Dân số tăng trưởng âm, Trung Quốc trợ cấp người sinh 2-3 con

NDO - Quốc gia đông dân nhất thế giới đang đối mặt với bài toán nan giải khi dân số lần đầu tăng trưởng âm sau hơn 60 năm. Nhiều địa phương ở Trung Quốc đã ban hành nhiều chính sách, bao gồm cả trợ cấp tiền, để khuyến khích người dân sinh con.
0:00 / 0:00
0:00
Một hoạt động ngoại khóa của học sinh tiểu học ở thành phố Bắc Kinh. (Ảnh: HỮU HƯNG)
Một hoạt động ngoại khóa của học sinh tiểu học ở thành phố Bắc Kinh. (Ảnh: HỮU HƯNG)

Bài toán dân số nan giải

Số liệu do Cục Thống kê Nhà nước Trung Quốc công bố cho thấy, tính đến cuối năm 2022, tổng dân số nước này là 1,41175 tỷ người, giảm 850 nghìn người so cuối năm 2021. Số trẻ em sinh ra trong năm là 9,56 triệu người, đạt tỷ lệ sinh 6.77‰; số người chết là 10,41 triệu, đạt tỷ lệ 7.37‰; mức tăng trưởng dân số tự nhiên là -0.60‰.

Như vậy, đây là lần đầu tiên sau 61 năm, dân số Trung Quốc tăng trưởng âm; cũng là lần đầu tiên sau nhiều năm, số trẻ em sinh ra trong năm chưa đạt con số 10 triệu người.

Do mức tăng trưởng âm, dự báo dân số Trung Quốc đã đạt đến giới hạn trên, tức là khó có thể tăng trưởng trở lại, điều này gây ra những lo ngại trong xã hội về những hệ lụy lâu dài đối với sự phát triển kinh tế-xã hội.

Ngoài vấn đề suy giảm dân số, Trung Quốc còn đối mặt tình trạng mất cân bằng giới tính trong cơ cấu dân số. Số liệu của Cục Thống kê Nhà nước Trung Quốc cho thấy, tính đến cuối năm 2022, có tổng cộng 722,06 triệu nam giới và 689,69 triệu nữ giới trong tổng dân số; nam giới nhiều hơn nữ giới 32,37 triệu người. Mất cân bằng giới tính dẫn tới tình trạng nhiều nam giới không tìm được bạn đời, không thể sinh con.

Độ tuổi kết hôn lần đầu cũng liên tục tăng lên, nếu như ở những năm 80 của thế kỷ trước, phụ nữ bình quân kết hôn ở tuổi 22; thì đến năm 2020, phụ nữ bình quân kết hôn lần đầu ở tuổi 26,3, sinh con lần đầu ở tuổi 27,2.

Đáng chú ý, tỷ lệ phụ nữ không sinh con tăng nhanh, từ 6,1% năm 2015 lên gần 10% năm 2020. Mức độ sẵn sàng sinh con của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tiếp tục giảm, nhất là ở nhóm phụ nữ thế hệ 9X và 2K.

Dân số tăng trưởng âm, Trung Quốc trợ cấp người sinh 2-3 con ảnh 1

Một trường mẫu giáo ở thành phố Bắc Kinh. (Ảnh: HỮU HƯNG)

Hiện nay, quan niệm về sinh con của người trẻ ở Trung Quốc đang thay đổi, xu thế thu nhỏ quy mô gia đình ngày càng rõ nét. Năm 2020, bình quân mỗi hộ gia đình giảm xuống còn 2,62 người, giảm 0,48 người so năm 2010. Sự thay đổi quan niệm về gia đình, dẫn tới tình trạng kết hôn và sinh con muộn; không kết hôn và sinh con; là nguyên nhân chính tạo ra sức ép lên sự gia tăng dân số ở Trung Quốc.

Theo ông Vương Bồi An, Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc, kết quả điều tra cho thấy, chưa tới 70% phụ nữ dưới 35 tuổi cho rằng "cuộc sống có con cái mới là trọn vẹn". Trong điều kiện mức độ bảo đảm cho việc sinh con ở Trung Quốc còn thấp, nếu không thúc đẩy thay đổi quan niệm về hôn nhân và con cái, thì việc cải thiện mức sinh sẽ vô cùng khó khăn.

Khuyến khích sinh con

Tại Diễn đàn An sinh xã hội do Viện Khoa học xã hội Trung Quốc tổ chức, các chuyên gia cho rằng, quy mô tổng dân số Trung Quốc đã đạt đỉnh năm 2022, điều này sớm hơn nhiều do dự báo, có nghĩa là nước này sẽ bước vào "kỷ nguyên dân số tăng trưởng âm" từ năm 2023.

Suy giảm dân số dẫn đến hàng loạt hệ lụy cho phát triển kinh tế và đời sống xã hội, như thiếu hụt lực lượng lao động, già hóa dân số và nhiều vấn đề liên quan đến an ninh xã hội.

Để ứng phó với tình trạng suy giảm dân số, từ giữa năm 2021, Quốc hội Trung Quốc đã quyết định sửa đổi quy định về dân số và kế hoạch hóa gia đình, với chính sách khuyến khích sinh con đúng độ tuổi, mỗi cặp vợ chồng có thể sinh 3 con. Tuy nhiên đến nay, chính sách chưa phát huy hiệu quả rõ nét.

Gần đây, nhiều địa phương, nhất là các thành phố lớn ở Trung Quốc liên tiếp ban hành các chính sách khuyến khích sinh con, như trợ cấp sinh nở, trợ cấp nuôi con, tăng cường hỗ trợ về bảo đảm nhà ở cho các cặp vợ chồng sinh nhiều con.

Khu tự trị Tây Tạng ban hành phương án mới về khuyến khích sinh con, trong đó cán bộ, viên chức sinh con thứ 3 có thể nghỉ hưởng nguyên lương, thưởng đến 1 năm; những khu vực có độ cao trên 4.000m so mực nước biển có thể nghỉ đến 1,5 năm, người chồng cũng được nghỉ thai sản 30 ngày. Cả hai vợ chồng đều được hưởng thời gian nghỉ phép 15 ngày/năm cho tới khi con đủ 3 tuổi.

Dân số tăng trưởng âm, Trung Quốc trợ cấp người sinh 2-3 con ảnh 2

Học sinh tan học ở thành phố Lan Châu, tỉnh Cam Túc. (Ảnh: HỮU HƯNG)

Đáng chú ý, hàng loạt thành phố ban hành chính sách trợ cấp trực tiếp bằng tiền cho người sinh con thứ 2, 3 và hỗ trợ nuôi dưỡng, chăm sóc. Điển hình như, thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang hỗ trợ 5.000 nhân dân tệ (khoảng 17,5 triệu đồng) cho phụ nữ sinh con thứ 2 và 50.000 nhân dân tệ (khoảng 175 triệu đồng) cho phụ nữ sinh con thứ 3.

Tỉnh Vân Nam hỗ trợ 2.000 (khoảng 7 triệu đồng) và 5.000 nhân dân tệ cho phụ nữ sinh con thứ 2 và 3, ngoài ra còn trợ cấp hàng tháng và cấp bảo hiểm cho trẻ em đến hết 3 tuổi. Các địa phương khác như Tế Nam, Trường Sa, Thẩm Dương, Cáp Nhĩ Tân cũng ban hành các chính sách tương tự, để khuyến khích người dân sinh con, góp phần cải thiện tỷ lệ sinh.

Theo ông Can Hoa Điền, Ủy viên Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc, trở ngại chính dẫn đến việc không muốn sinh con là chi phí sinh nở và nuôi dạy con, nhất là ở các thành phố lớn. Do vậy, cần có chính sách đồng bộ trên phạm vi cả nước, giảm các chi phí sinh nở, chăm sóc, giáo dục, y tế; thậm chí có thể miễn phí giáo dục từ mầm non đến hết trung học cho con thứ 3.

Còn theo ông Vương Bồi An, ngoài việc giảm gánh nặng chi phí, cần phát huy vai trò dẫn dắt của văn hóa hôn nhân và gia đình kiểu mới, khuyến khích kết hôn và sinh con đúng độ tuổi, vợ chồng cùng gánh vác trách nhiệm chăm sóc con cái; từng bước rút ngắn thời gian làm việc, áp dụng cơ chế làm việc linh hoạt, phát triển các ngành dịch vụ giúp việc gia đình, chăm sóc người già, trông giữ trẻ, để đem lại sự bảo đảm và nguồn năng lượng tích cực cho các cặp vợ chồng trong việc sinh đẻ và nuôi dưỡng con cái.