Cần khai thông cửa biển kịp thời, cứu vùng nuôi cá trên sông Lễ Thịnh

NDO -

Những ngày mưa liên tiếp, nước thượng nguồn sông Kỳ Lộ đổ về nhiều, cộng với gió mùa đông bắc gây sóng lớn đẩy cát bồi lấp cửa biển An Hải làm cho nước đầm Ô Loan không thoát ra được đã chảy ngược về sông Lễ Thịnh, nguy cơ ngọt hóa hàng trăm lồng bè nuôi cá của người dân thôn Phú Lương, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An (Phú Yên).

Sợ nước lũ làm chết cá nuôi trong vùng sông Lễ Thịnh, người dân thôn Phú Lương, xã Anh Ninh Đông, huyện Tuy An, Phú Yên tự vận động khơi thông cửa biển, nhưng rất khó khăn.
Sợ nước lũ làm chết cá nuôi trong vùng sông Lễ Thịnh, người dân thôn Phú Lương, xã Anh Ninh Đông, huyện Tuy An, Phú Yên tự vận động khơi thông cửa biển, nhưng rất khó khăn.

Trước nguy cơ cá bị chết ngợp do sốc nước ngọt, người dân tự huy động nhân vật lực khai thông cửa biển, nhưng gặp rất nhiều khó khăn về điều kiện thời tiết và kinh phí.

Trong đợt mưa lớn cách đây 10 ngày, hiện tượng nước lũ không thoát được đã làm cá chết hàng loạt do sốc nước ngọt, người nuôi mất trắng tiền tỷ. Lo ngại trước tài sản hàng trăm tấn cá, có giá trị tiền tỷ đang nằm dưới nước dễ bị chết như lần trước, người nuôi cá tự góp tiền, thuê xe múc khai thông cửa biển nhằm cứu vãn tình thế, tuy nhiên với kinh phí có hạn, người dân cần sự quan tâm hỗ trợ khẩn thiết của chính quyền địa phương.

Lúc 11 giờ trưa nay, nhận được tin báo của người nuôi cá ở thôn Phú Lương, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, Phú Yên, phóng viên Báo Nhân Dân đã có mặt tại cửa biển An Hải, chứng kiến việc khai thông cửa biển trong tình huống rất khẩn trương, gấp gáp và vô cùng khó khăn.

Trời tiếp tục mưa như trút nước, sóng biển vỗ mạnh, lượng cát quá lớn, lấp cả cửa biển thông từ đầm Ô Loan ra biển, ngoài hai xe múc, hàng chục người dân cũng sử dụng dụng cụ thô sơ, cố sức khơi thông dòng chảy.  

Cần khai thông cửa biển kịp thời, cứu vùng nuôi cá trên sông Lễ Thịnh -0
Đợt mưa lũ đầu tháng 11 làm cá chết hàng loạt, gây thiệt hại tiền tỷ đối với hàng chục hộ nuôi cá mú, cá hồng dọc sông Lễ Thịnh, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, Phú Yên.

Ông Đinh Ninh Thụy, ở thôn Phú Lương, xã An Ninh Đông cho biết, gia đình ông nuôi được khoảng hơn 4 tấn cá mú, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sản lượng cá vẫn chưa xuất bán được, mưa lớn kéo dài, nước ngọt liên tục đổ về vùng nuôi, cá mú nuôi của gia đình đã bị sốc nước ngọt chết hơn một nửa, gia đình đã thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

“Các năm trước, cửa biển An Hải bị bồi lấp đều được chính quyền địa phương khơi thông trước mùa mưa. Tuy nhiên, từ tháng 4/2021 đến nay, cửa biển bị bồi lấp nặng nhưng không được khơi thông. Chúng tôi đã có đơn kiến nghị và nhiều lần trực tiếp đến Ủy ban nhân dân xã An Hòa Hải và An Ninh Đông kiến nghị chính quyền địa phương sớm khơi thông cửa biển cứu vùng nuôi thủy sản của bà con. Tuy nhiên, tôi chỉ nhận được câu trả lời từ chính quyền địa phương đó là chờ nước lũ lớn hơn nữa mới khơi thông cửa biển”.

Bà Võ Thị Luyến, cùng thôn với ông Thụy là người nuôi nhiều nhất, với 2 bè 17.000 con cá mú đã đủ tuổi xuất bán, nhưng không ai mua. Đợt mưa lũ trong các ngày 2-4/11, nước lũ tràn qua, làm chết một nửa, số cá còn lại trong lồng khoảng 7.500 con. “Gia đình tôi cũng như bà con đang rất lo lắng, với lượng mưa như thế này trong hai ngày nữa, nếu cửa biển không được khai thông thì có lẽ số cá còn lại cũng chết, bà con trắng tay trong vụ này. Rất mong chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ nạo vét sớm cửa biển để dân đỡ lo”, bà Luyến nói.

Tương tự ông Nguyễn Phiết, thôn Phú Lương lo lắng: “Nước ngọt liên tục đổ về, hàng trăm tấn cá lồng nuôi của chúng tôi bị sốc nước ngọt chết, gia đình tôi và các hộ dân trong thôn bỏ ra 50 triệu khơi thông cửa biển nhưng sức của nông dân chúng tôi làm không xuể. Nếu cửa biển An Hải không được sớm khơi thông, nướt ngọt tiếp tục đổ về vùng nuôi thôn Phú Lương, cá nuôi bị sốc nước ngọt lâu ngày sẽ chết hết, chúng tôi sẽ trắng tay. Tôi mong rằng chính quyền khẩn trương hỗ trợ người dân khơi thông cửa biển An Hải”.

Vùng nuôi thủy sản thôn Phú Lương có 135 hộ nuôi thủy sản (chủ yếu là cá Mú, cá Hồng và hàu). Mỗi hộ nuôi ít nhất 4.000 nhiều đến gần 20.000 con cá mú. Và sản lượng mỗi năm lên đến gần 400 tấn. Sau khi cá chết vì sốc nước ngọt đầu tháng 11, hiện, lượng cá còn lại trong dân khoảng 200 tấn. Trong số này, phần lớn đủ tuổi bán ra thị trường nên năm nay, ngư dân gần như không bán được dù bán giá rẻ vì thế. Lúc này, ngư dân mong muốn chính quyền cùng hỗ trợ phương tiện, thiết bị để khai thông cửa biển An Hải.

Cần khai thông cửa biển kịp thời, cứu vùng nuôi cá trên sông Lễ Thịnh -0
 Nếu những năm trước, giá cá mú nuôi 250.000 đồng/kg thì năm nay giá từ 120.000 đồng - 150.000 đồng/kg nhưng ít người mua, người nuôi cá ở xã An Ninh Đông, Tuy An thất thu nặng, nhiều người thua lỗ nặng do cá bị chết do sốc nước lũ.

Trước đó, ngày 4/11, phóng viên Báo Nhân Dân cũng đã có phản ảnh tình trạng cá nuôi lồng chết hàng loạt tại vùng nuôi này. Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên) xác định cá chết trên sông Lễ Thịnh, thôn Phú Lương, xã An Ninh Đông là do sốc độ mặn bởi môi trường nuôi bị ngọt hóa. Đây là thiệt hại do thiên tai, không phải do dịch bệnh.

Chiều tối nay (15/11), trao đổi với phóng viên, ông Huỳnh Văn Khoa, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tuy An cho biết, việc khai thông cửa biển An Hải nằm trong kế hoạch hằng năm của địa phương. Huyện giao cho hai xã An Hòa Hải và An Ninh Đông chủ động chuẩn bị nhân vật lực, khi có nước nguồn về mạnh thì tổ chức khơi thông để nước đẩy cát ra thông cửa. Còn nếu nước chưa đến báo động 3 thì nếu có khai thông thì sóng biển lại đánh vào bồi lấp lại như cũ. Hơn nữa, vùng này không nằm trong quy hoạch nuôi trồng thủy sản, mà bà con tự phát nuôi. Hằng năm nước lũ về rất dễ bị thiệt hại.