Chuyện về những người hiến giọt máu vàng

NDO - Cứ đều đặn 25 ngày, anh Đỗ Xuân Dũng (45 tuổi, ở chung cư HH Linh đàm, Hoàng Mai, Hà Nội) đi hiến tiểu cầu. “Tôi đã hiến 12 lần và dự kiến theo lịch còn 2 lần hiến nữa”, anh Dũng kể. Lý do đặc biệt để anh trở thành thành viên hiến máu và tiểu cầu tích cực vì con gái anh đã từng mắc căn bệnh ung thư.
0:00 / 0:00
0:00
Lượng tiểu cầu gạn tách được tiếp nhận của Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương đã giúp cơ bản đáp ứng được nguồn tiểu cầu cho cấp cứu và điều trị.
Lượng tiểu cầu gạn tách được tiếp nhận của Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương đã giúp cơ bản đáp ứng được nguồn tiểu cầu cho cấp cứu và điều trị.

Vài năm trước, cô con gái của anh được phát hiện mắc ung thư, bị vỡ khối u và chảy máu trong, cần phải truyền rất nhiều máu. Trong gia đình đã đăng ký đi hiến máu hết lượt nhưng vẫn không đủ. Khi đó rất nhiều người bạn quen có, xa lạ có đều nhiệt tình đến hiến máu.

Khi đó anh tự hỏi, vì sao những người không quen biết lại sẵn sàng hiến những đơn vị máu quý giá cho con mình? Sau đó anh ý thức được rằng máu rất quan trọng và quyết tâm tình nguyện hiến máu.

Anh rưng rưng nước mắt: “Con tôi không may mắn được sống tiếp. Lời hứa với con “bố sẽ hiến đến khi nào không còn sống nữa” thì tôi vẫn đang làm rất đều đặn”.

Từ một thành viên tích cực hiến máu nhóm máu B, anh được bác sĩ tư vấn chuyển sang hiến tiểu cầu. Từ đó đều đặn đến hẹn sau mỗi 18 ngày, anh Dũng cùng bạn bè có mặt tại Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương để hiến tiểu cầu. Từ đó, anh có ý thức từ chối các cuộc liên hoan ăn uống trước ngày hiến khoảng 3 ngày để tiểu cầu đạt tiêu chuẩn.

“Cuộc sống vô thường, do vậy sống được ngày nào, chúng tôi thấy ý nghĩa ngày ấy”, anh Dũng tâm sự.

Với quan điểm đó, anh Dũng cùng các anh/chị em trong nhóm Giọt hồng HH Linh Đàm ngoài việc đều đặn hiến tiểu cầu, còn lan tỏa rộng khắp tới cư dân các cụm chung cư Linh Đàm hoạt động hiến máu tình nguyện.

Từ nhiều năm nay, đều đặn 2 lần/năm, nhóm của anh phối hợp cùng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương tổ chức buổi hiến máu cho đông đảo cư dân nơi này. Với số máu hiến thu về khá ấn tượng, hơn 200 đơn vị máu/năm.

Cứ hằng tháng, Nguyễn Đức Lâm (27 tuổi, Nam Định) một mình rong ruổi xe máy từ quê nhà lên Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương hiến tiểu cầu. Lâm đang mang trong mình căn bệnh tự miễn hiếm gặp đa sơ cứng não rải rác – căn bệnh mà bác sĩ chưa có phác đồ điều trị được vì đây là bệnh rất hiếm, cả triệu người mới gặp 1 ca.

Chuyện về những người hiến giọt máu vàng ảnh 1

Nguyễn Đức Lâm đều đặn từ Nam Định lên Hà Nội hiến tiểu cầu.

Căn bệnh lạ khiến chàng thanh niên khỏe mạnh sụt hơn 15kg trong một tháng điều trị, bị cắt hợp đồng lao động, từ bỏ cơ hội lao động đổi đời bên Nhật Bản khi chỉ mới đặt chân lên đất nước này hơn nửa năm. Căn bệnh cũng khiến phản ứng lời nói của Lâm bị chậm lại, không còn nhanh nhạy như trước, đôi tay cũng run hơn khi tập trung làm việc tỉ mỉ…

“Cuộc sống đến đâu hay đó, miễn sao mình thấy mình sống có ý nghĩa, thấy vui vì những gì mình làm. Số lần hiến của em chưa nhiều nhưng thật sự mỗi lần hiến là một lần em thấy mình vui, hạnh phúc. Em chỉ suy nghĩ một điều, còn sức khỏe, còn giúp được ai, việc gì thì nên làm”, Lâm chia sẻ.

Tại Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, hàng nghìn người bệnh đang sống nhờ những giọt máu hiến. Bé Lê Đình Khang (8 tuổi, Hà Nội) đang điều trị căn bệnh suy tủy xương mỡ hóa 95%. Khi tiểu cầu giảm sâu, Khang thường bị chảy máu chân răng và xuất huyết dưới da.

“Rất nhiều lần phải nhập viện giữa đêm vì tiểu cầu hạ về gần mức 0”, mẹ bé K. nhìn con xót xa nói. Với K., niềm hạnh phúc nhất là khi bệnh tình của con có tiến triển tích cực và luôn có đủ máu, tiểu cầu để truyền ngay khi cần.

Cũng tại đây, đang điều trị tái phát căn bệnh ung thư máu, gần như ngày nào chị Lê Thị Tuyền (30 tuổi, Quảng Ninh) cũng phải truyền máu và chế phẩm máu. Có ngày chị truyền 2-3 đơn vị tiểu cầu. Những người bệnh như chị luôn ý thức được rằng nếu tiểu cầu giảm sâu mà chưa có để truyền, hậu quả sẽ khôn lường.

Gắn bó với bệnh viện đã 5 năm, chị Tuyền chứng kiến nhiều ca thương tâm. “Mấy hôm trước, có một chị đang ngồi bị ngã nhào xuống sàn mà tiểu cầu đang rất thấp. Sau đó chị ấy bị xuất huyết não, đến chiều bác sĩ cho về”, chị Tuyền ngậm ngùi kể lại.

Chuyện về những người hiến giọt máu vàng ảnh 2

Thời gian hiến tiểu cầu lâu hơn nhiều so với hiến máu toàn phần.

Bé Khanh, chị Tuyền cùng hàng ngàn bệnh nhân duy trì sự sống, điều trị bệnh nhờ vào những “giọt vàng” – tiểu cầu. Và để có những giọt vàng đó, là sự chung tay, tự nguyện hiến tặng tiểu cầu của cộng đồng.

Xúc động khi nói về những người hiến tiểu cầu, bác sĩ Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương chia sẻ, dù tiêu chuẩn đòi hỏi khắt khe hơn, thời gian hiến tiểu cầu cũng lâu hơn nhiều so với hiến máu toàn phần (từ 45-120 phút với hiến tiểu cầu, thay vì 5 phút khi hiến máu) nhưng nhiều người vẫn bền bỉ, đều đặn trao đi sự sống.

"Điều đáng trân trọng nhất là một năm có 12 tháng nhưng có những người hiến tiểu cầu tới 13-14 lần trong năm, mỗi khi đến lịch không cần chờ điện thoại nhắc lịch của Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương họ lại đến hiến”, bác sĩ Quế chia sẻ.

Năm 2021, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương đã tiếp nhận được 33.314 đơn vị tiểu cầu. Năm 2022, tính đến 28/10, viện tiếp nhận 24.920 đơn vị tiểu cầu từ 8.198 người hiến (trung bình mỗi người hiến 3 lần). Lượng tiểu cầu gạn tách được tiếp nhận của Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương đã giúp cơ bản đáp ứng được nguồn tiểu cầu cho cấp cứu và điều trị của gần 180 bệnh viện tại 26 tỉnh, thành phố khu vực phía bắc.