Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo

Ði để về  với cội nguồn

Tác phẩm “Tiên du” của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Ðạo viết cho Dàn nhạc dân tộc Việt Nam (DNDTVN), chuẩn bị sang diễn ở Paris, nhân Năm Việt Nam tại Pháp 2014 Giáp Ngọ. Trong phòng hòa nhạc tầng ba, Học viện Âm nhạc quốc gia, nhạc sĩ Nguyễn Thiện Ðạo chỉnh tề trang phục nhạc trưởng, trong bộ vest trắng ngà, vải tơ tằm dày, chất liệu và kiểu dáng hoàn toàn Việt, không giống bộ đồ lớn mà nhạc trưởng dàn nhạc Tây hay mặc. Ông thân mật: “Vì dàn nhạc chơi “Tiên Du” tôi sáng tác từ truyền thuyết dân gian “Từ Thức gặp Tiên” là Dàn nhạc dân tộc Việt, không có mặt cây đàn Tây nào, nhạc công là sinh viên nhạc viện rất trẻ, mặc áo dài khăn đóng thuần Việt, n&

Ði để về  với cội nguồn

Kết thúc đêm diễn, Nguyễn Thiện Đạo và tôi tiếp tục trò chuyện về sự thuần Việt mà ông tự hào trong tác phẩm mới của mình, có vẻ hơi ngược với chính ông, người được học hành bài bản về âm nhạc phương Tây ở Paris, đã thành nhạc sĩ danh tiếng tại Paris, sáng tác hơn 90 tác phẩm trong hàng nửa thế kỷ hành nghề.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái (NTMT): Tôi thấy”Tiên du” là hợp lưu thật đẹp từ hai dòng chảy âm nhạc Đông - Tây. Nếu không đi đến cuối nguyên lý âm nhạc giao hưởng phương Tây thì tôi không chắc ông có thể quay về âm nhạc truyền thống Việt Nam, để viết một giao hưởng thuần Việt đến thế?

Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo (NTĐ): Nếu bạn đã cảm nhận “Tiên du” là thuần Việt thì tôi thật hạnh phúc. Đúng là thế. Khi được học thật bài bản về nguyên lý nhạc giao hưởng phương Tây, tôi mới từ đó ngược về bản thể chính mình, một người gốc gác Hà Nội, để phát hiện ra sự uyên bác đến tinh tế của nhạc cụ và cách phối âm của nhạc cổ truyền Việt Nam. “Tiên du” là tác phẩm âm nhạc được gợi ý từ mối tình theo tôi là đẹp nhất trong folklore (văn hóa dân gian) Việt cổ. Chỉ có thể kể theo cách của nhạc giao hưởng Tây, về câu chuyện dân gian huê tình đến thế, bằng cả một dàn nhạc thuần túy nhạc cụ Việt, nào đàn bầu, nhị, tì bà, thập lục, tranh, nguyệt, sáo, tiêu, trống, chiêng... với ca nương Phạm Thị Huệ hát ca trù, phối hợp trình chiếu video clip trên màn hình cạnh sân khấu, với nghi lễ hầu đồng, hát chầu văn cổ truyền... Nguyên bộ gõ và bộ đàn dây cổ truyền của nhạc Việt, khi tôi đưa vào cấu trúc dàn nhạc, đã cùng nhau hòa âm bổng trầm, thánh thót, du dương... đủ để lay động sâu xa cảm thức người nghe về sự nhớ nhung quyến luyến khi yêu đương, khi hòa hợp - chia biệt của đôi tình nhân, nhất là khi bị xé đôi, kẻ ở lại cõi tiên, kẻ về cõi trần, khi cuộc tình đã đơm hoa kết trái...

NTMT: Đây không phải tác phẩm mới nhất được ông sáng tác trong ý thức trở về âm nhạc Việt cội nguồn. Từ lần đầu gặp vợ chồng ông ở cuộc gặp mặt sau Tết Nhâm Ngọ 2002 do Hội Người Việt Nam tại Pháp tổ chức tại Paris, tôi đã thấy ông là một nhạc sĩ “đặc Hà Nội” về tính cách. Về sau, khi tiếp xúc với tác phẩm, mới biết cái gốc người Hà Nội của ông hiện lên rất rõ trong ý thức “Việt hóa” âm nhạc phương Tây trong tác phẩm của ông?

NTĐ: Sinh năm Canh Thìn 1940, tôi rời nhà số 19 Tràng Tiền (Hà Nội), một mình sang Pháp du học từ năm 1953, chỉ là cậu bé 13 tuổi, nhớ nhung Hà Nội với ký ức tuổi thơ đến trường đi học, đèn sách, vui chơi, được gia đình cưng chiều như hoàng tử Bé. Có lẽ âm nhạc Việt cổ truyền đã nằm sẵn đâu đó trong máu tôi hồi nào, cho tới năm 1963, tôi thành sinh viên Nhạc viện quốc gia Paris, rồi tốt nghiệp hạng ưu khoa Sáng tác, với tác phẩm “Thành đồng Tổ quốc”. Tôi nhớ một trong ba người rất quan trọng của đời tôi là GS nhạc sĩ Messiaen người Pháp nói với tôi một câu để đời: Anh là người Việt, hãy giữ bản sắc Việt! Chính là ông đã nhìn xuyên tận đáy cái khao khát sáng tạo âm nhạc của tâm hồn tôi. Từ đó, ông tiên tri được cách của tôi là Việt hóa âm nhạc phương Tây bằng cách riêng, quyết không giống ai. Cho nên, trong cái sống, tôi không thể thiếu Hà Nội, thì trong âm nhạc, tôi không thể thiếu Việt Nam. Tôi đã được giữ hai quốc tịch Việt và Pháp, song vẫn rất sướng khi được gọi là nhạc sĩ Việt Nam và các bản giao hưởng của tôi được khen “thuần Việt” là sướng nhất.Vì tôi biết mình đã “thuần Việt”, khi đã rất “chuẩn Tây”...

NTMT: Hà Nội luôn là nỗi nhớ của ông, đến mức ông đã mua một nhà riêng bên hồ Ngọc Khánh năm 2007. Có phải vì ông không thể sống “thiếu quê hương” như Nguyễn Tuân từng cảm giác, hay như Văn Cao, dù đi đâu cũng chỉ muốn “quy cố hương”?

NTĐ: Đúng thế. Sinh ra ở Hà Nội, xa Hà Nội từ niên thiếu, tôi khắc khoải nhớ Hà Nội như nhớ hình bóng cố nhân. Mãi đến 1994, tôi mới có thể thường xuyên đi về Paris - Hà Nội để thỏa nỗi nhớ mong, để được hít thở thật sâu hương vị và âm giai của dòng nhạc bác học Việt vẫn âm ỉ
và thao thức chảy trong dòng sống Hà Nội hiện đại. Hà Nội lại là kinh đô âm nhạc bác học của vùng văn hóa châu thổ Bắc Bộ, chứa đựng di sản văn hóa phi vật thể tinh hoa là nghệ thuật ca trù, bảo làm sao tôi không về? Không về thì làm sao phát hiện cái tinh túy nhất của dân tộc Việt, cũng là của cư dân Hà Nội là hào khí nghìn năm kết hợp chất trữ tình lai láng, mà tôi thấy mình cần thẩm thấu và lột tả trong ngôn ngữ trừu tượng của nhạc giao hưởng phương Tây. Cho nên, 70% âm nhạc của tôi thiên về âm nhạc nguồn cội Việt, có gốc gác dân ca, mang đậm tình tự dân tộc, càng về sau càng nhiều tình tự này. Bạn nghe - nhìn tác phẩm gần đây của tôi sẽ thấy gắng gỏi đó trong “Định mệnh bất chợt”, tôi ấp ủ sáng tác từ 2007, đến 2011 đã được trình diễn thành công. Đó chính là giao hưởng đương đại opera ballet, tổng hòa từ nhiều loại hình âm nhạc, độ dài 80 phút. Tôi viết vở này cho một giọng nữ cao, hai giọng nam trung, một giọng nam trầm, cùng hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng được pha trộn hợp lý giữa opera, ballet, ngâm thơ Việt truyền thống, kịch nói, video, và cả... rock! Tôi muốn quyến rũ khán giả bằng sự khác lạ, nên tôi đưa cả nhạc rock vào, khi thấy cần. Tôi muốn dựa vào “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du để tái tạo một tác phẩm âm nhạc đương đại. Tôi viết vở này với mối quan tâm duy nhất là phải... hay, khiến cho khán giả, nhất là khán giả Việt phải có cái để xem, cùng cái để nghe và sau cuối, có cái để nghĩ ngợi đến ám ảnh. “Định mệnh bất chợt”, vì thế, theo đánh giá của riêng tôi, là tác phẩm mang mầu sắc dân tộc rực rỡ nhất trong các sáng tác của tôi...

NTMT: Vâng, bây giờ thì tôi hiểu vì sao ông đoạt những giải thưởng lớn của Pháp. Ngay từ năm 1983, ông đã đoạt giải Andre Caplet của Viện Hàn lâm Mỹ thuật Pháp cho toàn bộ tác phẩm của mình. Năm 1984, ông được Chính phủ Pháp trao tặng Huy chương Chevalier des Arts et des Lettres. Năm 1995, ông được trao giải Gian Carlo Menoti và được ghi danh vào từ điển Lepetit Larosse (1982) và Lepetit Robert với tư cách là Nhạc sĩ kế thừa hai nền văn minh Đông-Tây. Và năm 2005, giải thưởng Vinh danh đất Việt... Và cuối cùng tôi hiểu vì sao âm nhạc của ông rất Việt, trên nền tảng... rất Pháp. Tôi thành thật cảm ơn cuộc gặp tình cờ không định mệnh bất chợt của chúng ta đêm nay, ngay sau khi thưởng thức “Tiên du” thuần Việt của ông...

... Ông xuống xe, vẫy tay từ biệt và ra dấu, chỉ cho chúng tôi thấy vòm cây phượng vĩ đang lả xuống la đà mặt hồ trước cửa nhà ông, loi thoi ánh trăng cuối thu Hà Nội lọt qua tán lá làm lay động sóng sánh mặt nước. Ngay gốc cây phượng là một cặp tình nhân đang bên nhau say đắm. Ông cười ý nhị: Cửa sổ nhà tôi nhìn ra mặt hồ thật dễ thương phải không?

Phải rồi, nhà ông ở Hà Nội thật dễ thương. Và âm nhạc của ông cũng thế, thuần Việt thật dễ thương. Mai ông phải bay về Pháp và tôi biết: cho đến cuối đời, ông sẽ luôn “vội vã trở về vội vã ra đi” để luôn nuôi dưỡng cảm hứng bất chợt cho tác phẩm mới của chính mình...

... trong cái sống, tôi không thể thiếu Hà Nội, thì trong âm nhạc, tôi không thể thiếu Việt Nam.