Chuyển đổi số - Động lực thúc đẩy tăng trưởng vùng đồng bằng sông Hồng-Hải Phòng

NDO - Chiều 28/5, tại thành phố Hải Phòng đã khai mạc diễn đàn Logistics vùng lần thứ 5 với chủ đề “Chuyển đổi số - Động lực thúc đẩy tăng trưởng vùng đồng bằng sông Hồng-Hải Phòng 2024”
0:00 / 0:00
0:00
Phiên thảo luận tại diễn đàn Logistics “Chuyển đổi số - Động lực thúc đẩy tăng trưởng vùng đồng bằng sông Hồng-Hải Phòng 2024”.
Phiên thảo luận tại diễn đàn Logistics “Chuyển đổi số - Động lực thúc đẩy tăng trưởng vùng đồng bằng sông Hồng-Hải Phòng 2024”.

Diễn đàn do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thành phố Hải Phòng, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), Hiệp hội Logistics Hải Phòng (HPLA) phối hợp tổ chức.

Diễn đàn cũng thu hút sự tham dự của nhiều chuyên gia đến từ Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Công thương, các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các địa phương trong khu vực và đông đảo doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics.

Theo Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển, logistics là ngành dịch vụ có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế của các nước, trong đó có Việt Nam.

Chuyển đổi số - Động lực thúc đẩy tăng trưởng vùng đồng bằng sông Hồng-Hải Phòng ảnh 1
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển phát biểu tại diễn đàn.

Trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiệm vụ “Đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số, phát triển các loại hình dịch vụ mới, xây dựng hệ sinh thái dịch vụ trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, pháp lý, y tế, giáo dục-đào tạo, viễn thông và công nghệ thông tin, logistics và vận tải phân phối”.

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, ngành dịch vụ logistics được coi là xương sống của chuỗi cung ứng, do đó yêu cầu về chuyển đổi số trong ngành cũng không nằm ngoài xu thế chung của toàn bộ nền kinh tế...

Đặc biệt, chuyển đổi số càng trở nên quan trọng trong hoạt động logistics của vùng đồng bằng sông Hồng-cửa ngõ phía bắc của nước ta và ASEAN về kết nối phát triển kinh tế, thương mại với Trung Quốc-thị trường rộng lớn nhất thế giới và là cầu nối quan trọng trong giao lưu kinh tế, văn hóa quốc tế.

Chuyển đổi số - Động lực thúc đẩy tăng trưởng vùng đồng bằng sông Hồng-Hải Phòng ảnh 2

Hoạt động logistics tại khu vực cảng biển Hải Phòng phát triển mạnh mẽ.

Đồng thời, vùng đồng bằng sông Hồng có hệ thống hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ với đầy đủ 5 phương thức vận tải với ba tuyến hành lang kinh tế đi qua… được kỳ vọng là thị trường đầy tiềm năng và hấp dẫn cho ngành logistics phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Tại diễn đàn, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công cho rằng, lợi ích mang lại từ chuyển đổi số là rất rõ ràng, nhưng quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn cả ở cấp độ vĩ mô và vi mô, cả ở các cơ quan quản lý Nhà nước, địa phương và doanh nghiệp.

Chủ tịch Phạm Tấn Công tin tưởng, thông qua diễn đàn, nhiều giải pháp cụ thể để đẩy nhanh chuyển đổi số trong khối doanh nghiệp logicstics sớm thành công và hiện thực hóa các Nghị quyết của Đảng về lĩnh vực chuyển đổi số…

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ, với những lợi thế, tiềm năng vị trí địa lý, cùng quyết tâm mạnh mẽ, thành phố Hải Phòng đang nỗ lực trở thành một trong những đầu mối logistics quan trọng, trung tâm phân phối, trung chuyển hàng hóa đa phương thức kết nối vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với cả nước, khu vực và quốc tế.

Tại diễn đàn, lãnh đạo các bộ, ngành, chuyên gia kinh tế quốc tế và Việt Nam cùng với các quỹ đầu tư, tập đoàn, doanh nghiệp đã đưa ra những đánh giá độc lập, đa chiều về định hướng phát triển logistics của vùng đồng bằng sông Hồng cũng như thành phố Hải Phòng.

Đồng thời, các ý kiến cũng nhận diện những điểm nghẽn trong chuyển đổi số logistics; xu hướng chuyển đổi số logistics từ các bài học quốc tế; đề xuất giải pháp nhằm phát triển mạnh mẽ logistics Việt Nam nói chung và vùng đồng bằng sông Hồng nói riêng trong mối tương quan với bối cảnh phát triển của khu vực và thế giới.