Chuyện ghi ở buôn làng người Mạ

Người đàn ông vạm vỡ với chiếc xà gạt trong tay. Bên cạnh, người bạn đời của ông với chiếc gùi nặng trên lưng chắc nịch những bước chân về buôn trong buổi cuối trưa.
Sinh hoạt đời thường của người Mạ ở xã Lộc Bắc.
Sinh hoạt đời thường của người Mạ ở xã Lộc Bắc.

Dọc theo con đường nhựa mở hướng về Lộc Bắc, những vạt nắng hồn nhiên thả gam màu mật ong trên những tán lá rừng. Không gian thật thanh bình. Những buôn làng người Mạ chúng tôi từng qua vẫn thế. Cùng với hơi thở hoang sơ của đại ngàn hùng vĩ là cuộc sống mới đang bừng tỏa sắc hương.

Trong cuộc du hành của ngày cuối thu này, chúng tôi chọn Lộc Bắc (Bảo Lâm, Lâm Đồng) làm nơi để đến. Đến trong tâm thức trở về. Lộc Bắc - xã Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, chiến địa oai hùng năm xưa.

Xứ sở ngày xưa có những người đàn ông Mạ đóng khố, lưng trần với bản tính hiền lành như đất nhưng dũng mạnh, hiên ngang khi đối diện kẻ thù. Cũng ở nơi này, có những người đàn bà Mạ mang vẻ đẹp dịu dàng, hồn nhiên trong sắc màu thổ cẩm nhưng bám núi, bám rừng không mệt mỏi để thồ đạn, vót chông, tải lương ra tiền tuyến.

Dừng chân bên ngôi nhà sàn nhỏ ven đường, chúng tôi tình cờ được gặp bà, người phụ nữ dân tộc Mạ mà tên tuổi và chiến công đã được ghi vào cuốn sử kháng chiến Khu VI. Bà Ka Hường ngồi đó, bên bếp lửa tỏa mùi thơm bắp mới, dáng nét khắc khổ nhưng nụ cười thật tươi trong câu chuyện về những ngày đã xa.

Thuở ấy, cô gái Ka Hường mới lớn được các chú dẫn dắt tham gia Đại đội pháo binh 8/3, đơn vị nữ pháo binh duy nhất ở Tây Nguyên đã từng lập những chiến công vang dội. Nữ cựu pháo thủ không kể nhiều về mình mà diễn tả nỗi nhớ đồng đội người còn người mất và những tháng ngày gian khổ mà oanh liệt.

Bà cũng không nhắc lại nhưng chúng tôi đã từng được nghe chuyện về chuyến lạc rừng hai mươi lăm ngày đêm mà người nữ pháo thủ ấy cùng một đồng đội đã can trường chống lại đói khát và sốt rét hành hạ cùng thú dữ, biệt kích rình rập trong một lần gùi đạn từ căn cứ trở về...

Người sinh ra ở rừng có đời sống hồn nhiên như đá, như nước. Khi kẻ thù đến lấn đất, chiếm rừng, đốt phá làng buôn, giết hại người thân thì họ vót sắc mũi tên xung trận. Bình yên, họ trở lại với cánh rừng, nương rẫy, với căn nhà đơn sơ bên suối, say men rượu cần nồng nàn với những người đồng tộc, tay nắm tay cùng vòng xoang mở rộng và vỗ nhịp chiêng droòng trong những đêm trường ấm bếp lửa rừng.

Lá bép, ngọn măng, đọt mây, cánh mối vẫn đẹp lòng chủ khách trong mỗi bữa cơm thường. Cuộc sống tốt lành hơn, họ ghi sâu công ơn của Đảng, của Bác. Câu chuyện với những người Mạ hôm nay mau chóng trở nên cởi mở, thân tình khi khơi đúng dòng mạch ký ức.

Lộc Bắc nghĩa tình và trung thành với cách mạng. Ngày xưa vậy và mãi mãi mai sau vẫn vậy. “Người Mạ trong các buôn làng Lộc Bắc luôn một lòng tin theo Đảng và Bác Hồ”. Đó là lời của K’Pát, con trai của thương binh K’Mếch. Còn cựu du kích K’Diệp thì khẳng định rằng: “Ở Lộc Bắc này từ xưa đến nay cách mạng là đồng bào và đồng bào là cách mạng”.

“À, mà này, tụi mày có nhớ chuyện thằng K’Wét không nhỉ? Chuyện của nó hay đấy”. Già K’Diệp đột nhiên gợi chuyện. Vâng, ở Lộc Bắc này ngày trước có một người mà lần nào đến chúng tôi cũng háo hức tìm gặp để nghe ông kể chuyện, đó là K’Wét. Nay thì ông đã mất, nhưng không ai quên chuyện người du kích Mạ với khẩu súng trường đã bắn rơi máy bay Mỹ ngay giữa rẫy lúa. Chuyện xảy ra vào ngày 7/7/1970.

Hôm đó, K’Wét trên đường đi làm nhiệm vụ tại buôn Nao Xiêng. Đang lúc qua rẫy lúa thì anh nghe tiếng động cơ ầm ầm từ đâu dội tới. “Ngó quanh khắp lượt chẳng thấy xe cộ đâu cả. Lạ quá. Thế là mình nhìn ngược lên trời. Ôi, một cái xe nó đang bay trên trời…” Hồi còn sống K’Wét từng hồn nhiên kể với tôi như vậy. “Nhìn thấy cái cờ Mỹ dưới bụng xe bay, rõ ràng là của thằng Mỹ rồi. Thế là mình nép vào bụi rậm, giương khẩu súng trường lên và bóp cò. Cái đít xe bay xịt khói. Nó cất đầu lên cao rồi ngay lập tức cắm đầu xuống thật nhanh. Cả cột lửa đỏ lòm giữa trời.

Cái xe bay bốc cháy ngùn ngụt rồi rơi xuống một khu rừng gần đó”. Anh du kích người Mạ kể chuyện bắn rơi máy bay như kể chuyện săn được con cọp, con sói. Hồi đó, K’Wét cũng không ngờ là bản thân mình đã lập một chiến công lớn: Trên chiếc HU-1A bị người du kích dân tộc Mạ dùng súng trường bắn rơi có tên trung tướng Giêcoócgi Kisi, Tư lệnh sư đoàn bộ binh không vận số 1 của quân đội Mỹ và bảy tên sĩ quan tháp tùng.

Chuyện anh du kích ở buôn Nao Xiêng bắn rơi máy bay Mỹ chỉ là một trong những chiến tích hào hùng của đồng bào Lộc Bắc. Lịch sử Khu VI ghi lại, trong kháng chiến, vùng căn cứ Lộc Bắc chỉ có 1.700 người dân; những năm đánh Mỹ, du kích đất này đã tham gia 200 trận đánh, bắn rơi 13 máy bay và làm bị thương 8 chiếc khác.

Đồng bào Mạ xứ này cũng đã đóng góp cho cách mạng 200 nghìn ngày công lao động chiến trường cùng rất nhiều lương thực và đảm trách vành đai bố phòng trên diện tích 20 km2. Toàn xã Lộc Bắc có 435 người tham gia lực lượng vũ trang và thành lập đại đội 840.

Ở đại đội pháo binh 8/3 có 34 nữ chiến sĩ thì Lộc Bắc chiếm đến 16 chị em. Căn cứ kháng chiến Lộc Bắc cũng đã có 29 người con ưu tú người dân tộc Mạ đã ngã xuống cho núi rừng nơi này mãi mãi xanh tươi và nhiều người đã góp một phần máu xương của mình cho Tổ quốc...

Câu chuyện về một thời hào hùng, oanh liệt làm xao động cả cái nắng trải trên những tán rừng như dải lụa vàng óng ả. Tôi dạo gót qua những ngôi nhà sàn ven dòng suối nhỏ khi mỗi gia đình đang vào bữa nghỉ trưa và trong lòng không nguôi nghĩ về những con người sinh tồn bao đời nay giữa đại ngàn Tây Nguyên.

Người Mạ là thế, cũng như các dân tộc anh em, họ can trường bền bỉ bám gót chân trần trên những vách núi chênh vênh để viết nên bản hùng ca cách mạng trong kháng chiến và lập nên những kỳ tích mới giữa thời hòa bình. Tiếp nối truyền thống cha ông, những người con, người cháu của các cựu binh K’Diệp, K’Wét, Ka Hường năm xưa nay kề vai, góp sức dựng xây quê hương; họ vừa tích cực phát triển kinh tế vừa nhiệt tâm bảo tồn những giá trị văn hóa mà bao thế hệ từng vun bồi, xây đắp.

Những điều đó chúng tôi đã được nghe từ câu chuyện của chị Ka Hương - Phó Bí thư Đảng ủy hay anh K’Tư - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã. Cháu K’Thư, là đảng viên mới kết nạp khi đang học lớp cuối cấp phổ thông, cũng nói: “Là một đảng viên trẻ, cháu luôn tâm niệm sẽ tiếp nối và phát huy truyền thống cách mạng từ thời ông cha; sẽ phấn đấu học tập và làm những điều tốt nhất để dựng xây quê hương. Cháu cũng rất yêu quý và tự hào về di sản văn hóa của dân tộc mình; thế hệ của cháu có trách nhiệm giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống người Mạ!”.

Bước chân vui đưa tôi đến buôn kiểu mẫu Đạ Lạch, mô hình do Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lâm Đồng-Quân khu VII đầu tư xây dựng. Ngày xưa, đồng bào đã góp máu xương, công sức cùng bộ đội đánh giặc giữ nước, nay những người lính Cụ Hồ trở về xây dựng làng buôn. Nhiều tháng năm qua, trên vùng chiến khu anh hùng thuở trước, bóng áo xanh thắp sáng thêm ngọn lửa của tình quân dân, của đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.

Hàng chục căn nhà mới khang trang với số tiền hàng tỷ đồng đã được xây dựng và trao tặng cho các gia đình có công trong kháng chiến. Tất cả kinh phí xây dựng là do cán bộ, chiến sĩ các đơn vị thuộc Quân khu VII trích từ lương tháng đóng góp. Bộ đội còn giúp dân sửa cầu, làm đường, khám bệnh, phát thuốc, hướng dẫn kỹ năng cho thanh thiếu niên, dạy trẻ em học chữ, tập hát...

Ở vùng sâu Lộc Bắc, có vẻ như đêm xuống nhanh hơn. Ánh trăng thu neo giữa rừng già soi rõ ngôi nhà bia ghi công được dựng ở đầu xã. Phía đằng xa, con dốc mang tên B40 thấp thoáng sau những thân cổ thụ như một nhân chứng lặng lẽ ghi lại những khoảnh khắc từng in sâu trong ký ức của người Mạ xứ này về một thời đau thương và anh dũng.

Với Lộc Bắc, đất anh hùng thuở ấy và nghĩa tình hôm nay, những dấu chân trần bên vách núi đá đã tạo nên thế đứng vô cùng vững chãi bởi đã bám chặt vào đất quê hương và một lòng thủy chung với Đảng. Dù cuộc sống hôm nay chưa hết nỗi gian nan nhưng tôi như đang được chứng ghi âm sắc mới tràn đầy sức sống lan tỏa trên những cánh rừng, nương rẫy của chiến khu năm xưa.