Từ cha...
Nhớ hồi Quảng Nam vừa qua trận lụt lịch sử năm 1999, một bữa, tôi được ông mời leo lên cái xưởng nhà cổ ở Điện Minh ven đường lộ một. Nói là “leo”, bởi cơ ngơi khi ấy chỉ là cái sàn gác lửng to đùng bằng gỗ, còn lại leo teo những đống cột kèo, rui mè nhà cổ nom như đã mục rữa lắm rồi. Ông say sưa, dắt tay tôi chỉ hết chỗ này, góc kia. Giữa khung cảnh làng xóm bão lũ điêu tàn, ngập ngụa bùn lầy, lại xám xịt mưa phùn, câu chuyện về nhà cổ khi ấy với tôi thú thực là... “lạ” lắm...
Sau này gặp lại, mới hay chính thời điểm đó ông cũng đang rất “hoang mang”. Quê Điện Bàn, dòng họ ông mấy đời thợ đều là những tay thợ mộc tài hoa cho làng mộc Kim Bồng (Hội An). Ông nội cả đời thợ mộc. Cha, chú cũng mộc. Bố ông thời trẻ bị bắt lính, phải trốn vào Sài Gòn, vẫn lấy tay đục tay bay làm kế sinh nhai. Anh ruột, ông Lê Văn Tá, nay hơn 60 tuổi mà đã gần 50 năm nghề mộc. Bên nhà vợ ông cũng toàn dân cưa, đục. Đến ông, thế nào lại trở thành anh cán bộ nhà nước, làm ở Ban Nông nghiệp huyện Điện Bàn, sau đó chuyển sang Công ty lợn giống miền trung (thời ấy thuộc Bộ Nông nghiệp và Công nghệ thực phẩm). Sau 22 năm 9 tháng làm cán bộ nhà nước, chức vụ cao nhất của ông là Trưởng phòng kế hoạch, đùng một cái ông xin nghỉ ngang. Đó là vào năm 1997.
Ông thú nhận đó là giai đoạn chật vật nhất trong đời. Đứa con trai đầu của ông mất từ bé vì thiếu thốn thuốc thang. Lương nhà nước 64 đồng, bảo nhỏ thì rất nhỏ, không đủ sống. Nhưng bảo to, với ông cũng lại rất to, vì cả nhà trông vào suất ấy, buông ra là phải bơi cật lực. Trong khi nghề mộc thời ấy đã xuống tận đáy. Thợ giỏi nghề cũng bỏ quê tứ tán làm phụ hồ, buôn heo, thợ đụng. Gỗ không mọt, nhưng người và nghề “mọt” hết. Nhà đua nhau xi-măng, mái bằng, cửa thì bằng sắt ăn chắc mặc bền.
Về nhà, ông quay lại với nghề lợn giống. Mỗi tháng ngồi xe đò vào Sài Gòn “dắt” theo năm, sáu con lợn giống để về quê phối giống cho các hợp tác xã và người nuôi heo trong vùng.
Thế rồi một sự kiện ngó chừng chả liên quan, nhưng lại là cú huých mạnh với ông. Đó là năm 1999, liên tiếp phố cổ Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Làng ông nằm kẹp giữa cả Hội An và Mỹ Sơn, khiến ông nghĩ về vốn cổ người xưa, nghĩ ngay về nghề mộc, về gỗ. Bỏ công đi rảo khắp làng, khắp tỉnh, ông bàng hoàng nhận ra sự đổ nát của hàng nghìn ngôi nhà cổ. Vay được cây vàng, dựng một kíp thợ, ông bắt đầu đi mua nhà cổ về phục dựng. Nói là nhà, thật ra nhiều khi chỉ là đống đổ nát người ta xếp xó. Lấy ngắn nuôi dài, chỉ trong vòng dăm năm, ông cùng những đội thợ trùng tu, phục dựng được cả nghìn ngôi nhà cổ, không chỉ Quảng Nam mà còn khắp dải miền trung và nhiều nơi trong cả nước. Tinh hoa nghề mộc được khơi dậy, những kíp thợ của ông ngày một lớn mạnh. “Nhiều nhà cũ nát, chủ không đủ tiền sửa, cũng không có tiền xây mới. Vậy là mình đổi bằng nhà xây cho họ. Xây nhà cho người ta dọn bàn thờ tổ tiên, đến ở xong mình mới tính đến việc của mình. Nhưng thích nhất vẫn là được trùng tu, dù lời ít, vì mình giúp họ giữ lại được cái nếp nhà xưa của ông cha họ”, ông tâm sự.
Ông “vua nhà cổ” ấy sinh năm 1956, tuổi Bính Thân, mạng Sơn hạ hỏa. Lửa dưới núi, tưởng bén vào gỗ thì thôi rồi, nhưng theo tử vi thì lại hợp với gỗ. Mộc sinh hỏa, lại là sinh nhập, hèn chi “chơi” với gỗ thành công.
“Vua” nhà cổ Lê Văn Tăng cùng những người thợ .
...và đến con
“Thằng Vĩnh giỏi ngang hàng... tau”, đó là lời ông Tăng khoe với tôi về cậu con trai Lê Văn Vĩnh, nay mới 33 tuổi nhưng đã là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nhà Việt Nam (Vinahouse) từ bảy năm trước. Hội sở chính đóng ở Vĩnh Điện gần Hội An, cùng nhiều showroom, chi nhánh tại Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, bảy đơn vị thành viên và bốn nhà máy trực thuộc, tổng số công nhân 1.400 người...
Ông Tăng có năm đứa con, giờ còn bốn, hai trai hai gái. Cậu út Lê Văn Việt còn học lớp 9. Hai gái lấy hai chàng, giờ đều là hai giám đốc điều hành của Vinahouse, chuyên về vật liệu, quản lý công trình. Con gái Lê Thị Kim Liên làm phó tổng cho em trai. Ông tự hào nhất, coi đó là tài sản lớn nhất còn hơn cả mấy trăm tỷ đang có, chính là cậu con cả ngày nào bỏ ngang năm học cấp 3 theo nghề mộc, nay chỉ huy hàng trăm kỹ sư, kiến trúc sư, cử nhân, họa sĩ..., vẫn chưa chịu lấy vợ, vì ham làm quá. Bản thân ông giờ đứng sau điều hành một cơ sở sản xuất cho “hắn” ở Điện Minh.
Năm 2006, Lê Văn Vĩnh lập ra Vinahouse, nhưng từ lâu đã lấy slogan “Khơi dậy nếp nhà Việt”, với logo là một mái nhà. Mỗi tháng thi công vài chục ngôi nhà phong cách thuần Việt trên cả nước, đến nay ước tính có tới 150 nghìn nếp nhà cổ trong và ngoài nước đã qua bàn tay phục dựng của Vĩnh và các cộng sự. Cái tên Vinahouse gắn liền với kiến trúc gỗ tại hầu hết những khu du lịch, resort, văn hóa, ẩm thực nổi tiếng từ bắc chí nam.
Khu Không gian nhà Nhà Việt (Vinahouse Space) rộng hơn 11.000 m2 trên đường từ Vĩnh Điện đi Hội An với bộ sưu tập nhà cổ “khủng” vừa khánh thành hồi tháng sáu, tham vọng trở thành Bảo tàng nhà cổ lớn nhất Việt Nam. Nơi đây có những ngôi nhà cổ nguyên gốc “độc nhất vô nhị”, như ngôi nhà tam gian tứ hạ (kiểu Quảng Nam) có tới 108 cột gỗ - kỷ lục về số cột gỗ trong một căn nhà - được chuyên gia Nhật Bản đánh giá tuổi đời trên 200 năm. Hay ngôi nhà tre thuần Việt một gian hai chái rộng 70 m2 thuộc loại cổ nhất Việt Nam 102 tuổi, của một gia đình ở xã Điện Minh (Điện Bàn) phục dựng trong suốt gần một năm trời. Nền nhà bằng đất sét đầm chặt, các vật dụng trong nhà như thúng mủng dần sàng, cối xay, cối giã, giường còn nguyên.
Đặc biệt, tại đây, Vĩnh dựng ba ngôi nhà khổng lồ hình nón, cảm hứng từ hình ảnh người phụ nữ Việt tần tảo giữ hơi ấm cho gia đình. Trong đó ngôi nhà lớn lợp từ
2,4 triệu mảnh gáo dừa khô vừa được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận đạt kỷ lục quốc gia. Một công trình độc đáo nữa, là tòa tháp đôi bằng gỗ mang hình chiếc nơm cá cao tới bốn tầng và sáu tầng đang dần hoàn thiện tại khu mỹ nghệ Viettown của Vinahouse ở xã Điện Dương (Điện Bàn) gần bãi biển Hà My tuyệt đẹp.
Cũng như cha, cậu chủ 7X Lê Văn Vĩnh từ lâu cũng thấm nhuần chữ Tâm với nghề. Hằng năm, anh dạy nghề, truyền nghề cho hàng trăm con em địa phương. Có lần gặp ngôi nhà cổ rất đẹp nhưng cũ nát trầm trọng, chủ nhà đành bán, nhưng bần thần luyến tiếc. Vĩnh bèn bỏ ý định mua dù rất muốn, mà chuyển sang tư vấn cho chủ nhà phương án sửa chữa tốt và rẻ nhất. Cuối cùng ngôi nhà được “sống lại”, vẹn nguyên nếp xưa nhà cũ của gia đình ấm cúng. “Phục dựng nhà cổ không chỉ vì giá trị kinh tế, mà xa hơn, tôi muốn xây dựng một “bảo tàng nhà cổ sống” bằng những ngôi nhà cổ có thật trong đời sống để lưu giữ những nét tinh hoa, đậm bản sắc Việt và trường tồn với thời gian”, anh tâm sự.
Cái tên Vinahouse gắn liền với kiến trúc gỗ tại hầu hết những khu du lịch, resort, văn hóa, ẩm thực nổi tiếng từ bắc chí nam. |
Với ông Tăng, cách dạy con, dạy thợ của ông đơn giản, chỉ học trong vòng mấy chữ T: thật thà, trung, tín và lấy Tâm làm đầu. Đồ gỗ đưa vào nam hay ra bắc vẫn bán giá gốc như tại Quảng Nam. Gỗ kiền kiền ra kiền kiền, lim phải là lim, gõ ra gõ, chứ không nói loại này rồi chêm vô loại khác. “Thợ mộc làm lâu năm đến tuổi nghỉ, tui phải lo cho họ được cái nhà hai tấm lúc về già. Thà nhịn bớt ăn uống chứ không bao giờ nợ lương. Tết nhất ai cũng có quà, thợ mới được chia vài ba triệu, thợ lâu năm được bảy, tám triệu. Gia đình người ta vui thì mình cũng vui. Nên nhà xưởng trước nay chưa hề mất một mẩu gỗ, cây đinh”. Ông khoe từ cả chục năm trước đã có báo đăng bài về ông. “Anh làm tốt, người ta khen nhanh lắm. Nhưng nếu anh xấu, họ bêu còn nhanh hơn”. |