Tại nhà máy của Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang (Khu Công nghệ cao thành phố Thủ Đức), hầu hết ở các dây chuyền sản xuất đèn led gần như chỉ có từ một đến hai lao động. Công việc của họ là quan sát, theo dõi và ấn nút, phần việc còn lại đã có máy móc tự động đảm nhận từ khâu sản xuất đến khâu thành phẩm. “Do đều ứng dụng công nghệ tự động hóa nên nhà máy không cần nhiều nhân viên, chỉ có một vài công đoạn kiểm tra, cắm bảng mạch bằng tay mới cần một số lao động làm việc”, một nhân viên tại Nhà máy Điện Quang cho biết. Mỗi năm, Công ty Điện Quang sản xuất 140 triệu sản phẩm. Hiện, sản phẩm của Công ty Điện Quang đã xuất khẩu sang hơn 30 nước và vùng lãnh thổ như Mỹ, Canada, Hàn Quốc...
Trong khi đó, Giám đốc Công ty TNHH Chế tạo máy dược phẩm Tiến Tuấn Vũ Anh Tuấn (Khu công nghiệp Tân Bình) cho biết, đã ứng dụng công nghệ, chế tạo được dây chuyền từ ép vỉ thuốc đến đóng hộp tự động. “Chúng tôi không chỉ làm ra một khâu trong sản phẩm mà hoàn thành toàn bộ sản phẩm, sau đó xuất khẩu sang các quốc gia. Tính đến thời điểm hiện tại, dây chuyền đóng vỉ dược phẩm của công ty đã có mặt ở 25 quốc gia. Chúng tôi còn xây dựng chuỗi cung ứng, tìm doanh nghiệp đủ khả năng rồi chuyển giao công nghệ để họ cùng làm” - ông Tuấn cho hay. Cũng nhờ chuyển đổi số, Công ty cổ phần Kềm Nghĩa đã đạt công suất 31.000 sản phẩm/ngày, thời gian tới sẽ tăng lên 40.000 sản phẩm/ngày. Đại diện Công ty Kềm Nghĩa, ông Trần Minh Tú cho biết: “Nhờ đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ số nên công ty không còn gặp quá nhiều khó khăn trong tuyển dụng nhân sự. Sản phẩm của doanh nghiệp cũng không tăng giá trong những năm qua do đã giảm khấu hao trong quá trình sản xuất”.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng thuận lợi khi chuyển đổi số. Đại diện Công ty may mặc My One, ông Lê Thanh Tâm cho hay: Từ hai năm trước, công ty đã thuê đơn vị tư vấn để xây dựng mô hình chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhưng thất bại. Nguyên nhân, đơn vị tư vấn không có chuyên môn trong lĩnh vực sản xuất nói chung và dệt may nói riêng, nên phần mềm không thể ứng dụng.
Đến nay, công ty vẫn phải sử dụng mô hình sản xuất truyền thống, thâm dụng lao động, nên gặp rất nhiều khó khăn trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt về giá thành. Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp quận Tân Phú Nguyễn Viết Toàn nhìn nhận: Các nền tảng chuyển đổi số do các cơ quan chức năng đang triển khai chỉ mới tập trung vào quản trị văn phòng mà chưa tính đến hoạt động sản xuất, dây chuyền công nghệ. “Với hơn 90% số doanh nghiệp Việt Nam với quy mô vừa và nhỏ, ưu điểm là thích ứng nhanh nhưng hạn chế là thiếu nguồn lực vốn và nguồn nhân lực chuyển đổi số. Do vậy, cần thiết phải có chính sách tài chính tín dụng rẻ, dễ tiếp cận để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp”, ông Toàn nói.
Nhận định chuyển đổi số thì cần tính đến chi phí, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín-Sacombank Phan Đình Tuệ chia sẻ sự cần thiết phải xây dựng gói tư vấn, giá nhất định dành cho doanh nghiệp để chủ động tiếp cận với hoạt động chuyển đổi số. Cùng với đó, cần phát huy vai trò của các hiệp hội trong kết nối và tạo ra mạng lưới chuyển đổi số giữa doanh nghiệp sản xuất với đơn vị công nghệ thông tin để tránh tình trạng mất chi phí cho mô hình sản xuất nhưng không dùng được vì không phù hợp. “Về phía doanh nghiệp cũng phải chuẩn bị kỹ nội dung yêu cầu thực hiện chuyển đổi số, phải lượng hóa được đội ngũ chuyên gia, quy trình quản lý dự án của đối tác. Cuối cùng là chuẩn bị ngân sách cho hiện tại và tương lai để bảo đảm duy trì vận hành sau khi thực hiện chuyển đổi số quy trình, công nghệ sản xuất” - ông Tuệ lưu ý.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh Lâm Đình Thắng cho biết: Hiện thành phố thực hiện chuyển đổi số trên ba trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, tập trung vào chính quyền số, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống chính quyền. “Sở sẽ triển khai cổng thông tin chuyển đổi số tổng hợp, toàn diện, chính thống về nguồn lực chuyển đổi số kết hợp tạo điều kiện cho doanh nghiệp tương tác thông tin với nhau; xây dựng gói chính sách thúc đẩy chuyển đổi số cụ thể hơn trên nhiều lĩnh vực như vốn, công nghệ, nhóm chính sách hỗ trợ của thành phố và các cơ quan trung ương. Cuối cùng là kết nối mạng lưới các nguồn lực chuyển đổi số, doanh nghiệp công nghệ thông tin và sản xuất để thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số hiệu quả hơn”- ông Thắng nhấn mạnh.
Mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đã ký ban hành Chỉ thị số 17-CT/TU về việc đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh. Ban Thường vụ Thành ủy thành phố yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội thành phố quán triệt, nâng cao nhận thức, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, tạo lập, tích hợp và khai thác hiệu quả các dữ liệu để phục vụ công tác phòng, chống dịch, phục hồi phát triển kinh tế-xã hội và quản trị thành phố theo hướng hiện đại. Chỉ thị số 17 yêu cầu thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trên các lĩnh vực và thúc đẩy phát triển kinh tế số, phấn đấu đến năm 2025 kinh tế số đóng góp khoảng 25% tổng sản phẩm nội địa (GRDP) trên địa bàn thành phố.