Ngày 15/11, tại Ngôi nhà Xanh Liên hợp quốc ở Hà Nội, Tiến sĩ Surya Deva, Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về quyền phát triển đã có buổi họp báo với các cơ quan báo chí, truyền thông Việt Nam và quốc tế xoay quanh chủ đề "Những nỗ lực của Việt Nam để phát triển kinh tế bền vững".
Mở đầu cuộc họp báo, Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về quyền phát triển đã dành lời cảm ơn các quan chức Chính phủ Việt Nam và các cơ quan, đoàn thể xã hội đã giúp đỡ ông trong chuyến công tác tại Việt Nam.
Ông Surya Deva công bố báo cáo sơ bộ về chuyến công tác và làm việc tại Việt Nam (Ảnh: Thủy Nguyên) |
Ông Surya Deva đã khen ngợi và đánh giá cao các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong công tác giảm nghèo, tạo việc làm và tăng bao phủ an sinh xã hội.
Ông cho biết: “Dù chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 và các cuộc xung đột, Việt Nam đang đạt được bước tiến ấn tượng trong giảm nghèo đa chiều. Đất nước cũng đang đạt được những tiến bộ trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững và giảm phát thải để đáp ứng cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”.
Chuyên gia của Liên hợp quốc cũng đánh giá cao những nỗ lực tích cực của Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng khung pháp lý, ban hành văn bản pháp luật, chính sách liên quan quyền phát triển. Một số nội dung mới của pháp luật Việt Nam có tác động tích cực trong nâng cao quyền bình đẳng giới, đặc biệt là các quy định liên quan đến chống quấy rối tình dục, bạo lực gia đình, bạo lực nơi công sở. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã ban hành lộ trình giảm tình trạng bạo lực bất bình đẳng giới.
Ông cũng ấn tượng về các tiến bộ của Việt Nam về phát triển khoa học, công nghệ, nhất là những bước tiến về chuyển đổi số. Các chính sách đã có tác động tích cực đến sự thay đổi của nhiều doanh nghiệp. Trong chuyến thăm các doanh nghiệp như nhà máy điện mặt trời Cẩm Hòa, Formosa, Vintech..., ông cảm thấy các doanh nghiệp đã quan tâm nhiều hơn đến công nghệ, về tác động của sản xuất đến môi trường và người lao động.
Các cơ quan thông tấn trong nước và quốc tế tác nghiệp tại cuộc họp báo. (Ảnh: Thủy Nguyên) |
Đánh giá các thách thức của Việt Nam trong phát triển kinh tế, ông Surya Deva nhận định dù Chính phủ đã có nhiều nỗ lực nhưng tình hình phát triển ở khu vực vùng sâu, vùng xa, miền núi - nơi phần lớn người dân tộc thiểu số sinh sống vẫn còn hạn chế trong tiếp cận các dịch vụ công.
Bình luận về tình trạng dễ bị tổn thương của Việt Nam trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, Báo cáo viên đặc biệt nhấn mạnh Chính phủ, các cơ quan Liên hợp quốc, các đối tác phát triển, doanh nghiệp và tổ chức phi chính phủ cần phối hợp với nhau để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng có khả năng sắp xảy ra, đồng thời chú trọng phát triển bền vững.
“Để bảo đảm phát triển bền vững, Chính phủ cần hành động nhiều hơn nữa để ứng phó với ba khủng hoảng đồng thời của hành tinh về biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và mất đa dạng sinh học. Cần áp dụng các phương pháp tiếp cận phát triển có sự tham gia thực sự - trong đó tích hợp các nguyên tắc: tính liên tầng, công bằng giữa các thế hệ, phân phối bằng quyền tự quyết - để đạt được chuyển dịch công bằng sang kinh tế xanh. Hơn nữa, để công bằng, các tổ chức phi chính phủ và những cá nhân/tổ chức bảo vệ quyền con người về môi trường phải là trung tâm của quá trình chuyển đổi đó”.
Trao đổi với các cơ quan thông tấn, báo chí, ông Surya Deva cho biết, Báo cáo chi tiết của Báo cáo viên đặc biệt về chuyến thăm và khuyến nghị của ông sẽ được trình lên Hội đồng Nhân quyền vào tháng 9/2024.
Ông Surya Deva (quốc tịch Ấn Độ) bắt đầu đảm nhận vị trí Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về quyền phát triển với nhiệm kỳ 3 năm kể từ ngày 1/5/2023. Hiện ông là Giáo sư tại Trường Luật Macquarie và Giám đốc Trung tâm Luật Môi trường tại Đại học Macquarie, Australia.
Ông tiến hành nghiên cứu trong các lĩnh vực kinh doanh, nhân quyền, luật hiến pháp so sánh, luật nhân quyền quốc tế, phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và bình đẳng giới.
Ông từng là thành viên của Nhóm Công tác về doanh nghiệp và quyền con người của Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2016-2022. Ông đã tư vấn cho các cơ quan Liên hợp quốc, chính phủ, các cơ quan nhân quyền quốc gia, các tập đoàn đa quốc gia, công đoàn và các tổ chức phi chính phủ về các vấn đề liên quan doanh nghiệp và quyền con người.