Dòng chảy sách cũ

Vài tuần trước, tin "cụ Cảnh Bát Đàn" qua đời nhanh chóng được chia sẻ trên mạng xã hội, kèm theo đó là những ký ức ngậm ngùi của nhiều độc giả ở độ tuổi trung niên. Với họ, chủ nhân hiệu sách số 5 Bát Đàn gần như là biểu trưng còn lại của một dòng chảy đang thay đổi quá nhiều so với chính nó: Sách cũ.
0:00 / 0:00
0:00
Hiệu sách 180 Bà Triệu nổi tiếng một thời của ông Dư. Ảnh: Tuấn Hiệp
Hiệu sách 180 Bà Triệu nổi tiếng một thời của ông Dư. Ảnh: Tuấn Hiệp

1 Vốn khá hiếm hoi trong giai đoạn trước 1975, các cửa hiệu sách cũ bắt đầu xuất hiện nhiều hơn tại Hà Nội từ giữa thập niên 1980. Bên cạnh không khí của thời kỳ Đổi mới, đó cũng là giai đoạn nền xuất bản trên toàn quốc đang chuyển mình. Các số liệu cho thấy có khoảng 50 nhà xuất bản Trung ương và địa phương ra đời trong 5 năm, kể từ dấu mốc 1986.

Để rồi, bên cạnh lượng sách ra thị trường từ các đơn vị quốc doanh, những người mê sách và có một lượng lớn xuất bản phẩm cũ trong tay cũng nhận thấy cơ hội được chọn một nghề mưu sinh đích thực gắn với sở thích của mình.

Sớm nhất - và được biết tới nhiều nhất - trong số này là hiệu sách số 5 Bát Đàn của ông Phan Trác Cảnh, nguyên cán bộ khoa Văn Trường đại học Tổng hợp. Mở cửa hiệu từ năm 1983, ông Cảnh cũng chọn một con đường riêng: Kinh doanh dựa trên nguồn tư liệu phong phú được sưu tầm nhiều năm trước đó.

"Nhà sách Bát Đàn gần như không có sách văn học. Hơn một tấn sách cũ của cụ Cảnh chủ yếu gắn với mảng tư liệu về lịch sử, địa chí, văn hóa, dân tộc học... Đặc biệt hơn, chủ nhân của nó chủ yếu bán các tư liệu đã được sao chụp lại, chứ không bán sách gốc như các cửa hàng khác" - nhà sưu tập Tạ Thu Phong (Hà Nội) kể - "Là người sưu tập sách, lại từng có kinh nghiệm làm về công tác thư viện, cụ Cảnh rất giỏi trong việc hệ thống, sắp xếp nội dung sách, tư liệu - thậm chí là các bài báo - theo từng danh mục riêng, có khi lên tới cả chục tập cho mỗi chủ đề".

Tìm tới cửa hiệu của cụ Cảnh để được nghe tư vấn, giới thiệu và mua tư liệu trong giai đoạn ấy chủ yếu là giới nghiên cứu, giảng viên Đại học, thậm chí là các học giả nước ngoài cần tìm hiểu về văn hóa Việt Nam. Ít phổ biến hơn, một số nhà sưu tập cũng ghé qua đây với hy vọng mua được các bản sách cổ, sách hiếm - vốn được chủ nhân trân quý xếp riêng một chỗ.

Dòng chảy sách cũ ảnh 1

Không gian tiêu biểu trong một nhà sách cũ khi xưa: chật chội, cổ lỗ và... chất đầy sách. Ảnh: Tư liệu

Đến giờ, giới chơi sách vẫn truyền miệng giai thoại về một nhà sưu tập tại Hải Phòng, từng mua được bản sách cổ Đại Việt chỉ Nam với giá kỷ lục ngay từ thời điểm ấy. Quá mê sách, mỗi tháng dăm lần bảy lượt lặn lội đáp xe lên Hà Nội năn nỉ với cụ Cảnh, vị khách này cuối cùng lập tức chớp cơ hội trả tiền khi chủ nhân quá mệt mỏi đành "tố" bừa một mức giá trên trời!

2 Ngoài ông Cảnh, độc giả giai đoạn sau đó cũng biết tới một số chủ hiệu sách cũ khác - vốn quen được gọi bằng cách ghép giữa tên thật và địa chỉ - như Dư Bà Triệu, Điền Thụy Khuê, Hùng Ngô Thì Nhậm, Giang Ngô Thì Nhậm... Dù không quá khác biệt, nhưng mỗi địa chỉ này vẫn có những đặc trưng riêng và gắn với những nhóm khách hàng riêng. Chẳng hạn, sách cũ tại 352 Thụy Khuê không quá phong phú nhưng giá mềm, được bán bởi vợ chồng ông Điền khá xởi lởi và vui chuyện. Sách tại phố Ngô Thì Nhậm chủ yếu thiên về sách giáo khoa, sách tại Bà Triệu phần nhiều thuộc mảng văn học...

Riêng trường hợp hiệu sách 180 Bà Triệu cũng là một ca đặc biệt. Chủ nhân của nó, ông Lương Ngọc Dư, vốn là dân xây dựng, vì mê sách nên không thèm cho thuê "đất vàng" mà lấy luôn ngôi nhà mặt phố của mình để bán sách cũ. Có điều, ngoài việc bán sách với giá khá đắt, ông chủ hiệu này cũng khá kiêu - tới mức có thể khinh khỉnh vặn lại khách nếu than giá cao hoặc hỏi một câu ngu ngơ về tên sách, loại sách. Bởi thế, ngoài việc nằm ở trung tâm, tính cách không giống ai của ông Dư cũng giúp hiệu sách này khá nổi tiếng theo mọi nghĩa.

"Không khó để khái quát về mô hình của các hiệu sách cũ trong giai đoạn này. Phần lớn đó là những không gian nhỏ, có khi chỉ 20 - 30m2, tứ phía chất toàn sách và do chủ nhân trực tiếp bán hàng, hoặc cùng lắm có thêm một nhân viên" - ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch Alpha Books nhớ lại. "Tuy nhiên, hầu hết chủ nhân của nó đều khởi đầu từ những người yêu sách, lại chịu đọc, chịu tìm hiểu nên có một vốn hiểu biết khá đầy đủ để tư vấn, thậm chí là đối thoại sòng phẳng với người mua".

Cụ thể hơn, như một số người mê sách tổng kết, vì là "mọt sách" chính hiệu nên các chủ hiệu sách khi đó thường nắm khá vững giá trị của mỗi cuốn sách - cũng như rất biết... rao giá với khách hàng. Ngược lại, khi không thể tìm được những đầu sách cần thiết (đa phần xuất bản từ lâu) tại các hiệu sách quốc doanh, người mua đành gõ cửa những hiệu sách cũ này - để rồi hoặc ngậm ngùi trả tiền, hoặc lâu lâu ghé lại mặc cả tiếp, bởi với giới mê sách thì thời gian luôn là thứ yếu.

Thêm vài năm nữa, cùng với sự phát triển của thị trường xuất bản, giai đoạn nửa sau thập niên 1990 có thể coi là thời hoàng kim của sách cũ Hà Nội, khi nhiều phố sách cũ nối nhau mọc lên tại đường Láng, phố Trần Quốc Hoàn hay cụm "sách cũ đường tàu" dọc đường Giải Phóng. Đa phần gắn với các khu vực có nhiều sinh viên và có phần hơi "tạp" về nội dung, nhưng các hiệu sách cũ này có số lượng đầu sách khá phong phú, thậm chí có không ít bản sách hiếm, nên luôn thu hút một lượng lớn khách hàng.

Như chia sẻ của chủ một cửa hàng ở đường Láng, thế mạnh của các hiệu sách cũ khi ấy là đáp ứng được nhu cầu đa dạng của độc giả về mọi thể loại, với mức giá thường xuyên rẻ hơn các bản sách in mới. Thêm nữa, muốn tìm sách cũ, người mua có thể đặt các cửa hiệu tìm kiếm qua kênh riêng - mà nhiều khi là được mua lại từ các hiệu sách hoặc khách hàng khác.

3 Bây giờ, những hiệu sách cũ kể trên đa phần đã lui vào dĩ vãng. Một số hiệu sách cũ khác hoặc đóng cửa, hoặc cho con cháu nối nghiệp nhưng kinh doanh cả sách mới, để có thể quay vòng đồng vốn nhanh hơn. Riêng với các phố sách cũ, nếu các cửa hàng trên đường Láng - từng có lúc tràn ra ngồi cả vỉa hè - chỉ còn lác đác thì cụm "sách đường tàu" tại đường Giải Phóng gần như mất hẳn, chỉ còn một hai cửa hiệu nằm gần Bệnh viện Bạch Mai.

Không khó để nhận ra, sự phát triển của mạng xã hội, cũng như các đơn vị liên kết xuất bản - là lý do trực tiếp để dẫn tới những thay đổi ấy. Nhiều năm qua, một lượng lớn các đầu sách có giá trị trong quá khứ đã được in lại với chất lượng tốt, đủ để độc giả thoải mái lựa chọn thay vì những ấn bản "giấy đen, bìa nát" trong quá khứ. Rồi, nếu chưa có sách in mới, nhiều bản sách cũ ấy cũng được cộng đồng tự số hóa và chia sẻ rộng rãi trên mạng cho thỏa nỗi nhớ của mình.

Cũng phải kể thêm một lý do đặc biệt: Không còn "chung đường" với những bản sách cũ bán đại trà, những bản sách cổ, sách hiếm đã dần tách ra và trở thành một nhánh riêng, khi thú sưu tập các bản sách này trong thời gian qua đang tăng mạnh. Trong khi các bản sách này đã được "lọc" từ sớm để thuộc về địa hạt mua bán - trao đổi riêng của giới sưu tầm, những ấn phẩm còn lại ở các hàng sách cũ lại được chọn lọc theo từng mức: Các bản sách không hiếm nhưng in lâu năm và còn đẹp (hoặc may mắn có thủ bút tác giả) có thể được giới chơi sách "hạ cố" mua về bày trên giá; sách cũ dạng truyện tranh hoặc truyện thiếu nhi được thế hệ 7x, 8x mua vì cảm giác hoài cổ; rồi dưới nữa là dạng sách cũ "tạp pí lù" thường được bán đồng giá để xả hàng... Có điều, khi mạng xã hội phát triển, nhiều địa chỉ sách cũ cũng thiên về mua bán online, thay vì bỏ tiền thuê cửa hiệu theo mô hình truyền thống trước đây.

Sẽ không dễ, nếu mong sách cũ sống lại thời hoàng kim - cũng như mong dòng chảy của nó sớm có thêm những chủ nhân đủ trình độ, kiên nhẫn và đam mê để kinh doanh theo một mô hình độc đáo như ông Phan Trác Cảnh. Vẫn biết, có mới thì đương nhiên có cũ, sách cũ vẫn sẽ tồn tại, giống như các bản sách giấy vẫn sẽ có chỗ đứng trong giai đoạn mà thương mại điện tử và e-book nở rộ như bây giờ. Nhưng đó phải là một con đường dài, với những tìm tòi để có mô hình thích hợp và mức đầu tư tương xứng.

Thay đổi nguồn cung

Nguồn cung cấp cho các hiệu sách cũ trước đây thường đến từ lượng sách được bán thanh lý của các thư viện địa phương hoặc tủ sách được một số gia đình bán lại sau khi chủ nhân qua đời. Đặc biệt, không thể bỏ qua lượng sách đến từ các cửa hàng ve chai đồng nát, thậm chí là từ các điểm chuyên thu mua giấy vụn để tái chế như làng Đống Cao (Bắc Ninh). Tuy nhiên, theo các chủ hiệu sách cũ, với nhu cầu hiện tại trên thị trường, các nguồn sách này hiện nay thường được người bán "lọc" khá kỹ về chất lượng và không còn phong phú, đa dạng như trước.