứ gian truân”. Ngôi nhà này “độc” hơn, thuộc loại “hoàng tộc”: năm gian, 143 tuổi. Ẩn trong ngôi nhà kỳ ảo này là nét vấn vương giao thời hai thế kỷ của buổi đầu giao lưu văn hóa Đông -
Tây với hệ thống vì, kèo, xuyên trinh truyền thống; tại các đầu kèo, thành vọng, bao lam, liễn đối, đòn dong được sơn son thếp vàng, chạm lộng rồng phụng, hoa trái rất tinh xảo cùng rất nhiều cổ vật quý.
“Ngôi nhà do cụ cố tôi xây từ năm 1870. Nhà nước xếp hạng Di tích cấp quốc gia, dòng họ vinh dự lắm. Nhưng dưới mỗi mái nhà Nam Bộ vẫn luôn cần gìn giữ, phát huy không chỉ là cách ứng xử, lời ăn tiếng nói, mà còn là sự thành kính đối với gia phong, truyền thống văn hóa gia đình. Nó phải là dòng chảy không ngừng của đạo lý...” - ông Hai Hiển,
88 tuổi, chủ nhân đời thứ sáu của ngôi nhà này tâm sự.
Nét xưa Huỳnh phủ - nhà cổ Sa Đéc.
Lễ giỗ chạp, cúng kỵ, con cháu họ Dương bận mấy, “công nghiệp đến mấy” cũng phải tề tựu về đông đủ. Có lần ông còn lọm cọm ra tận ngoài Bắc gặp mặt dòng họ Dương. Đám cưới con ông cho dựng rạp đãi khách ngay trong nhà cổ, dùng những món xưa. “Cây gia phả” ghi rõ hành trình từng đời, từng nhánh từ thủa “khai hoang lập ấp” bên Nha Mân - Đồng Tháp rồi dời về đây được treo trang trọng trong phòng khách. “Đâu chỉ để cháu con biết tổ biết tông mà còn biết răn mình, sống sao cho đàng hoàng hơn”, ông nói vậy.
Dòng họ Dương góp công lớn xây đình Bình Thủy, chùa Nam Nhã... và năm nào vào lễ kỳ yên thượng điền, hạ điền cầu mùa màng tươi tốt, quốc thái dân an, tâm trạng ông Hai Hiển đều hồi hộp, trịnh trọng như lần đầu vậy. Tuổi đã già nhưng ông vẫn chưa phai mơ ước biến khuôn viên 8.000 m2 này thành khu du lịch sinh thái, tái hiện nét sinh hoạt xưa làng cổ Long Tuyền - Bình Thủy (lễ cúng đình, Tao đàn Bà Đồ, Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, trận cuồng phong của Tuần phủ Huỳnh Mẫn Đạt...).
2.Cả đồng bằng mênh mông chỉ có hai ngôi nhà cùng treo những tấm hình liên quan đến một người phụ nữ ngoại quốc, Marguerite Duras. Nhà cổ Bình Thủy là một, ngôi nhà còn lại chính là căn nhà của công tử Huỳnh Thủy Lê (Sa Đéc - Đồng Tháp), người tình ngoài đời, điểm xuất phát cho sự nghiệp văn chương của nữ văn sĩ Pháp. Nhờ sự lan tỏa của “L’Amant” mà cả hai đã thăng hoa, tiếng tăm vượt biên giới nước Việt. “Mỗi tháng trung bình có gần 2.000 lượt khách tới tham quan, trong đó chủ yếu khách người Pháp, còn lại là Mỹ, Nhật, Đức, Anh, Australia, Hà Lan, Bỉ...”, cô hướng dẫn viên tên Tuyền trong nhà cổ Sa Đéc nói vậy. Tour bảy ngày xuôi dòng Mê Công “Theo dấu chân người tình” với giá trên 3.000 USD/người vẫn được hàng chục công ty lữ hành quốc tế, các hãng tàu du lịch trong ngoài nước (La Marguerite, L’Amant, Pandaw, CaiBe Princesse, Sông Xanh Sampan...) liên tục tổ chức.
Đất nước mở cửa, nhiều ngôi nhà cổ châu thổ bừng tỉnh như nhà cổ Đại Điền (Bến Tre), nhà Công tử Bạc Liêu... Làng cổ Đông Hòa Hiệp (Cái Bè - Tiền Giang) nổi tiếng bởi khung cảnh nên thơ, thoáng đãng được Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) chọn để trùng tu, đầu tư phát triển mô hình du lịch nông thôn. Tại đây có nhà cổ ông Ba Đức (1850) theo kiến trúc Đông Tây kết hợp, giữa khu vườn xum xuê rộng hơn 2ha với nhãn, vú sữa, bưởi, cam quýt... Nhà cổ năm gian, ba chái của ông Trần Tuấn Kiệt (1838) với diện tích gần 1.000m²; đặc biệt trong nhà còn có 108 cây cột bằng gỗ căm xe núi, được các nhà khảo cổ Nhật Bản xếp vô nhóm “cửu đại mỹ gia” ở Việt Nam. Nhà cổ ông Xoát (1818) độc đáo với ngôi nhà kiểu Tây bao bọc bên ngoài ngôi nhà chính thuần Việt với kiến trúc phong cách xứ Huế...
Tuổi già hồi tưởng quá khứ, tuổi trẻ thấy được tiền nhân, kẻ tha phương xa xứ nghe được tiếng vọng cội nguồn, bạn bè hiểu thêm văn hóa dân tộc. Nhà cổ bên dòng Mê Công, đó là di sản, là giá trị văn hóa tiền nhân để lại.
3.Thời hội nhập, ngôi nhà Nam Bộ đã khác. Mái bằng thay thế mái ngói, bếp ga đẩy lùi rơm rạ, dầu hỏa, than tổ ong... “Tu đâu cho bằng tu nhà, thờ cha kính mẹ ấy là chân tu”, lão nông Năm Liền ở Phong Điền đặt ly rượu xuống bàn trải lòng tiếp: vẫn phải bắt đầu từ “nhà” rồi mới hy vọng cháu con có ích cho làng, cho nước. Phẩm hạnh cá nhân vững (hướng thiện, tự chủ, vị tha, trọng danh dự...) sẽ không làm họ chìm khuất trong nghịch cảnh và khiến văn hóa cộng đồng mạnh lên, đọng đầy nhân văn. Ông Hai Hiển trầm ngâm: Đổi thay, phát triển là tất yếu nhưng nét đẹp cha ông phải giữ cho được. Mất cái này sẽ mất tất cả. “Văn hóa làng” bắt nguồn từ gia phong, nếp sống từng nóc nhà, sâu thẳm trong mỗi con người, giúp ta thanh lọc, đẩy lùi được văn hóa ngoại lai không thích hợp. “Thật vui khi cốt cách chàng trai họ Lục (Vân Tiên) Nhân nghĩa tợ thiên kim/ Tiền tài như phấn thổ đầy nghĩa khí, hào sảng... vẫn thường trực, ẩn chứa sâu thẳm trong mỗi con người; vẫn là nét chủ đạo, lóng lánh khắp châu thổ”, ông Hai Hiển khẳng định. Vọng cổ, cải lương, đờn ca tài tử... loại hình nghệ thuật đặc sắc phương Nam đâu chỉ để mua vui mà ẩn sâu triết lý ở đời, đậm đặc tình nghĩa, cả trăm năm rồi.
“Nếu đi hết biển thì đến đâu? Thì về làng của mình” (Nếu đi hết biển- NSND Trần Văn Thủy). Nam Bộ, vùng đất mới hơn 300 năm dồn nén, tụ lại, tiếp biến văn hiến hơn 4.000 năm của dân tộc Việt. Nơi đó có dòng sông, bến nước thủa ấu thơ, có mẹ già lam lũ cặm cụi bên nồi bánh tét khi xưa; có cây cầu khỉ, có buổi tát đìa, như chùm khế ngọt, như cánh cò bay... Các mẹ, các chị lụi cụi bên bếp dệt khói thơm bay tỏa chiều tà, là họ đang dệt nỗi nhớ khôn nguôi về gia đình, về cội nguồn cho lớp cháu con ngày mai. Đến cuối đời, công tử họ Huỳnh lại có tâm nguyện phải trở về cố quốc, nằm trong mảnh vườn xưa Sa Đéc. Khi đưa “Người tình” lên màn ảnh, đạo diễn không chỉ kể lại một mối tình sẽ còn làm rung động nhiều thế hệ, mà ông còn có trọng trách “để 50 năm sau, khi muốn biết về đất Nam Bộ giữa hai cuộc chiến tranh, người ta sẽ xem phim của J.J.Annaud” (Nhà văn hóa Sơn Nam). Nhưng cao hơn, luôn vượt không gian, xuyên suốt thời gian, dưới mỗi nếp nhà Nam Bộ vẫn sáng lòa vẻ đẹp của đạo lý cội nguồn, truyền thống cha ông.
“Đến mùa xuân trong cơn mà gió ấm/Cha (ơ) con về, cha (ơ) con về, con nắm tay cha”. Hằng đêm, dưới mỗi nếp nhà châu thổ, đèn sáng tỏ trên những án thờ bởi nết văn hiếu thảo thơm vẫn luôn chảy hoài chảy mãi.
Nhà cổ bên dòng Mê Công, đó là di sản, là giá trị văn hóa tiền nhân để lại. |