Chuyển đổi số trong y tế gắn liền với lợi ích của bệnh viện, thầy thuốc và người dân

NDO - Nơi nào lãnh đạo quan tâm, nơi đó công nghệ thông tin sẽ phát triển hơn, chất lượng khám chữa bệnh được nâng cao, giảm thời gian chờ đợi, giảm sai sót, nhầm lẫn, tăng cường tính công khai, minh bạch… và chắc chắn người bệnh sẽ hài lòng hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu ý kiến tại hội thảo.
Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu ý kiến tại hội thảo.

Ngày 17/11, Bộ Y tế tổ chức hội thảo “Ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin, góp phần nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh”.

Theo PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), chuyển đổi số trong y tế không phải là vấn đề xa xôi, mà gắn liền với lợi ích thiết thực của bệnh viện, thầy thuốc và người dân.

Đơn giản nhất là đơn thuốc hay bệnh án điện tử. Nếu chuyển từ viết tay sang đánh máy, người dân không còn phải đau đầu dịch đơn thuốc, cũng không còn sự so sánh “xấu như chữ bác sĩ”.

Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai đơn thuốc điện tử còn giúp các bệnh viện kiểm soát việc kê đơn, dự trù thuốc cho từng năm/giai đoạn, hạn chế tình trạng kháng thuốc kháng sinh…

Cả nước hiện có hơn 1.400 cơ sở y tế công lập và hơn 300 cơ sở ngoài công lập là dư địa rất lớn cho các doanh nghiệp đầu tư, hợp tác trong việc triển khai các giải pháp công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

Một khảo sát mới đây do Cục Quản lý khám, chữa bệnh thực hiện tại 732 cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc cho thấy nhiều thông tin cụ thể về mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của các bệnh viện.

Theo đó, có 71% cơ sở đã thực hiện thanh toán viện phí điện tử, số còn lại thanh toán bằng tiền mặt; có chưa đến 50% bệnh viện thực hiện đặt lịch khám trực tuyến (con số này với bệnh viện tuyến trung ương là 70%); bệnh nhân đặt lịch qua điện thoại là phổ biến nhất (gần 39%), qua website của viện hơn 28%, qua tổng đài có 21,52% và qua app hơn 11%.

Về bệnh án điện tử, còn hơn 32% cơ sở được khảo sát vẫn chưa triển khai. Trong số các cơ sở đã thực hiện, mới có 3% cơ sở có phần mềm quản lý được ghi chép của hồ sơ bệnh án đã được thẩm định và bỏ bệnh án giấy.

GS, TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Y tế nêu rõ, 2 năm qua, hệ thống khám bệnh, chữa bệnh đã ghi nhận những nỗ lực phi thường, những vất vả gian lao trong phòng, chống dịch Covid-19 và thực hiện nhiệm vụ khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân.

Trong những lúc khó khăn đó, ngành Y tế đã triển khai thành công đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” và khai trương 1.000 điểm cầu trên cả nước. Đến nay Đề án đang được các nơi tích cực triển khai với hàng chục nghìn lượt người bệnh được tư vấn khám, chữa bệnh từ xa và lan tỏa ra khắp mọi miền Tổ quốc.

Tuy nhiên hiện nay việc phát triển ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám, chữa bệnh vẫn còn những hạn chế nhất định: Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin còn chưa tương xứng với khối lượng dữ liệu y tế cần quản lý; hệ thống thông tin và các cơ sở dữ liệu còn rời rạc, chưa liên thông với nhau; an toàn thông tin và nhiều yêu cầu về công nghệ thông tin còn chậm triển khai, nguồn lực dành cho công nghệ thông tin còn hạn chế; sự phối hợp giữa các đơn vị trong triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số còn chưa đồng bộ…

Những hạn chế trên dẫn đến việc phát triển công nghệ thông tin rất khác nhau giữa các bệnh viện công lập và tư nhân, cũng như giữa bệnh viện các tuyến.

Thực hiện Chương trình chuyển đổi số Quốc gia của Chính phủ, Bộ Y tế đã phê duyệt kế hoạch thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số y tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với nhiều chỉ tiêu và giải pháp cụ thể.

Chính vì vậy, hội thảo là dịp để cùng nhau cập nhật các định hướng chính sách thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành cơ sở khám chữa bệnh, cùng nhau chia sẻ các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin góp phần nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh.