Đưa công nghệ vào điểm di tích
Từ khi đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số, tại nhiều trụ sở Ủy ban nhân dân phường thuộc thành phố Phan Thiết luôn luôn có mặt các đoàn viên, thanh niên hỗ trợ người cao tuổi hoặc người chưa rành về ứng dụng phần mềm.
Tại Ủy ban nhân dân phường Bình Hưng, nhiều đoàn viên, thanh niên hỗ trợ người dân thao tác nộp hồ sơ trực tuyến. Thậm chí, nhiều người cao tuổi không sử dụng điện thoại thông minh được đoàn viên, thanh niên nhiệt tình hướng dẫn đăng nhập tạm thiết bị khác. Các đoàn viên ân cần dặn dò, lần sau nếu có việc lên phường nộp hồ sơ nhớ mang theo điện thoại thông minh.
Tương tự, đoàn viên, thanh niên cũng có mặt hỗ trợ người dân thường xuyên tại trụ sở Ủy ban nhân dân phường Phú Thủy.
Bà Võ Thị Liễu (64 tuổi, trú tại phường Phú Thủy) chia sẻ: “Mỗi lần lên phường, tôi chỉ cần mang theo điện thoại thông minh là được các đoàn viên, thanh niên chỉ dẫn tận tình từng thao tác. Từ cách đăng nhập phần mềm, hướng dẫn cách tải hình ảnh lên phần mềm, cách điền thông tin…”.
Trong năm 2023, hưởng ứng năm du lịch quốc gia, Tỉnh đoàn Bình Thuận có cách làm mới quảng bá du lịch gắn với chuyển đổi số như: Chương trình số hóa các địa danh, di tích lịch sử qua mã QR và ứng dụng công nghệ thực tế ảo VR-360 tại Khu căn cứ Tỉnh ủy trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (huyện Hàm Thuận Bắc), Khu di tích dốc ông Bằng (thị xã La Gi), Tượng đài chiến thắng (thành phố Phan Thiết).
Bên cạnh đó, Tỉnh đoàn phát động phong trào “Mỗi đoàn viên, hội viên một món quà nghĩa tình” tặng quà cho du khách khi đến tham quan tại tỉnh; triển khai chương trình “Mỗi tuần, một địa danh Bình Thuận”; đợt sinh hoạt “Bình Thuận trong tôi”; thành lập kênh Zalo từ Đoàn thanh niên cấp tỉnh đến Đoàn cấp huyện để kịp thời truyền tải các nội dung.
Quét mã QR tại Tượng đài chiến thắng, du khách sẽ được trải nghiệm hình ảnh, nội dung về quá trình lịch sử, hình thành tượng đài. Với công nghệ thông minh, ứng dụng có thể cho thấy toàn cảnh tượng đài qua màn hình điện thoại. Trong ứng dụng có phần thuyết minh, dùng bằng tay chỉnh xa, gần tùy theo quang cảnh muốn quan sát.
Chia sẻ về ứng dụng, chị Trần Thị Hòa Xuân, Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Chương trình số hóa các địa danh, di tích lịch sử là sự đóng góp chất xám của các cán bộ đoàn viên trong tỉnh; còn nguồn vốn thực hiện là từ Trung ương Đoàn cấp.
Các tổ chức Đoàn trong toàn tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động, tuyên truyền, vận động người dân tích cực thực hiện chuyển đổi số theo tinh thần Nghị quyết số 10-NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa 24) về chuyển đổi số.
Với chủ đề “Chuyển đổi số các hoạt động của Đoàn”, đồng chí Trần Thị Hòa Xuân, Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết, chúng tôi đã tập trung triển khai nhiều hình thức, giải pháp mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào triển khai các lĩnh vực hoạt động của đoàn.
Tỉnh đoàn tổ chức các lớp tập huấn “Mỗi đoàn viên, thanh niên cùng 1 trợ lý ảo AI” và cuộc thi “Trợ lý ảo cùng Olympic Tiếng Anh” dành cho đoàn viên thu hút gần 30.000 lượt tham gia.
Đoàn thanh niên tăng cường khai thác công nghệ thông tin, mạng xã hội, thường xuyên đăng tải các nội dung tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Hình thức tuyên truyền linh động, thường xuyên thay đổi dưới dạng các cuộc thi tìm hiểu, hỏi đáp, sân khấu hóa, các cuộc thi trực tuyến tìm hiểu trên không gian mạng, các infographic, tờ rơi tuyên truyền, các trailer, clip ngắn,…
Xây dựng nông thôn mới thông minh
Phó Bí thư Tỉnh đoàn Trần Thị Hòa Xuân cho biết, năm 2024, đơn vị duy trì hoạt động 124 tổ thanh niên tình nguyện chuyển đổi số cộng đồng tại 124 xã, phường, thị trấn. Tỉnh đoàn hỗ trợ đoàn viên sản xuất nông nghiệp đạt sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử.
Đối với đoàn viên mới thành lập doanh nghiệp sẽ hỗ trợ nguồn vốn vay của Trung ương Đoàn để lập nghiệp, hướng nghiệp. Bên cạnh đó, Tỉnh đoàn triển khai hoạt động phòng họp không giấy tờ. Đặc biệt, Tỉnh đoàn tổ chức lớp tập huấn chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới hướng tới nông thôn mới thông minh.
Tiếp tục phát huy vai trò của thanh niên trong tuyên truyền, chuyển đổi số trên địa bàn, Tỉnh đoàn xác định chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức.
Đại diện Tỉnh đoàn Bình Thuận cho biết: Năm 2024, các đội hình tình nguyện thường xuyên xuống cơ sở, tuyên truyền đến người dân về tầm quan trọng, lợi ích của chuyển đổi số, các kiến thức về công nghệ số.
Bên cạnh đó, đội tình nguyện hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng cung cấp thông tin, kết nối với người dân và Trung tâm hành chính công, ứng dụng Phan Thiết-S cho đoàn viên, thanh niên ở Phan Thiết, ứng dụng định danh điện tử (VNeID), ứng dụng của Bảo hiểm xã hội Việt Nam (VssID)…
Cùng với đó, đội giới thiệu đến người dân về thanh toán điện tử không dùng tiền mặt và đưa sản phẩm khởi nghiệp lên sàn thương mại điện tử Postmart, Lazada.
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Bình Thuận Thái Thành Bi năm nay, đoàn cơ sở đăng ký thực hiện ít nhất một công trình thanh niên tham gia hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, chào mừng Đại hội Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam các cấp nhiệm kỳ 2024-2029.
Bên cạnh đó, Đoàn thanh niên hỗ trợ hiện thực hóa 150 ý tưởng, sáng kiến của đoàn viên, thanh niên; trong đó có 2 ý tưởng sáng kiến ứng dụng công nghệ cao. 100% đoàn cấp xã triển khai hiệu quả đội hình Tổ công nghệ số cộng đồng tại thôn, khu phố.
Toàn tỉnh tổ chức ít nhất 5 lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật; tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho ít nhất 10.000 lượt đoàn viên, thanh niên và giới thiệu việc làm cho ít nhất 1.200 đoàn viên, thanh niên trên địa bàn toàn tỉnh.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới trong xây dựng bản đồ số, số hóa các tài liệu, hiện vật, thông tin về các địa danh lịch sử, địa chỉ đỏ đăng tải lên ứng dụng Thanh niên Việt Nam.