Chuyện ghi ở Bính Xá

Từ thị trấn Ðình Lập, ngược theo quốc lộ 31, đến trung tâm xã Bính Xá hơn 14 km, nhưng phải đi mất cả buổi sáng. Ðến thôn Pò Háng, chúng tôi thật sự ngạc nhiên bởi ở giữa bốn bề đồi núi, nhưng nhiều ngôi nhà được xây dựng kiên cố, với những chảo ăng-ten ngóc nhìn trời. Nhiều nhà làm dịch vụ, hàng quán, mở máy xay xát thóc, ngô... Dân cư quây quần dọc hai bên đường như một khu phố nhỏ. Vào thăm ông Hoàng Văn Hội, cán bộ lão thành cách mạng, năm nay đã 77 tuổi, nhưng còn tráng kiện. Nghe chúng tôi muốn đến thăm ngôi đền Pò Háng, nơi đã làm cho quân Pháp kinh hoàng, ông cười: Thế thì quý quá, đình thiêng lắm đấy, nhưng phải đi bộ nửa giờ mới đến... Nói rồi ông bước phăm phăm, dẫn đoàn đi thăm. Tiết trời vùng biên đã vào thu. Ánh nắng cũng đã bớt gay gắt. Không khí êm dịu và thoảng hương của những vườn ngô, nương lúa đang vào vụ thu hoạch. Vừa đi đường, ông Hội vừa kể chuyện vui. Ông giảng giải từng nghĩa: Pò Háng là tiếng Tày, Nùng. Pò nghĩa là vùng đồi, Háng là chợ, gọi là chợ trên một vùng đồi. Ngày xưa bà con ở bên này sông Kỳ Cùng. Từ năm 1966, 1967, Nhà nước mở con đường đi ra biên giới, cả thôn Pò Háng đã rời sang nơi ở bây giờ, chỉ còn đình làng Pò Háng ở lại. Hằng năm, vào ngày mồng 3-3 âm lịch (Tết Hàn thực) và ngày 14-4 là ngày hội mừng chiến thắng trận đầu trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, thì làng tổ chức thắp hương tưởng nhớ, tri ân các vị tiền bối, cầu khấn Thành hoàng phù hộ, độ trì cho con cháu. Ông kể tiếp: Năm 1947, lúc đó ông 14 tuổi, đã cùng gia đình và bà con trong làng đi theo đội du kích, lập nên chiến khu Nà Thuộc, trên địa bàn xã Bắc Xa.

Trong cuốn Lịch sử Ðảng bộ huyện Ðình Lập ghi rõ: Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta. Tháng 1-1947, quân Pháp ồ ạt đánh chiếm đường số 4 (từ Quảng Ninh qua Lạng Sơn lên Cao Bằng). Cuối tháng 3-1947, huyện Ðình Lập bị địch chiếm đóng ở những địa bàn quan trọng. Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, lực lượng kháng chiến của huyện Ðình Lập đã thành lập khu căn cứ kháng chiến Nà Thuộc gồm các xã: Bính Xá, Kiên Mộc và Bắc Xa. Ngày 14-4-1947, thực dân Pháp huy động một tiểu đoàn cùng với bọn tay sai, tiến công khu căn cứ Nà Thuộc. Do được chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu tốt, thống nhất hành động, biểu thị bằng việc tổ chức hội thề, nên trong trận đầu quân và dân khu căn cứ Nà Thuộc đã chiến đấu vô cùng anh dũng, đánh lui tiểu đoàn Âu Phi, tiêu diệt hàng chục tên, trong đó có tên đội Pháp. Sau đó liên tiếp trong tháng 5 và tháng 6-1947, quân Pháp điên cuồng huy động lực lượng mạnh cả máy bay và pháo binh yểm trợ mở 15 cuộc tiến công khu căn cứ Nà Thuộc,  nhưng đã bị quân và dân ta đánh tan tác. Trong khi bộ đội, dân quân du kích chiến đấu ngoài mặt trận, bên trong chị em và bà con, cô bác... thổi cơm tiếp tế, tải đạn, cứu thương. Còn tại đình Pò Háng, các cụ cao tuổi dựa vào uy linh của đình Thành hoàng, làm lễ cầu nguyện, phất cờ gõ thanh la, động viên, cổ vũ bộ đội, du kích.

Tin vui thắng trận của quân và dân khu căn cứ Nà Thuộc đã lan đi khắp các chiến trường Việt Bắc và cả nước. Ðầu năm 1948, Bác Hồ cho mời lãnh đạo tỉnh Hải Ninh (khi đó huyện Ðình Lập thuộc tỉnh Hải Ninh) đến báo cáo. Khi biết chuyện cả Thành hoàng làng cũng tham gia kháng chiến, Bác cười vui và nói: "Vậy phải khen thưởng cả Thành hoàng làng". Bác đã ký lệnh trao tặng quân và dân khu căn cứ kháng chiến Nà Thuộc Huân chương Chiến công hạng ba và cho may một bức trướng đặc biệt phong tặng đình Thành hoàng Pò Háng. Ðó là bức trướng bằng vải đỏ thêu các dòng chữ bằng chỉ mầu vàng. Chính giữa là dòng đại tự: "Kháng chiến hộ ủng" (Ủng hộ kháng chiến), viết bằng chữ Hán, bên dưới có phiên âm chữ quốc ngữ. Bên phải là dòng chữ: "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tam niên" (Năm thứ ba niên hiệu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa). Bên trái  là dòng chữ: "Chính phủ Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàng dự" (Chính phủ Chủ tịch Hồ Chí Minh phong tặng). Trưởng phòng Văn hóa, Thể thao và Du lịch huyện Hoàng Văn Quân, cho biết: Qua bao thăng trầm của thời gian, ngôi đình trước đây rộng lớn chứa hàng trăm người, nay phục dựng lại rộng hơn 12 m2. Do thiếu kinh phí xây dựng, cho nên rất mong được các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ xây dựng lại đình. Còn bức trướng gốc hiện vẫn nằm ở Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ninh... 

Thắp hương tại đình làng Pò Háng.

Mùa thu này được về xã Bính Xá Anh hùng, chúng tôi chứng kiến sự đổi thay đến ngỡ ngàng. Tại khu vực trung tâm xã, trường học, trạm y tế đều được xây dựng khang trang. Tiếp chúng tôi trong trụ sở UBND xã, được xây dựng ba tầng còn thơm mùi vôi mới, Chủ tịch UBND xã Bính Xá Bế Văn Hang hồ hởi nói: Xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, có 14 thôn, bản, nhưng mới có hơn 600 hộ, với 3.200 nhân khẩu. Tổng diện tích tự nhiên của xã là hơn 143 km2, trong đó diện tích trồng lúa chỉ có hơn 200 ha, còn lại là đồi núi. Thời gian qua, xã được đầu tư từ các chương trình, dự án trồng rừng như: Dự án Việt - Ðức, 327, Dự án 661... nên đến nay nhiều khu rừng  đã được phủ kín chủ yếu là cây thông. Bình quân mỗi hộ dân trồng từ năm đến sáu ha rừng thông. Có hộ  như gia đình ông Hoàng Văn Hạnh, Hoàng Văn Tàn, ở thôn Khẩu Nua trồng hơn 50 ha, mỗi năm cho thu nhập từ 40 đến 50 triệu đồng từ khai thác nhựa và gỗ thông... Ðời sống của bà con nay đã được cải thiện rất nhiều: hơn 99% số hộ có điện thắp sáng; nhà nào cũng có xe máy, có phương tiện nghe nhìn. Trong câu chuyện về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, Chủ tịch UBND xã Bế Văn Hang cho biết thêm: Xã có nhiều tiềm năng, nhất là về phát triển kinh tế đồi rừng. Nhiều đoàn chuyên gia nước ngoài đến đây thừa nhận, cây thông rất phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây. Cây thông phát triển rất nhanh, một năm ngọn thông mọc dài hơn một mét... Hiện đã có nhiều doanh nghiệp vào nghiên cứu, đầu tư cho các dự án trồng thông. Ðây là một hướng làm giàu của xã. Ngoài cây thông, cây lương thực, cây màu phát triển cũng chỉ đủ ăn, về chăn nuôi đại gia súc cũng chỉ đủ cho cuộc sống tự cung tự cấp, nên đời sống bà con còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn hơn 30%. Hiện còn 12 hộ dân, chủ yếu là bà con dân tộc Dao, sống ở thôn Ngàn Chả, chưa có điện lưới. Thời gian tới, nếu quốc lộ 31 thông suốt ra chợ biên giới Bản Chắt, thì xã Bính Xá sẽ có cơ hội phát triển mạnh, đồng thời sẽ trở thành khu vực trung tâm cho cả các xã Kiên Mộc, Bắc Xa...  

Trước khi ra về, anh Mã Văn Hiền, cán bộ văn hóa xã mời chúng tôi đến giao lưu văn nghệ với các thầy giáo, cô giáo và học sinh Trường THCS Bính Xá chuẩn bị bước vào năm học mới. Nhìn những gương mặt thơ ngây của các em thuộc các dân tộc Tày, Nùng, Dao... cùng cất cao tiếng hát, vang vọng giữa sân trường, giữa bốn bề đồi núi, tôi mường tượng mai đây chính các em sẽ trở thành những chủ nhân xây dựng cuộc sống mới ở nơi vùng biên. Cho dù hôm nay còn những nhọc nhằn gian khó, nhưng nhiều em ở Ngàn Chả, Nà Loòng, Còn Phiêng... những thôn, bản ở heo hút giữa trời mây, vẫn vác gạo, cắp cặp đến trú tại trường để quyết học bằng được cái chữ. Hỏi nguyện vọng em sau này làm gì, em Triệu Văn Bàn, học sinh lớp 8 nói: Em chỉ mong học được cái chữ, để sau này sẽ làm ra hạt ngô, hạt lúa to hơn... Lúc đó sẽ không sợ nghèo, đói nữa.       

Nói về sự đổi thay cũng như khát vọng vươn lên xóa đói, giảm nghèo ở các xã vùng cao, biên giới của huyện Ðình Lập, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Việt Cường cho biết: Ðình Lập là một trong những huyện nghèo nhất của tỉnh. Huyện có diện tích tự nhiên lớn, nhưng dân cư thưa thớt, mới có hơn 2,6 vạn dân, kinh tế hầu như còn tự cung tự cấp, cả huyện chưa có nơi nào hình thành chợ phiên. Cơ sở hạ tầng, nhất là đường giao thông nông thôn đi lại rất khó khăn. Tuy vậy, những năm qua, huyện cũng đã được quan tâm đầu tư xây dựng các công trình đường, trường, trạm y tế, 100% số xã đã có điện lưới quốc gia đến trung tâm. Một số đơn vị, doanh nghiệp bắt đầu đầu tư trồng rừng, phát triển cây chè... bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế, tạo việc làm và thu nhập cho người dân. Trong thời gian tới, nếu như quốc lộ 4B, 31 hoàn thành việc nâng cấp sẽ tạo cơ hội cho huyện phát triển kinh tế - xã hội mọi mặt.