Điều quan trọng nhất của cổng rào là kết hợp “Tiếng mõ an ninh” của tỉnh đã có trước đây, với “Đội dân phòng cơ động” cùng với một số mô hình khác như “Dân vận khéo về an ninh giao thông”, “Đối thoại với người lầm lỗi”,... một cách nhuần nhuyễn, đem lại giá trị cao.
Nhìn vào một “cổng rào” cụ thể, ta có cảm nhận không khác gì một cổng làng ngày xưa, đặc biệt là ở miền bắc. Nhà có cửa, đường trong xóm ấp có cổng là một nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt. Có khác chăng chính là nội dung hoạt động của nó. Vừa qua chợ Mỏ Cày, rẽ trái vào Khu di tích Đồng Khởi ở xã Định Thủy, đến chân cầu 17-1, dễ dàng bắt gặp một cái cổng mang tên “Nhân dân tự phòng, tự quản” phía bên phải. Có hai ông già ngồi trước cổng uống cà-phê, tôi dừng xe ngồi xuống tâm sự cùng các ông mới vỡ lẽ nhiều điều. Ông Trần Văn Lẻ đã vào tuổi thất thập cho biết, cái cổng này không chỉ là bộ mặt của xóm ấp này, mà còn có tác dụng bắt mấy thằng ăn trộm trong xóm hay nơi khác đến.
Gặp Đại tá Võ Hoài Đoàn, “tác giả” của cánh cổng này mới rõ thêm cơ chế hoạt động. Đó là: Cổng rào tùy theo sức dân từng nơi mà có quy mô và chất lượng cửa khác nhau, nhưng điểm giống nhau là làm bằng sắt. Có chốt dân phòng phía trong, phía trên có bóng đèn chiếu sáng. Nội quy, quy chế hoạt động được viết rõ ràng và đặt giữa cửa cổng. Hộ chịu trách nhiệm mở và đóng cổng khi có chuyện xảy ra là nhà gần cổng nhất. Khi có chuyện ở đâu thì người phát hiện sớm nhất đánh mõ liên hồi. Chốt dân phòng nghe, liền báo về Công an xã và đánh trống báo hiệu huy động lực lượng tại chỗ, tiến về nơi có tiếng mõ báo hiệu. Những động tác đó luôn được tập dượt thường xuyên. Trộm có nhiều loại, cho nên việc đánh mõ cũng không giống nhau, trộm vặt và phát hiện trộm có hung khí tiếng mõ khác. Tất cả được thống nhất theo quy ước. Trộm chạy tới đâu tiếng mõ theo đến đó cùng tiếng hô. Theo anh Đoàn, việc “phòng” quan trọng hơn, do vậy rất coi trọng công tác tuyên truyền, đặc biệt là tuyên truyền miệng. Theo anh “công tác tuyên truyền miệng không chỉ truyền đạt được nội dung cần đến từng đối tượng, mà còn truyền được tình cảm để từ đó cảm hóa đối tượng, hướng hành động của họ đi về đường ngay lối chính”. Công việc “phòng” đối với anh còn là nâng cao ý thức của một bộ phận người dân trong xóm ấp chưa tích cực tham gia vây bắt tội phạm khi xảy ra; không chỉ qua lời nói trong các cuộc họp tổ nhân dân tự quản hằng tháng về sự cần thiết xây dựng và tác dụng cổng rào, mà còn là hành động để cho từng cổng rào ngày càng đem lại hiệu quả thiết thực, từ đó dân đồng thuận, nhiệt tình hưởng ứng, tự nguyện đóng góp kinh phí, ngày công xây dựng cổng rào, cũng như cử người tham gia chốt dân phòng, đánh mõ, truy bắt tội phạm.
Đại tá Võ Thành Đồng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bến Tre cho biết: đồng chí Võ Hoài Đoàn là một cán bộ công an tận tụy với nhân dân, với cương vị nào, công việc gì, ở đâu, đồng chí cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Mô hình cổng rào nhân dân tự phòng, tự quản hiện nay thực hiện có hiệu quả cao được Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo nhân rộng mô hình ra toàn tỉnh. Công an huyện Mỏ Cày Nam được Bộ Công an tặng cờ đơn vị xuất sắc trong phong trào phòng, chống tội phạm và trật tự an toàn xã hội.
Điều trăn trở nhất của Đại tá Võ Hoài Đoàn hiện nay là làm gì để nhân rộng mô hình này, từ con số 164 cổng hiện tại, sẽ tiếp tục có ở khắp các nẻo đường trong xóm ấp, với chất lượng hoạt động hiệu quả, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an toàn cho nhân dân.