Một trong số đó là ông Lường Văn Chựa, dân tộc Thái ở bản Ngùa, xã Chiềng Pằn, người đã có nhiều đóng góp trong việc lưu giữ nét đẹp văn hóa đồng bào dân tộc Thái.
Một ngày cuối năm, theo chân cán bộ huyện Yên Châu, chúng tôi có mặt trong một căn nhà sàn nhỏ đơn sơ đã nhuốm màu thời gian của gia đình ông Lường Văn Chựa, một trong những “cây cao bóng cả” uy tín trong vùng.
Ông Lường Văn Chựa kể: “Tôi sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Yên Châu có bề dày văn hóa, đậm bản sắc dân tộc, nên tiếng nói, tiếng trống chiêng, tiếng hát, tiếng khèn trong những lễ hội của bản mường đã ngấm vào máu thịt. Đặc biệt, những làn điệu mượt mà, say đắm của khèn bè đã tạo nên nét đặc trưng văn hóa độc đáo, phản ánh đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất của đồng bào dân tộc Thái quê tôi”.
Thời ấy, ở bản có rất nhiều người biết thổi khèn. Cứ có dịp lễ hội hay sinh hoạt cộng đồng thì đi đâu cũng được thưởng thức điệu khèn vang cả núi rừng. Cũng bởi tiếp xúc từ nhỏ nên ông Chựa nhớ được các điệu và bắt chước thổi theo.
Huyện Yên Châu là vùng đất sinh sống của năm dân tộc, trong đó dân tộc Thái chiếm đa số.
Nét đặc trưng riêng trong phong tục tập quán, lễ hội truyền thống của mỗi dân tộc đã tạo cho Yên Châu nét văn hóa đa dạng, phong phú, được cộng đồng các dân tộc tham gia gìn giữ, bảo tồn nhiều đời nay.
Ông Vì Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Yên Châu cho biết: Để bảo tồn và phát huy lễ hội truyền thống các dân tộc, huyện Yên Châu đang tập trung chỉ đạo phòng chuyên môn phối hợp Bảo tàng tỉnh, Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh tỉnh, Ủy ban nhân dân các xã sưu tầm, nghiên cứu, bảo vệ các giá trị văn hóa dân gian; đồng thời rà soát phục dựng các phong tục tập quán, tín ngưỡng và lễ hội các dân tộc còn được lưu truyền trên địa bàn.
Trong đó, huyện sẽ tiếp tục phát huy vai trò của những người uy tín như ông Lường Văn Chựa.
Trong nhiều năm qua, với mong muốn gìn giữ làn điệu khèn bè, ông Chựa đã tích cực truyền dạy cho các thế hệ thanh niên trong bản và các xã, bản lân cận.
Những lớp học nhạc cụ truyền thống được mở ra, ông đến từng điểm hướng dẫn kỹ thuật thổi khèn.
Năm 2018, sau khi được sự nhất trí của Ủy ban nhân dân huyện Yên Châu, nhóm bảo tồn văn hóa dân tộc Thái Yên Châu đã được thành lập với 11 thành viên, ông Lường Văn Chựa được tín nhiệm bầu làm nhóm trưởng.
Hiện nay, nhóm có 19 thành viên, ngoài dân tộc Thái, có thêm sáu người dân tộc Khơ Mú đều là những người có niềm đam mê với văn hóa dân tộc.
Từ khi thành lập đến nay, ông cùng nhóm đã mở được bảy lớp học chữ, khèn bè Thái và lớp truyền dạy tiếng Khơ Mú miễn phí, thu hút gần 150 học viên tham gia. Điều đáng trân trọng là nhiều học trò được ông Chựa và nhóm bảo tồn văn hóa truyền dạy đã góp phần lan tỏa tiếng nói, chữ viết, văn hóa dân tộc cho con cháu.
Chị Lò Thị Anh ở bản Ngùa, xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu, học viên tham gia lớp học chữ Thái do ông Lường Văn Chựa mở, chia sẻ: “Qua học lớp chữ Thái, chúng tôi thấy rất bổ ích cho bản thân. Ngoài việc biết được chữ viết của dân tộc mình qua những cuốn sách, chúng tôi còn tự đọc và khai thác được những phong tục, nét văn hóa truyền thống của người Thái từ thuở xưa”.
Ông Lường Văn Chựa cho biết: “Tôi mong muốn những việc làm của mình sẽ góp sức lưu giữ và truyền đạt cho thế hệ trẻ hiểu và ngày càng yêu thích văn hóa truyền thống dân tộc. Tôi ưu tiên số một là phát triển dạy chữ, thứ hai là phát triển ca hát, múa, nhất là múa xòe. Nắm tay xòe vòng chỉ có dân tộc Thái mới có và mang tính cộng đồng rất cao. Hơn nữa, hiện nay người muốn dạy không phải không có, nhưng người học thì không dễ tí nào”.