Thầy mo cổ xưa giữa thời hiện đại
Cách trung tâm Hà Nội chừng 70km, xã Ba Vì (huyện Ba Vì) nằm ở sườn phía tây của núi Ba Vì, nơi có hơn hai nghìn đồng bào người Dao sinh sống, chiếm tới 98% dân số của xã.
Chạy xe chừng hơn hai tiếng đồng hồ, từ Sơn Tây đi lên K9 Đá Chông, qua hơn chục cây số thì rẽ trái, bây giờ đã có thể chạy xe ô-tô một mạch vào đến thôn Hợp Nhất - là nơi ở cao nhất của đồng bào Dao Hà Nội. Con đường nhỏ ngoằn ngoèo rất đẹp lượn qua những mái nhà nằm lưng chừng núi, trong khói chiều lòng sực ấm lên bởi sắc đỏ trên áo chàm và mùi lá thuốc nam.
Trong căn nhà tranh tối tranh sáng, ông thầy mo (giờ gọi là trưởng bản) Dương Đức Tiến ngồi sau mấy cuốn sách chữ Dao chép trên giấy dó. Ông đang cặm cụi chép lại những chữ Dao từ một cuốn sách đã quăn góc, ố vàng sang một cuốn khác mới tinh. Ông bảo, sách này của “ông cụ” để lại, sắp hỏng rồi, phải chép lại sang đây không nó hỏng mất. Nói chuyện với ông cảm giác như được gặp một cụ già tiên tri đâu từ trên núi xuống. Trong cái tủ kê xập xệ cạnh cái ti-vi cũ, chồng sách giấy dó chữ Dao đều đã ố vàng theo thời gian, nhiều cuốn đã mục nát.
Trong mỗi đời người đàn ông Dao, phải mất mười năm để đọc hết những sách này. Nhưng cần nhiều đời để hiểu hết. Bây giờ, các con của ông Tiến không còn được học chữ Dao và không biết đọc những sách này nữa.
Ông Tiến đã ngoài 70, làm thầy mo từ khi còn trẻ, giờ là trưởng thôn Hợp Nhất. Ông nhớ vanh vách từng đoạn trong các cuốn sách mà ông cụ thân sinh để lại. Ông sinh ở trên núi cao, 12 tuổi thì theo cha mẹ xuống lưng chừng núi. Năm 1956, khi thực dân Pháp đánh chiếm Ba Vì, gia đình ông chạy sang Phú Thọ. Đến năm 1959, hết Pháp lại về, năm sau nữa lại chạy lên làm nhà ở Suối Dền. Ngôi nhà ở thôn Hợp Nhất bằng gỗ vách đất, lợp ngói này ông làm từ năm 2004. Năm 2008, khi Hà Tây sáp nhập Hà Nội, “đùng một cái” cộng đồng người Dao ở núi Ba Vì trở thành cư dân Thủ đô, thế là nhà ông thầy mo được nghiễm nhiên trở thành “nhà ở Hà Nội”.
Luôn gắn với cụm từ “nghèo nhất”...
Hỏi ông Tiến sao xưa chạy nhiều thế, ông nói “Người Dao trước đây như chim bay lạc ngàn, đến đâu làm nhà đến đó. Đời tôi trải qua bốn cái nhà ở bốn nơi, giờ thì chắc là ở yên một chỗ rồi, nhưng định cư thôi chứ chưa định được canh”.
Chúng tôi đi cùng ông Triệu Tiến Nhàn, cán bộ văn hóa xã một ngày khắp bản người Dao. Ít nói, nhưng người cán bộ xã này như cái cây trong rừng, tích tụ nắng mưa trời đất và khí chất núi non, ẩn chứa trong mình nhiều câu chuyện mà chỉ lâu lâu mới hé lộ. Ông Nhàn bảo, người Dao xưa kia có tập quán “đổ gốc ăn ngọn” - tức chặt cây phá rừng, hết rừng chỗ này thì lại đi chỗ khác, lúc nào rừng cũ xanh trở lại thì quay về.
Năm 1963, theo tiếng gọi của Đảng và Chính phủ, đồng bào Dao rời núi cao xuống lưng chừng, lập thành làng bản, được bà con người Kinh, người Mường ở hai xã Minh Quang, Ba Trại nhường cho 21 héc-ta đất trồng lúa. Trước xã Ba Vì là xã nghèo của huyện nghèo Ba Vì thuộc đất Hà Tây. Sáp nhập về Thủ đô Hà Nội, vẫn là xã nghèo của huyện nghèo. Toàn xã Ba Vì có ba thôn với hơn hai nghìn nhân khẩu. Trong số 451 hộ thì có tới 180 hộ nghèo và 108 hộ cận nghèo. Thu nhập bình quân đầu người cho đến nay chỉ mới đạt hơn 6 triệu đồng/người/năm. Đường giao thông liên thôn, trục thôn vẫn là đường đất, mùa mưa đi lại rất khó khăn.
Năm 2000 ở đây mới có điện. Đến nay, 70% số hộ trong xã vẫn sử dụng nước sông suối làm nước sinh hoạt, ăn uống hằng ngày. Ba Vì cũng là xã hiếm hoi của Hà Nội chưa có trường trung học, chưa có nghĩa trang, chưa có khu xử lý, thu gom rác thải, chất thải...
Do thiếu đất canh tác nên người dân sống chủ yếu từ đào dong giềng, sắn đót và nghề thuốc nam, trong đó nghề thuốc chiếm đến một phần ba thu nhập của người Dao Thủ đô. Nhưng rồi đất trồng cây thuốc thiếu, nhiều người phải mang nghề cổ truyền đi kiếm ăn ở tỉnh ngoài, bấp bênh và cơ cực.
Tết về rộn điệu múa chiêng
Nghèo, nhưng cộng đồng người Dao ở Ba Vì như chẳng mấy để tâm với cái nghèo. Họ vốn sở hữu trong mình một nền văn hóa lâu đời, đặc sắc và hấp dẫn.
Câu chuyện của ông Triệu Tiến Nhàn đưa ông và chúng tôi trở về với ký ức xa xăm của dân tộc mình mà dân gian vẫn lưu truyền. Chuyện kể rằng, Bàn Hồ sau gọi là Bàn Vương đã ẩn mình trong hình ảnh của con chó ngũ sắc thông minh lanh lợi, đã có công giúp nước dẹp giặc ngoại xâm, được vua tin yêu và gả công chúa. Dân tộc Dao ra đời từ đó. Từ câu chuyện huyền thoại này giải thích vì sao người Dao không ăn thịt chó và trang phục của họ vì sao từ khăn mũ áo đều được thêu sặc sỡ hoa văn biểu tượng hình chân, răng và hình con chó. Điểm đặc biệt của người Dao Ba Vì được gọi là Dao sơn đầu, quần chẹt. Gọi như vậy bởi đàn ông Dao mặc áo mầu chàm có dải dài xanh đỏ buộc ở lưng, đầu chít khăn đen có thêu hoa văn ở hai đầu khăn, cổ đeo xà tích. Phụ nữ mặc váy ngắn tới đầu gối, quần quấn gối ống típ gọi là quần chẹt, khăn là một sợi vải mầu chàm tua chỉ ngũ sắc quấn quanh đầu, gấp lại sau gáy, đeo vòng cổ bằng bạc. Người Dao giữ gìn bộ quần áo truyền thống của mình như giữ vật báu. Họ không mặc dưới trời mưa, không để dây bẩn. Mặc xong chỉ hong nắng rồi cất đi chứ không giặt, vì sợ sẽ làm phai mầu chàm và sợi chỉ mầu thêu hoa văn trên áo.
Lễ Tết nhảy hay lễ cấp sắc thường diễn ra vào khoảng tháng 10, tháng 11 âm lịch. Khắp bản người Dao ở Ba Vì lại rộn ràng tiếng thanh la, não bạt, chũm chọe, chuông đồng và rực rỡ sắc đỏ chàm của trang phục. Những bài hát, điệu múa đặc sắc của người Dao đều có gốc tích từ xa xưa, gắn với đời sống sinh hoạt của cư dân miền sơn cước.
Thầy mo, trưởng bản Dương Đức Tiến cặm cụi chép chữ Dao.
Trong các gia đình có con trai của người Dao sơn đầu, quần chẹt thường có một nghi lễ vô cùng quan trọng: lễ cấp sắc hay còn gọi là lễ đặt tên âm.
Hỏi bất cứ người Dao nào ở Hợp Nhất đều được nghe họ giải thích về sự quan trọng hơn của cái tên âm được thầy mo đặt trong lễ cấp sắc ấy. Chỉ khi có tên âm thì con người mới trưởng thành, nếu không mãi đến trăm tuổi vẫn chỉ là một đứa trẻ.
Ở bản Hợp Nhất, người già nhất được cấp sắc khi đã ở tuổi 60. Mỗi người đàn ông Dao khi chuẩn bị cho lễ cấp sắc phải nuôi đủ ba con lợn, một con nặng 60 cân, hai con còn lại phải xấp xỉ một tạ để cúng trời đất, thần linh và khao cả bản trong ba ngày liền. Những người bị cấp sắc muộn thường do nhà nghèo không nuôi đủ lợn. Thầy mo Tiến kể rằng, phải mất ba năm người Dao mới nuôi được một con lợn, không may nó bị chết phải nuôi lại thì khổ lắm. Có người lận đận nuôi mấy lần mà không có lợn để làm lễ, hoặc cứ chuyển nhà liên tục nên không kịp nuôi lợn để làm. Chàng trai Triệu Quang Khôi, 25 tuổi, ở bản Hợp Nhất, dù đã lấy vợ có con, hì hục nuôi lợn mấy năm liền để được đặt tên âm, nhưng vì có anh trai con nhà bác chưa làm lễ cấp sắc nên đến giờ Khôi vẫn chỉ được coi là một đứa trẻ.
Người Dao quan niệm rằng, dù nghèo khó thế nào, giữ gìn được văn hóa riêng thì sẽ không bao giờ đánh mất mình.
Nhờ cái quan niệm đó, để đến hôm nay dưới chân đại ngàn mênh mông và ngọn núi Tản linh thiêng cao vợi, bạn còn có cơ may dự mình trong lễ cấp sắc hay Tết nhảy đặc sắc của người Dao. Chả thế mà người Dao tự hào, mình là người Hà Nội duy nhất có Tết nhảy, có lễ cấp sắc, có trang phục lạ lùng.
Trong các gia đình có con trai của người Dao sơn đầu, quần chẹt thường có một nghi lễ vô cùng quan trọng: lễ cấp sắc hay còn gọi là lễ đặt tên âm. |