Chuyên gia Trung Quốc phân tích về "lợi tức dân số" của Việt Nam

NDO - Từ năm 2006, cơ cấu dân số Việt Nam bắt đầu thay đổi tích cực, với quy mô lực lượng lao động trẻ tăng mạnh, tạo ra những "lợi tức dân số", thu hút các ngành nghề sử dụng nhiều lao động, thúc đẩy tiêu dùng trong nước, thúc đẩy nền kinh tế liên tục tăng trưởng cao; đồng thời, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trong khu vực.
0:00 / 0:00
0:00
(Ảnh minh họa: HỮU HƯNG)
(Ảnh minh họa: HỮU HƯNG)

Đây là nhận định của ông Hứa Lợi Bình, chuyên gia nghiên cứu của Viện nghiên cứu chiến lược toàn cầu và châu Á-Thái Bình Dương (CASS) thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, trong bài viết có nhan đề "Dân số Việt Nam đạt 100 triệu người có ý nghĩa gì" được đăng tải trên báo chí Trung Quốc mới đây.

Dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam cho biết, dân số Việt Nam dự báo sẽ đạt con số 100 triệu người vào giữa tháng 4 năm nay, ông Hứa Lợi Bình khẳng định thông tin này không chỉ thu hút sự chú ý ở Việt Nam, mà còn nhận được sự quan tâm rộng rãi của truyền thông quốc tế.

Cụ thể, dân số Việt Nam đã đạt 99,2 triệu người vào ngày 1/4/2022, với tốc độ tăng dân số những năm gần đây, dự kiến đến giữa tháng 4 năm nay, Việt Nam sẽ trở thành một trong 15 quốc gia có dân số trên 100 triệu người trên toàn thế giới; một trong 3 quốc gia ASEAN có dân số trên 100 triệu người, cùng với Indonesia và Philippines.

Những năm gần đây, là nền kinh tế mới nổi có thành tích nổi bật ở khu vực và trên thế giới, "lợi tức dân số" ở Việt Nam như thế nào và có thể kéo dài bao lâu, luôn là một chủ đề nhận được sự quan tâm của các quốc gia trong khu vực.

Ông Hứa Lợi Bình cho rằng, nhìn từ tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại, quy mô dân số là một trong những nhân tố cốt lõi của sức mạnh quốc gia và sự phát triển kinh tế. Khi đạt đến quy mô dân số nhất định, một quốc gia sẽ có được những "lợi tức dân số", mang lại nguồn cung ổn định lao động trẻ cho quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa, từ đó mở rộng quy mô, nâng cao năng suất, giảm giá thành sản xuất, hình thành lợi thế so sánh quốc tế, thu hút và tiếp nhận dịch chuyển các ngành nghề sử dụng nhiều lao động trong khu vực và trên thế giới, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ cao.

Học giả Trung Quốc phân tích: Từ năm 2006 trở lại đây, cơ cấu dân số Việt Nam thay đổi tích cực, quy mô lực lượng lao động trẻ tăng mạnh, bước vào giai đoạn đạt được "lợi tức dân số". Điển hình là, các ngành nghề sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày chuyển dịch sang Việt Nam, thu hút lượng lớn lao động trẻ, góp phần thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển với tốc độ cao.

Thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may và da dày năm 2022 đạt 71 tỷ USD, lập kỷ lục mới. Trong đó, dệt may đạt 44 tỷ USD, tăng 8,8%; da dày và túi xách đạt 27 tỷ USD, tăng tới 30% so cùng kỳ năm trước. Việt Nam trở thành nước xuất khẩu hàng dệt may và da dày lớn thứ 2 thế giới. Với tác động mạnh mẽ của ngoại thương, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 8,02% trong năm 2022, mức cao nhất 25 năm qua, thuộc nhóm cao nhất trong các nền kinh tế mới nổi trên thế giới.

Kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 8,02% trong năm 2022, mức cao nhất 25 năm qua, thuộc nhóm cao nhất trong các nền kinh tế mới nổi trên thế giới.

Chuyên gia Hứa Lợi Bình

Cùng với đó, dân số đạt quy mô nhất định, cũng sẽ kéo theo tiêu dùng nội địa, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng bền vững. Thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ở Việt Nam năm 2022 tăng 19,8% so năm trước, cao hơn nhiều mức tăng kim ngạch xuất khẩu, đóng góp thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ.

Ông Hứa Lợi Bình cho biết, dựa trên lợi thế về quy mô dân số, Việt Nam đã đề ra mục tiêu phát triển trong trung và dài hạn, để phấn đấu đến năm 2045 trở thành quốc gia có thu nhập cao. Muốn vậy, nền kinh tế phải tăng bình quân 6,5%-7%/năm từ nay đến năm 2025, và duy trì mức tăng trưởng GDP trên 6% trong giai đoạn 10 năm tới.

Dẫn dự báo của các chuyên gia Việt Nam rằng thời kỳ dân số vàng sẽ kết thúc vào năm 2042 và dân số trong độ tuổi lao động sẽ đạt đỉnh khoảng 72 triệu người vào giai đoạn 2034-2039, ông Hứa Lợi Bình cho rằng, dân số Việt Nam tiếp tục tăng trong tương lai, do đó "lợi tức dân số" sẽ thể hiện rõ nét trong thời gian tới.

Việc dân số đạt 100 triệu người, chắc chắn sẽ giúp nâng cao hơn nữa tầm ảnh hưởng của Việt Nam tại khu vực. Là thành viên của ASEAN, Việt Nam có thể biến lợi thế về quy mô dân số thành sức mạnh mềm ở khu vực, góp phần thúc đẩy tiến trình hội nhập của ASEAN.

Chuyên gia Hứa Lợi Bình

Ông Hứa Lợi Bình đánh giá, việc dân số đạt 100 triệu người, chắc chắn sẽ giúp nâng cao hơn nữa tầm ảnh hưởng của Việt Nam tại khu vực. Là thành viên của ASEAN, Việt Nam có thể biến lợi thế về quy mô dân số thành sức mạnh mềm ở khu vực, góp phần thúc đẩy tiến trình hội nhập của ASEAN.

Tuy nhiên, học giả Trung Quốc cũng cho rằng, khi dân số đạt đến quy mô nhất định, Việt Nam cũng sẽ gặp phải một số thách thức, như vấn đề "đất chật người đông", thiếu đất canh tác; chất lượng dân số; mất cân bằng giới tính. Việc ứng phó những thách thức này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thời gian kéo dài của "lợi tức dân số" ở Việt Nam.

Lợi tức dân số: Theo định nghĩa của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), là “tiềm năng tăng trưởng kinh tế có thể do thay đổi cơ cấu dân số theo độ tuổi, chủ yếu khi tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động (15 đến 64) lớn hơn tỷ trọng dân số không trong độ tuổi lao động”. Nói cách khác, lợi tức dân số được hiểu cơ bản là “sự thúc đẩy năng suất kinh tế khi số lượng người trong lực lượng lao động ngày càng tăng so với số lượng người phụ thuộc”.