Chuyện về một người Anh hùng

Ông Nguyễn Đình Bảy về thăm lại
Trại tạm giam Thừa Phủ - Huế.
Ông Nguyễn Đình Bảy về thăm lại Trại tạm giam Thừa Phủ - Huế.

Chuyện từ chiếc áo bông của Bác Hồ

Ông Bảy Khiêm là một trong số ít người còn sống thuộc lớp cán bộ, chiến sĩ lực lượng Cảnh sát đã tham gia đấu tranh, bảo vệ cách mạng ngay từ những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Năm 1943, ông là Ðội trưởng Ðội tự vệ mặt trận Việt Minh tỉnh Khánh Hòa, từ đây ông đã sớm bộc lộ tư chất là người cán bộ công an xuất sắc. Cách mạng Tháng Tám 1945, ông là Trưởng ty Cảnh sát tỉnh Khánh Hòa, Ủy viên Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Khánh Hòa. Khởi nghĩa giành thắng lợi tại tỉnh Khánh Hòa. Ông được điều động về Huế là Trưởng Phòng cảnh sát hành chính, vừa làm Trưởng ban Trật tự trị an TP Thuận Hóa (nay là TP Huế), mở các lớp huấn luyện nghiệp vụ cảnh sát cho các tỉnh khu vực Trung Bộ, nhất là đã thanh lọc xây dựng, đội ngũ cảnh sát ở Huế mang phong cách, phẩm chất của người Cảnh sát cách mạng. Cuối năm 1946, Ban trật tự trị an Thuận Hóa chuyển dần sang nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Năm 1947, Thị ủy Ðảng bộ Thuận Hóa được thành lập và ông là Thành ủy viên Huế, cũng là Ủy viên Ban cán sự Công an Thừa Thiên, đến năm 1948, là Trưởng ban Ðiệp báo kiêm chỉ huy Ðội Công an xung phong. Với phương châm "đánh một tên rã cả bọn", Ban Ðiệp báo Ty Công an Thừa Thiên đã tổ chức nhiều trận đánh oanh liệt tiêu diệt nhiều đối tượng nguy hiểm, khiến kẻ thù phải khiếp sợ, điển hình như vụ xử tên tri huyện gian ác Thái Nguyên Trinh, ở huyện Hương Trà, hay vụ xử Lê Quang Phước, tên mật thám tin cậy lâu năm của thực dân Pháp vừa được bổ nhiệm Giám đốc Công an Trung Bộ ở Huế, khiến Phước phải từ chức hoặc vụ xử tử Rờ-nê Trần Ðình Hạnh - Thanh tra mật thám Trung Kỳ ngay giữa TP Huế...

Ngày 19-5-1950, đúng vào dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 60 của Bác Hồ, Ban Ðiệp báo Ty Công an Thừa Thiên là đơn vị lập được nhiều chiến công xuất sắc, được Liên khu ủy Liên khu IV trao tặng phần thưởng chiếc áo bông của Bác. Lúc ấy, ông Bảy Khiêm đã thay mặt Ban Ðiệp báo - Ty Công an Thừa Thiên đón nhận phần thưởng cao quý này trước đông đảo cán bộ, các ngành, các cấp tỉnh cùng cán bộ nhân viên Ty Công an và một số đồng bào ở quanh vùng đến dự. Chiếc áo bông hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng của Bộ Công an.

Tỏa sáng một tấm lòng

Năm 1952, ông được điều động về Bộ Nội vụ nay là Bộ Công an. Ðến năm 1956, ông được bổ nhiệm Trưởng phòng Cảnh vụ Cục Cảnh sát nhân dân, chưa đầy một năm sau ông lại được bổ nhiệm Trưởng phòng Phái khiển, tức phòng tình báo đầu tiên của Bộ Công an. Nhiệm vụ của ông lúc này là tham gia chống chia cắt, ông thường xuyên có mặt ở Vĩ tuyến 17, mở nhiều lớp đào tạo cán bộ phái khiển chi viện cho miền nam cắm vào các địa bàn trọng điểm như Sài Gòn - Gia Ðịnh, Nha Trang, Khánh Hòa, Ðà Nẵng, Huế, Quảng Trị.

Ðầu năm 1964, ông được điều động vào chiến trường miền nam làm Phó trưởng Ban an ninh khu V đến năm 1966 thì trở về Thừa Thiên - Huế. Do thay đổi về bộ máy tổ chức đáp ứng diễn biến tình hình, ông giữ chức Phó trưởng Ban an ninh Khu Trị Thiên. Từ đây, ông đã tích cực chỉ đạo nắm tình hình các cơ quan của địch, mua lương thực, vũ khí từ vùng địch đưa lên căn cứ cách mạng, chuẩn bị phục vụ cuộc tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ðến bây giờ ông vẫn còn nhớ như in khí thế tiến công của mùa xuân lịch sử 1968. Ông là mũi trưởng một mũi tiến công vào khu vực nam Sông Hương, nơi có các vị trí trọng yếu như cơ quan CIA, Tòa đại diện Chính phủ Bắc Trung, Tòa tỉnh trưởng, cơ quan Bình Ðịnh nông thôn, Chi Sắc tộc và lao Thừa Phủ - Huế, nơi địch đang giam cầm hơn 2.300 cán bộ cách mạng và nhân dân yêu nước. Từ phía Tây thành phố Huế, ông cùng tám cán bộ nghiệp vụ an ninh, một tiểu đội trinh sát vũ trang và Tiểu đoàn bộ đội 815 với hơn 200 quân về đến đồi Thiên An đã hơn 1 giờ sáng, trên đường đi ông đã hạ lệnh tiêu diệt một toán thám báo đang đi tuần để dọn đường về nơi tập kết đúng giờ. 6 giờ 30 phút ngày mồng 1-2-1968, đơn vị ông đã có mặt tại TP Huế, nhanh chóng vận động đồng bào tố cáo tay sai, ác ôn, cắm cờ giải phóng lên nóc nhà Tòa tỉnh trưởng và chiếm giữ các mục tiêu quan trọng, đồng thời chỉ đạo kết hợp bao vây quân sự và địch vận nhà lao Thừa Phủ - Huế. Ðến 3 giờ 30 phút ngày 3-2-1968, đã giải phóng nhà lao tuyệt đối an toàn và ngay trong ngày hôm sau đã chọn 500 người trong số ấy bổ sung cho lực lượng vũ trang, tiếp tục cầm súng chiến đấu bảo vệ quê hương. Cùng với việc giải phóng nhà lao Thừa Phủ, trải qua 26 ngày đêm chiếm lĩnh Huế, mũi tiến quân do ông chỉ huy đã góp phần tiêu diệt nhiều sinh lực địch, bắt sống một số tên đầu sỏ trong bộ máy ngụy quyền tay sai, CIA, cảnh sát nguỵ, một số tên cầm đầu đảng phái phản động và bộ máy ngụy quyền địch ở cơ sở.

Sau ngày quê hương giải phóng, trên cương vị là Giám đốc Công an tỉnh Bình Trị Thiên, ông chỉ đạo triển khai kịp thời đập tan âm mưu lật đổ chính quyền của các tổ chức đảng phái phản động, tiêu biểu là vụ bắt giữ 32 đối tượng đầu sỏ trong cái gọi là "Mặt trận dân quân phục quốc Bình Trị Thiên" đang chuẩn bị kế hoạch phá rối Tết Mậu Ngọ, bảo đảm cho nhân dân vui Tết đón xuân.

Cuộc đời cách mạng của ông Bảy Khiêm luôn tỏa sáng tấm lòng "vì nước, vì dân", là tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tuy tuổi đã cao nhưng trong ông vẫn luôn cháy bùng nhiệt huyết cách mạng. Ðến nay, ông vẫn dành thời gian nghiên cứu và đóng góp cho lực lượng Công an nhân dân nhiều kinh nghiệm quý báu trong công tác bảo đảm an ninh trật tự cũng như công tác xây dựng Ðảng, xây dựng lực lượng, xứng đáng với danh hiệu Anh hùng LLVTND.

CÔNG HẬU, ĐINH SEN

Có thể bạn quan tâm