Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Chuyện về ngôi nhà bình dị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp bên dòng Kiến Giang

NDO -

Với du khách khi đến với Quảng Bình, ai cũng muốn một lần được ghé thăm ngôi nhà gắn bó với tuổi thơ của vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp. Đó là ngôi nhà gỗ 3 gian bình dị nằm bên dòng Kiến Giang, ở cuối làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy. Nơi đây Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cất tiếng khóc chào đời và có những năm tháng tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm. Điều đó khiến Đại tướng rất xúc động trong mỗi lần dịp trở về thăm quê.

Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ngôi nhà gỗ có mái hiên lợp tranh rất quen thuộc với nông thôn Quảng Bình trước đây. (Ảnh: Hương Giang)
Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ngôi nhà gỗ có mái hiên lợp tranh rất quen thuộc với nông thôn Quảng Bình trước đây. (Ảnh: Hương Giang)

Trong căn nhà gỗ mát rượi giữa trưa tháng 8 nắng như đổ lửa của vùng đất Quảng Bình, ông Võ Đại Hàm, cháu gọi Đại tướng bằng ông thúc bá là người được giao nhiệm vụ trông coi ngôi nhà hơn 40 năm qua, kể rằng, trước ngôi nhà hiện tại là nhà của ông, bà Võ Quang Nghiêm và Nguyễn Thị Kiên, là bậc thân sinh Đại tướng. Năm 1947, giặc Pháp đốt cháy toàn bộ ngôi nhà hơn 100 năm tuổi của gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Sau ngày đất nước thống nhất, năm 1977, ngôi nhà này được gia đình và chính quyền địa phương phục dựng lại nguyên trạng trên nền đất cũ. Do ngôi nhà được làm bằng vật liệu gỗ, tranh, tre nên mỗi khi xảy ra lũ lụt thường bị hư hỏng. Sau những lần như vậy, ông Hàm lại đề xuất với lãnh đạo huyện Lệ Thủy có phương án sữa chữa và nâng cấp.

Để có được ngôi nhà lưu niệm như hiện nay là cả một quá trình dày công thực hiện và tấm lòng của người dân Lệ Thủy tri ân với công lao và những đóng góp cho quê hương, đất nước của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông Đỗ Trung Tuân, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, từng làm Trưởng ban chỉ đạo tu sửa, trùng tu ngôi nhà Đại tướng kể rằng, vào những năm 90 của thế kỷ trước, nhận thấy tầm quan trọng của việc phục dựng lại ngôi nhà lưu niệm của Đại tướng, lãnh đạo huyện Lệ Thủy nhiều lần xin ý kiến nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp chưa đồng ý.

Mãi đến tháng 8/1999, nhân dịp Đại tướng về thăm quê và trong quá trình làm việc, lãnh đạo huyện Lệ Thủy đặt vấn đề với Đại tướng về việc tôn tạo, trùng tu lại ngôi nhà. Lần này được Đại tướng nhất trí và ủy quyền cho con gái là chị Võ Hồng Anh thay mặt gia đình trao đổi với huyện về công việc liên quan đến ngôi nhà, khu vườn…

Chuyện về ngôi nhà bình dị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp bên dòng Kiến Giang -0
 Gian bên trái là nơi để cho du khách viết lưu niệm khi đến thăm ngôi nhà.

Ông Đỗ Trung Tuân nhớ lại, công việc đầu tiên là phải xác định lại kiểu nhà cũ của gia đình Đại tướng để trên cơ sở đó tổ chức phục dựng. Theo truyền thống, người Lệ Thủy thường làm nhà rường 1 gian 2 chái hoặc 3 gian 2 chái theo nguyên liệu gỗ bát vấn (đủ các loại gỗ) hoặc thượng chua hạ gõ (phần trên nhà làm bằng gỗ chua, cột bằng gỗ gõ, còn gọi là gụ). Theo mô tả của ông Võ Thuần Nho, em ruột của Đại tướng thì ngôi nhà của gia đình ngày xưa làm theo kiểu nhà 3 gian 2 chái theo kiểu “thượng chua hạ gõ”.

Sau khi xác định được kiểu dáng ngôi nhà, ban chỉ đạo của địa phương đã tìm tổ thợ mộc làng Quảng Cư (một làng mộc nổi tiếng của Lệ Thủy) và giao cho ông Đặng Đại Múng - nghệ nhân bậc thầy của làng lúc bấy giờ - làm tổ trưởng chịu trách nhiệm phục dựng lại ngôi nhà.

Ông Võ Giáo Sư, người được giao nhiệm vụ thiết kế lại ngôi nhà của Đại tướng kể, được phân công trách nhiệm phục dựng lại ngôi nhà, ông đã căn cứ vào sơ đồ của Đại tướng và ông Võ Thuần Nho để lại rồi nghiên cứu và thiết kế ngôi nhà theo kiểu 3 gian 2 chái và xung quanh làm bằng nghẹc, đố bản, vách ngăn… theo nguyên bản ngày xưa. Mất cả tháng trời, ông Sư đã tỉ mẩn đo từng cột nhà, từng cái xuyên ba, xuyên vách, tìm hiểu thêm một số chi tiết khác và hỏi thêm kinh nghiệm từ cụ Đặng Đại Múng để thực hiện. Khi đã hoàn thành bản vẽ, ông cùng đoàn cán bộ huyện Lệ Thủy ra Hà Nội để xin ý kiến Đại tướng và được đồng ý.

Trở về lại làng An Xá, lãnh đạo huyện Lệ Thủy đã chọn Công ty xây dựng tổng hợp Hòa Bình do ông Đặng Đại Trung, cháu của cụ Đặng Đại Múng, làm giám đốc đảm nhận thi công ngôi nhà. Đây là đơn vị quy tụ nhiều người thợ mộc có tay nghề giỏi của làng Quảng Cư. “Khi được lãnh đạo huyện Lệ Thủy chọn làm đơn vị thi công trùng tu lại nhà Đại tướng, những người thợ chúng tôi rất tự hào. Có thể nói, trong cả cuộc đời làm thợ thì đây là niềm vinh dự lớn nhất của chúng tôi. Vì thế, anh em tổ thợ đã làm việc không kể ngày đêm, tỉ mẫn đến từng chi tiết, mong sao công trình hoàn thành đúng thời gian và đặc biệt là phải bảo đảm đúng như nguyên bản của ngôi nhà khi xưa” - ông Đặng Đại Trung chia sẻ.

Đầu năm 2001, ngôi nhà gỗ 3 gian 2 chái lợp ngói và nhà ngang (còn gọi là nhà bếp) lợp tranh được dựng lên trên nền đất cũ cùng với những vật dụng gia đình như tủ sách, tấm phản, bộ tràng kỷ, rương chí góc (sập gụ), tủ thờ… đã được phục dựng lại như xưa.

Trong ngôi nhà gỗ này, gian giữa được đặt bàn thờ tổ tiên. Phía trên cùng có ảnh hai cụ thân sinh của Đại tướng là Võ Quang Nghiêm và Nguyễn Thị Kiên. Phía ngoài cùng là bàn thờ đặt tượng và di ảnh của Đại tướng. Gian bên phải là nơi kê chiếc sập gụ đã bóng nước thời gian; gian bên trái đặt bộ tràng kỷ làm nơi cho du khách ngồi viết sổ lưu niệm. Trong nhà còn treo nhiều ảnh của Đại tướng chụp chung với Bác Hồ và những đồng chí của mình. Nhiều vật dụng gia đình và các nông cụ đặc trưng của vùng chiêm trũng Lệ Thủy như cày, bừa, cuốc, xẻng, chum, lu, được sắp đặt ngăn nắp trong ngôi nhà.

Chuyện về ngôi nhà bình dị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp bên dòng Kiến Giang -0 Bên góc nhà có cây khế hơn 100 năm tuổi vẫn xanh mướt và tỏa mát.

Tháng 4/2002, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng gia đình về thăm quê. Ông đứng nhìn ngôi nhà thật lâu, rồi xem từng hiện vật trong nhà, vòng quanh thăm khu vườn. Đại tướng xúc động khi nhìn thấy ngôi nhà của cha mẹ, của ký ức tuổi thơ đã phục dựng lại gần như vẹn nguyên. Gặp lãnh đạo huyện Lệ Thủy và những người thợ phục dựng ngôi nhà, Đại tướng đã bắt tay và cảm ơn từng người, cảm ơn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lệ Thủy đã giành những tình cảm chân thành cho gia đình mình. Thăm nhà lưu niệm Đại tướngVõ Nguyên Giáp, du khách luôn được ông Võ Đại Hàm vui vẻ tiếp chuyện. Hơn 40 năm nay, công việc chính hằng ngày của ông Hàm là hương khói, quét dọn nhà cửa và lau chùi những kỷ vật và hướng dẫn, trò chuyện với các đoàn khách đến tham quan, tìm hiểu về vị tướng tài ba của dân tộc.

Ông Hàm cho biết, từng tốt nghiệp kỹ sư bách khoa nhưng vì trách nhiệm được Đại tướng giao, ông trở về quê hương lập nghiệp và trông coi ngôi nhà từ bấy đến nay. Ông Võ Đại Hàm nhớ lại, những lần về thăm quê, Đại tướng đều căn dặn: “Phải làm sao để nhà và vườn tược luôn được chăm sóc, để khi bà con đến thăm, người ta không cảm thấy lạnh”. Ghi nhớ lời căn dặn đó, hằng ngày, ông Hàm tận tụy chăm nhà cửa, cây cối, chăm lo hương khói cho tổ tiên và tiếp đón các đoàn khách du lịch trong và ngoài nước.

Ông Hàm cũng không nhớ rõ mình đã tiếp bao nhiêu đoàn và bao nhiêu khách du lịch đến tham quan ngôi nhà. Dù chưa qua lớp nghiệp vụ du lịch nào nhưng những câu chuyện mộc mạc, giản dị, gần gũi mà ông chia sẻ đã giúp cho nhiều người đến thăm hiểu thêm về cuộc đời của Đại tướng một cách sâu sắc và ấn tượng nhất. Ông Hàm nói thêm, dịp này hằng năm, lượng khách đến thăm nhà lưu niệm rất đông, nhưng năm nay vì ảnh hưởng dịch bệnh nên chỉ người dân địa phương đến dâng hương thôi.

Chuyện về ngôi nhà bình dị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp bên dòng Kiến Giang -0
 Không gian phía trước ngôi nhà thoáng mát.

Giờ đây, khi đến thăm ngôi nhà, du khách thấy ngôi nhà bình dị, đơn sơ trong khu vườn rợp mát nhưng ít ai hình dung được, đợt mưa lũ lịch sử cuối năm 2020, cùng với hàng trăm nghìn ngôi nhà ở vùng lũ Lệ Thủy, ngôi nhà lưu niệm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp bị lũ nhấn chìm rất sâu. Ông Võ Đại Hàm cho biết, nước lũ làm ngập gần 2m, sóng lớn đánh hỏng toàn bộ mái hiên bằng tranh phía trước nhà, nhiều vật dụng bị hỏng, trôi trong lũ. Ngay khi lũ chưa chưa rút hết, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ đội biên phòng Quảng Bình đã cử bộ đội về rửa bùn đất, dọn lại nhà cửa, vườn tược. Sau đó, ngôi nhà được sửa chữa, cảnh quan được phục hồi như hiện nay.

Chia tay chúng tôi, ông Hàm thông tin thêm là tỉnh Quảng Bình vừa quyết định đầu tư mở rộng, nâng cấp Nhà lưu niệm Đại tướng thành Khu lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp với diện tích khoảng hơn 3ha. Dự kiến, công trình sẽ được khởi công trong dịp kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Điều này sẽ đáp ứng lòng mong đợi, ngưỡng mộ của nhân dân địa phương đối với những đóng góp to lớn của Đại tướng với đất nước và quê hương.