Năm 2020, tỉnh Cà Mau được Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá và công bố xếp hạng thứ 41/63 tỉnh, thành phố về chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh. Kinh phí phân bổ hằng năm cho lĩnh vực công nghệ thông tin của Cà Mau là khoảng 30 tỷ, chiếm 0,3% tổng chi ngân sách tỉnh. Điều này thể hiện chuyển đổi số tại Cà Mau còn chậm và mục tiêu, kết quả đạt được còn thấp.
Xác định chuyển đổi số sẽ là động lực phát triển kinh tế, xã hội trong thời gian tới nên Tỉnh ủy Cà Mau đã có Nghị quyết và Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành đề án Chuyển đổi số tỉnh Cà Mau đến 2025 định hướng đến 2030. Trong giai đoạn trên, Cà Mau sẽ ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện, lựa chọn những dự án, công trình trọng điểm, có tính nền tảng đưa vào danh mục đầu tư công của tỉnh; Chuyển đổi số sẽ được thực hiện đồng bộ trong cả hệ thống chính trị, gồm: Cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội.
Chuyển đổi số ở Cà Mau được triển khai và thực hiện đồng bộ, hiệu quả trên cả 3 trụ cột, gồm: chính quyền số; kinh tế số và xã hội số. Mục đích của Cà Mau trong chuyển đổi số nhằm hướng đến lợi ích của người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững; đổi mới, nâng cao hiệu quả lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, hiệu lực quản lý của chính quyền các cấp gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội…, phấn đấu đến năm 2025 tỉnh cơ bản hoàn thành số hóa các lĩnh vực kinh tế-xã hội, và đến năm 2030 sẽ số hóa toàn diện các lĩnh vực, đưa kinh tế số thành lợi thế cạnh tranh, chiếm 20% tổng GRDP của tỉnh.
Cà Mau phấn đấu đến năm 2025 tỉnh cơ bản hoàn thành số hóa các lĩnh vực kinh tế-xã hội, và đến năm 2030 sẽ số hóa toàn diện các lĩnh vực, đưa kinh tế số thành lợi thế cạnh tranh, chiếm 20% tổng GRDP của tỉnh.
Tại hội nghị chuyển đổi số, một số đại biểu đến từ các huyện, sở ngành của tỉnh Cà Mau đặt ra các vấn đề: Cần chuẩn bị gì về hạ tầng; Có cần đào tạo cho cán bộ, viên chức và đào tạo những gì để chủ động cho quá trình chuyển đổi số…?
Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, nói rõ: Chuyển đổi số dựa trên nền tảng công nghệ thông tin đã có, được xây dựng giống như những nền tảng mạng xã hội đã thông dụng nên không phải là cái gì quá ghê gớm. Không cần phải làm gì trước khi nền tảng số chưa đến. Khi có nền tảng rồi thì chỉ cần mở ra thao tác, tìm tòi vài phút là có thể thực hiện được. Điều cần lưu ý và quan trọng nhất là quá trình bảo mật thông tin khi sử dụng.
"Có rất nhiều khác biệt giữa thời công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Công nghệ thông tin cơ bản phục vụ cho những người trong hệ thống chính quyền, còn chuyển đổi số chuyển trọng tâm từ người quản lý sang người dùng cuối cùng, là nhân viên trong tổ chức đó. Cho nên tư duy về chuyển đổi số thì phải tuy duy theo hướng người dân được hưởng lợi gì, người nhân viên được lợi gì", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh và lưu ý, chuyển đổi số là công cụ hỗ trợ cho người lao động, hướng tới nâng cao chất lượng, đòi hỏi sự thay đổi, yêu cầu rất lớn từ người đứng đầu.
Điều quan trọng nhất là người đứng đầu chính quyền cấp huyện phải biết huyện mình cần gì, xã biết mình muốn gì và phải làm gì. Chuyển đổi số hướng tới là thay đổi cách làm, hướng đến người dùng, người thụ hưởng cuối cùng, chẳng hạn như: nền tảng số hiện nay đã có và giúp việc chuyển tiền chỉ mất vài phút là xong.