Cách đây một, hai năm tôi “gặp” Trần Hùng trong một Davines Hair Show & Contest. Đó là một trong không nhiều cuộc phô diễn tóc đã được nâng lên hàng nghệ thuật, chinh phục khán giả yêu thời trang và nghệ thuật bằng nét cổ điển sang trọng của châu Âu, sự táo bạo trong âm nhạc, nghệ thuật trình diễn, nghệ thuật video và trên hết là các mẫu sáng tạo đầy cảm hứng của các nhà tạo mẫu tóc tham dự chương trình. Ở chương trình đó, phần trình diễn của Trần Hùng đã nâng cảm xúc của khán giả lên một tầng cao mới. Bộ sưu tập của Trần Hùng nằm trong màn “Sự hỗn loạn của các hạt giống” - mô tả thế giới sau khi nàng Pandore trót mở hộp cấm để các hạt giống bất kham bay khắp trần gian. Ngọn lửa sáng tạo được thổi bùng ở mức cao nhất, các giới hạn bị đẩy lùi, sự sáng tạo trở về gần bản năng, mỗi người tự do thể hiện cá tính của mình. Những mẫu tóc retro được biến hóa linh hoạt, mầu tóc sống động lấy cảm hứng từ những gam mầu tuyệt đẹp của thiên nhiên: Mầu đỏ rực của hoa gạo, mầu trắng tinh khôi của tuyết, mầu xanh ngắt của lá cây hay xanh đậm của nước biển...
Lúc đó, trên hàng ghế khán giả, tôi nghĩ, bất cứ ngành nghề nào, khi đạt đến độ chuyên nghiệp cao, đều có tính nghệ thuật và khoa học. Nghệ thuật nằm ở cái đẹp và sự truyền cảm. Khi nhà tạo mẫu lên sân khấu, cả quá trình cắt tóc trở thành một điệu múa. Khi cắt tóc, nhà tạo mẫu sử dụng nhiều động tác giống như trong ba-lê, như một nhà tạo mẫu tóc từng kể chuyện, đại ý: Cả cơ thể của nhà tạo mẫu đều phải theo tư thế chuẩn. Chân đứng cũng phải chuẩn. Cánh tay đưa lên chuẩn, chẳng hạn theo góc 90 độ. Không phải múa kéo loạn lên để khoe mẽ và che giấu tay nghề, mà vì tư thế chuẩn mới cắt được những nhát kéo chuẩn.
Còn khoa học với nghề cắt tóc? Lúc cầm kéo, đó là hình học. Lúc sử dụng các hóa chất ép, uốn, nhuộm dưỡng, đó là hóa học và sinh học. Tất cả đều ở trong một guồng máy, phải không?
Cuộc nói chuyện sau đó với Trần Hùng lại đưa đến cho tôi một liên tưởng khác. Tôi cảm nhận có sự gần gũi giữa nhà tạo mẫu tóc Trần Hùng với một nhà văn, luôn thích thú với quan sát về cuộc sống. Năm 2003, Hùng một mình sang Anh. Bấy giờ chàng trai 22 tuổi chưa thành danh trong nghề tóc, chỉ có niềm tin vào một nền văn minh đi trước cái xã hội mà mình đang sống. Đó cũng là nhờ sự động viên của một người anh thân thiết lại am hiểu về nghệ thuật. Anh ấy bảo Hùng: Em có tài năng, cần phải có môi trường để sáng tạo. Không học thì không sáng tạo được. Quan trọng là học cách tư duy của “họ”. Đi không có nghĩa là chỉ học những kiến thức liên quan đến cái nghề mình đã chọn, mà là để nhìn thấy thời trang thay đổi như thế nào? Con người đang sống trong những sự biến chuyển ấy ra sao? Ngay cả khi đã tốt nghiệp Học viện Toni & Guy London về sống giữa lòng Hà Nội, Trần Hùng vẫn giữ thói quen quan sát, suy tư về một Hà thành vẫn lưu giữ bản sắc của mình trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại. Cuối tuần, Hùng ưa gặp bạn bè, đi bar... để quan sát con người, quan sát sự biến động của thời trang. Đó chính là lúc để nhà tạo mẫu “nạp” cảm hứng mới. Với Hùng, tóc cũng chính là văn hóa. Ngày trước người ta ít chăm chút đến đầu tóc, thời trang vì lẽ mưu sinh vất vả, gu làm đẹp có phần còn lộn xộn. Bây giờ trong rất nhiều sự quan tâm, có phần của tóc. Khách hàng của Hùng không hiếm những người có gu thẩm mỹ tốt, biết rõ mình muốn gì, mình cần gì. Vì thế nhà tạo mẫu cũng luôn phải tự nâng mình lên. Phải đi, phải cố gắng, phải luôn học hỏi. Những năm trước, năm nào Hùng cũng qua nước Anh học nâng cao về tóc ít nhất một tuần. Trong những chuyến du lịch, bao giờ Hùng cũng mua rất nhiều sách.
*
Tiệm tóc của Trần Hùng có mặt trên con phố nhỏ Hồ Xuân Hương đã hơn chục năm. Khi người ta đã có thể sống với nghề đến ngần ấy thời gian thì người ta đã vươn đến hàng chuyên gia, nhất là lại giữ được sự ổn định trong cái nghề làm đẹp nhiều thăng trầm này. Hùng yêu thiên nhiên, cây cối. Cây xoài sau tiệm có tuổi ngót 100 năm ngày xưa không có quả, hai, ba năm sau khi Hùng mở tiệm thì năm nào cũng ra quả. Tiệm tóc của Hùng có vẻ “khang khác” những tiệm tóc cao cấp khác, vì cái không gian mở xanh ngăn ngắt của cây cỏ được chăm chút kỹ lưỡng, lá sạch bong. Còn nữa, giữa la liệt nhưng ngăn nắp những dầu gội, keo xịt tạo kiểu, các loại máy uốn sấy hiện đại... là những bức tranh sơn dầu khổ lớn. Hùng vẽ. Không lặp lại chính mình, hội họa cho Hùng niềm vui giản dị đó. Cũng là nguyên tắc bao năm nay Hùng tự đặt ra với nghề.
Với Hùng, tóc cũng chính là văn hóa. |