Năm 2023, tỉnh Sóc Trăng thả nuôi thủy sản hơn 67.000 ha, trong đó, diện tích tôm nước lợ gần 48.000 ha. Cả năm, tổng sản lượng thủy, hải sản toàn tỉnh được hơn 284.000 tấn, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, sản lượng nuôi trồng hơn 232.000 tấn, tăng gần 9% so với cùng kỳ năm 2022.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Ngọc Nhã cho biết, tỉnh đang tăng cường công tác nắm tình hình nuôi tôm và thực hiện tốt quan trắc môi trường nước vùng nuôi, kịp thời thông tin tình hình thời tiết để cảnh báo đến người nuôi tôm. Tỉnh tiếp tục hỗ trợ các tổ hợp tác, hợp tác xã nuôi thủy sản thực hiện sản xuất theo các quy chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC, BAP để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, tăng cường kết nối các doanh nghiệp cung ứng vật tư “đầu vào” gắn với thị trường tiêu thụ, theo chuỗi giá trị để hạ giá thành và bảo đảm “đầu ra” cho thủy sản. Đẩy mạnh việc cấp giấy đăng ký đối tượng nuôi chủ lực, khuyến khích nhân rộng các mô hình nuôi thủy sản hiệu quả cao.
Hiện, mô hình “Nuôi tôm sú lót bạt bờ có hệ thống siphon và xử lý chất thải” được ngành nông nghiệp triển khai cho người nuôi tôm ở Sóc Trăng. Bà Ngô Thị Ngọc Tuyết ở khóm 7, Phường 1, thị xã Vĩnh Châu tình nguyện tham gia mô hình với diện tích 1.000m2, mật độ thả nuôi ban đầu 30 con/m2. Sau bốn tháng nuôi, tôm đạt tỷ lệ sống 90%, trọng lượng trung bình 30 con/kg. Sản lượng tôm thu được 900 kg. Với giá bán 220.000 đồng/kg, gia đình bà Tuyết có lợi nhuận 86 triệu đồng/1.000m2/vụ.
So sánh với các hộ nuôi lân cận cho thấy, tôm nuôi của gia đình bà Tuyết có tỷ lệ sống cao hơn 10-20% và giá bán cao hơn 5.000-10.000 đồng/kg so với tôm nuôi thông thường. Mô hình được thực hiện rất phù hợp trong bối cảnh chất lượng nước và môi trường ao nuôi ngày càng ô nhiễm, các chi phí về giống, thức ăn, vật tư thiết yếu ngày tăng cao...
Dự án Phát triển thủy sản bền vững được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai tại bảy tỉnh, thành phố trong cả nước. Sóc Trăng là một trong những địa phương có tiến độ triển khai thực hiện dự án nhanh nhất. Tổng kinh phí thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh hơn 992 tỷ đồng với mục tiêu xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đổi mới công nghệ, tăng cường năng lực quản lý và tổ chức sản xuất nhằm phát triển ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị, hội nhập quốc tế sâu rộng, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Cùng với đó, khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đóng góp cho mục tiêu phát triển bền vững ngành thủy sản của tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo vệ môi trường.
Mới đây, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Chương trình hành động của Tỉnh ủy Sóc Trăng thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương Đảng.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trần Văn Lâu cho biết, mục tiêu của kế hoạch nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và người dân nông thôn, phát triển nhanh nông nghiệp một cách bền vững, hiệu quả, bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, phát triển nông thôn toàn diện, có kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm...
Theo đó, tỉnh Sóc Trăng tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng quy mô sản xuất hàng hóa lớn, bền vững, có sức cạnh tranh cao; sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch, hữu cơ, tuần hoàn, công nghệ cao gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu, thân thiện với môi trường và phát triển du lịch sinh thái, nông thôn.
Riêng lĩnh vực sản xuất thủy sản, đến năm 2025, diện tích nuôi thủy sản của tỉnh đạt 83.300 ha, trong đó, diện tích thả nuôi tôm nước lợ đạt 57.000 ha, nuôi thủy sản nước ngọt 24.900 ha và thủy sản khác 1.400 ha. Tổng sản lượng thủy sản đến năm 2025 đạt 417.000 tấn và đến năm 2030 đạt 549.150 tấn. Trong đó, sản lượng nuôi trồng năm 2025 đạt 342.300 tấn; năm 2030 đạt 454.665 tấn. Phấn đấu sản lượng nuôi tôm nước lợ đến năm 2025 là 233.800 tấn với giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt một tỷ USD và phấn đấu đến năm 2030 là 311.400 tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản khoảng 1,3 tỷ USD...
Để thực hiện đạt mục tiêu đề ra, tỉnh Sóc Trăng sẽ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, tăng cường ứng dụng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp. Tập trung triển khai chính sách nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đổi mới tổ chức sản xuất, hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ. Cùng với đó, tăng cường hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường nông thôn, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; phòng, chống thiên tai, dịch bệnh...