Chuyện mới kể về chiến dịch cấp căn cước công dân ở Hà Nam

NDO - Cuối tháng 4 vừa qua, Hà Nam là tỉnh đầu tiên trên cả nước công bố hoàn thành cấp căn cước công dân cho 100% dân số trong độ tuổi theo quy định. Đây không chỉ là tiền đề quan trọng, giúp Hà Nam chuyển mình về mọi mặt kinh tế-xã hội trong thời gian tới, mà còn là dấu mốc cả nước trong xây dựng, tạo nên “công dân số”, thành tố quan trọng để phát triển xã hội số, Chính phủ số.
0:00 / 0:00
0:00
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc trao Thư khen của Bộ trưởng Công an tặng Công an tỉnh Hà Nam, đơn vị dẫn đầu cả nước hoàn thành 100% chỉ tiêu cấp căn cước công dân gắn chíp cho công dân.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc trao Thư khen của Bộ trưởng Công an tặng Công an tỉnh Hà Nam, đơn vị dẫn đầu cả nước hoàn thành 100% chỉ tiêu cấp căn cước công dân gắn chíp cho công dân.

Đặt mục tiêu “cán đích” đúng dịp cả nước chào mừng Ngày Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước 30/4 và Quốc tế Lao động 1/5, thế nhưng chỉ đến ngày 22/4, 6/6 đơn vị cấp huyện và 109/109 cấp xã đã hoàn thành 100% cấp căn cước công dân gắn chip.

Như vậy, Công an Hà Nam đã cấp 754.277 căn cước công dân đủ điều kiện; kích hoạt 401.592 tài khoản định danh điện tử, đạt 66,8%, đứng đầu toàn quốc; và tổ chức thực hiện số hóa tàng thư hồ sơ hộ khẩu, đạt 98,24%.

Quyết liệt, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Đại tá Tô Anh Dũng, Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam, chia sẻ: là tỉnh đầu tiên trong cả nước hoàn thành cấp căn cước công dân gắn chip cho 100% công dân, vai trò và dấu ấn của lãnh đạo tỉnh, các cấp và sự hỗ trợ giúp đỡ của người dân rất đậm nét. Trước hết là sự thống nhất về nhận thức và hành động quyết liệt của người đứng đầu Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, đến lãnh đạo các cấp, và sự đồng lòng hưởng ứng của nhân dân trong tỉnh.

Đến ngày 22/4, 6/6 đơn vị cấp huyện và 109/109 cấp xã của Công an Hà Nam đã hoàn thành 100% cấp căn cước công dân gắn chip.

Việc Công an tỉnh khẩn trương triển khai thực hiện cấp căn cước công dân, kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho công dân có đủ điều kiện trên địa bàn sẽ góp phần phục vụ người dân, doanh nghiệp giải quyết những thủ tục hành chính nhanh chóng, thuận tiện trên môi trường điện tử. Giảm bớt giấy tờ, thời gian, công sức và chi phí đi lại của người dân, đồng thời xây dựng “công dân số”.

Chuyện mới kể về chiến dịch cấp căn cước công dân ở Hà Nam ảnh 1

Tổ lưu động đi khắp cả nước thu thập thông tin hồ sơ cấp căn cước công dân.

Để có được thành công này, Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng Công an tỉnh triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ cấp căn cước công dân. Chỉ đạo lực lượng công an huyện, xã tập trung phương tiện, thiết bị có sẵn, bảo đảm tiết kiệm, mang lại hiệu quả cao.

Một trong những giải pháp tiên phong, có hiệu quả đem lại lợi ích thiết thực giảm thiểu tối đa việc di chuyển, tiết kiệm được kinh phí cho công dân Hà Nam đang sinh sống, lao động, làm việc tại các tỉnh, thành phố trên toàn quốc nhưng chưa có thẻ căn cước công dân gắn chip là việc thành lập 11 tổ công tác lưu động với 45 cán bộ, chiến sĩ có kinh nghiệm tinh thần, trách nhiệm cao đi đến mọi miền Tổ quốc, thu nhận hồ sơ.

Chỉ trong ba ngày đầu tiên, từ 6 đến 8/4/2023, các tổ công tác Công an tỉnh Hà Nam đã thu nhận hơn một nghìn hồ sơ cấp căn cước công dân gắn chip cho người dân đang sinh sống và làm việc tại các tỉnh trên cả nước.

Ngoài ra, công an tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự lan tỏa, vận động quần chúng nhân dân hiểu lợi ích và tích cực phối hợp công tác; Công an các huyện, thị xã, thành phố củng cố hệ thống tàng thư hộ khẩu, bổ sung thông tin kịp thời, bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”.

Chúng tôi được biết, cách thức triển khai là giao chỉ tiêu cụ thể cho từng cá nhân, tổ đội công tác và tổ chức Lễ ra quân, ký cam kết thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao; tăng cường bổ sung cán bộ, chiến sĩ phục vụ tổ công tác, tổ chức ứng trực 24/24 tại đơn vị và thành lập các tổ cấp căn cước công dân lưu động phục vụ yêu cầu của nhân dân. Thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, cấp thôn.

Trong thành công chung, phải kể tới vai trò quan trọng của lực lượng công an xã đã làm tốt công tác điều tra cơ bản, tập trung vào số công dân vắng mặt tại địa phương chưa làm căn cước công dân. Với tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình cao, cán bộ, chiến sĩ xã đã đến từng nhà, rà từng thôn thu thập tin tức.

Chuyện mới kể về chiến dịch cấp căn cước công dân ở Hà Nam ảnh 2

Tổ cấp căn cước công dân lưu động phục vụ yêu cầu của nhân dân trong tỉnh.

Thông qua các mối quan hệ gia đình, bạn bè, người thân, các hội, nhóm trên các mạng xã hội như Zalo, Facebook, hội đồng hương của bà con xa quê đang làm ăn, sinh sống tại các tỉnh, chủ động liên hệ, thông báo số định danh cho công dân, hướng dẫn công dân kiểm tra thông tin cá nhân, phối hợp làm sạch thông tin công dân trên hệ thống; tuyên truyền, vận động công dân đi làm căn cước công dân tại nơi đăng ký tạm trú, nơi đang sinh sống, thường trú...

Công cuộc đi “tìm” dân

Câu chuyện đi “tìm” dân, thu thập, cấp căn cước công dân gắn chíp trên địa bàn thời gian qua cũng gặp không ít khó khăn, bởi không phải người dân nào cũng hiểu, ủng hộ, thậm chí có những trường hợp còn chống đối.

Tuy nhiên, bằng sự kiên trì vận động, tuyên truyền, đặc biệt là giúp người dân hiểu được tiện ích của việc có tấm thẻ căn cước công dân gắn chip đã giúp Hà Nam trở thành tỉnh đầu tiên về đích sớm nhất cả nước.

Nói về những khó khăn trong những ngày tháng cao điểm phủ kín cấp căn cước công dân gắn chip, Đội trưởng Đội Quản lý hành chính và Trật tự xã hội Công an huyện Kim Bảng, Trung tá Trương Văn Chiến cho biết: “Cùng với các công an xã, thị trấn tập trung nguồn lực, chúng tôi xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết phân công đến từng cán bộ, chiến sĩ, chia từng ca kíp thực hiện cấp căn cước công dân với phương châm dễ làm trước, khó làm sau”.

Đối với công dân trên địa bàn, Trung tá Trương Văn Chiến cho biết cùng đồng đội phối hợp công an các xã, thị trấn, cấp tại trụ sở công an các xã. Đối với các trường hợp các cụ già yếu, neo đơn, những người bệnh nặng, tâm thần, khó khăn trong việc đi lại, các tổ lưu động đến tận nhà, cơ sở bảo trợ xã hội tiến hành thủ tục cấp.

“Cùng với các công an xã, thị trấn tập trung nguồn lực, chúng tôi xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết phân công đến từng cán bộ, chiến sĩ, chia từng ca kíp thực hiện cấp căn cước công dân với phương châm dễ làm trước, khó làm sau”.

Đội trưởng Đội Quản lý hành chính và Trật tự xã hội Công an huyện Kim Bảng Trương Văn Chiến

Trung tá Chiến nhấn mạnh, lực lượng làm nhiệm vụ đặc biệt gặp những khó khăn đối với những trường hợp nhân dân trên địa bàn đi làm ăn xa: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Cần Thơ, Sơn La, Lai Châu.. Họ đều là những người không có điều kiện về thời gian hoặc kinh phí về làm căn cước công dân tại trụ sở công an huyện.

Đối với những trường hợp này, thực hiện chỉ đạo của Công an tỉnh, công an huyện đã thành lập Tổ công tác phối hợp công an công an tỉnh bạn tiến hành đặt máy móc tại trụ sở công an tỉnh, thu thập hồ sơ đối với những trường hợp này. Đối với các công dân các tỉnh tạm trú trên địa bàn, công an Hà Nam cũng tiến hành rà soát, tuyên truyền mời số công dân này đến cấp đủ 100%.

Những tháng ngày triển khai chiến dịch cao điểm đi tìm dân, lập hồ sơ cấp căn cước công dân, đối với các cán bộ, chiến sĩ tổ lưu động, đó là những ngày tháng không bao giờ có thể quên được.

Thực hiện chỉ đạo của công an tỉnh, vì tinh thần phục vụ nhân dân, bên cạnh đó, lại có nhiều năm kinh nghiệm cấp căn cước công dân, Trung úy Nguyễn Tuấn Anh, Công an huyện Kim Bảng đã làm đơn tình nguyện xin vào tổ công tác lưu động của công an huyện đi vào các tỉnh phía nam để tìm công dân .

Nhớ lại chuyến đi để lại rất nhiều kỷ niệm đặc biệt, Trung úy Tuấn Anh kể có những ngày đi 4, 5 chục cây số mới tìm ra được công dân già yếu, bệnh tật, tai nạn không có khả năng đi lại. Những trường hợp như vậy, chúng tôi phải tranh thủ đi làm đêm, sau đó nhanh chóng quay lại địa điểm lưu động để sáng hôm sau phục vụ bà con.

Chuyện mới kể về chiến dịch cấp căn cước công dân ở Hà Nam ảnh 3

Công an xã Hoàng Tây, huyện Kim Bảng hướng dẫn cài đặt ứng dụng VNeID cho nhân dân.

Trung úy Tuấn Anh kể, có những trường hợp khi chúng tôi tìm tới, bà con lo lắng không biết công an đến tìm họ làm gì. Tuy nhiên sau khi nói rõ lý do, bà con rất vui, phấn khởi, còn cảm ơn công an rất nhiều. Vất vả là thế nhưng anh em không cần điều kiện gì, chỉ mong nhận được sự hợp tác nhiệt tình của bà con để nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ.

Trưởng Công an xã Hoàng Tây, Đại úy Nguyễn Văn Giáp kể chuyến đi cùng Tổ lưu động lên Thủ đô Hà Nội chỉ để tiến hành làm thủ tục cho 3 trường hợp: 1 người bị liệt, 1 cụ già ở trung tâm bảo trợ và 1 học sinh đi học xa nhà.

Nhớ lại chuyến đi ấy, ánh mắt Đại úy Giáp vẫn lấp lánh niềm vui: tuy không vất vả như những anh em tổ lưu động khác phải đi xa, dài ngày, nhưng chúng tôi vẫn thấy tự hào và vinh dự vì đã góp phần đưa xã Hoàng Tây trở thành đơn vị cơ sở đầu tiên trong toàn tỉnh hoàn thành sớm nhất việc cấp căn cước công dân gắn chip; góp phần vào thành công chung của toàn tỉnh.

Thời gian tới, Công an tỉnh Hà Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền việc triển khai sử dụng căn cước công dân gắn chip và ứng dụng VNeID trong thực hiện giải quyết thủ tục hành chính công và các giao dịch trên môi trường điện tử phát triển các tiện ích để phục vụ cơ quan, tổ chức và cá nhân.

Lãnh đạo Công an tỉnh cho biết sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác cấp đổi, cấp lại và cấp mới căn cước công dân cho công dân đến độ tuổi, số chấp hành xong án phạt tù, số đi nước ngoài trở về; đồng thời đẩy mạnh việc thu nhận, kích hoạt định danh điện tử cho công dân trên địa bàn đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu đúng thời gian quy định. Thực hiện nghiêm túc công tác đăng ký, quản lý cư trú; làm sạch dữ liệu dân cư, bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống” .