Chuyển đổi sách ở Hội An

Hơn 15 năm qua, ngôi nhà của vợ chồng ông Nguyễn Đình Cừ và bà Võ Thị Mai, ở số 43 Phan Bội Châu, thành phố Hội An (Quảng Nam) là không gian sách đa dạng, chuyên sâu bậc nhất khu phố cổ. Từng trang sách ố màu theo năm tháng chứa đựng những giá trị vô giá về văn hóa, con người.
0:00 / 0:00
0:00
Bà Võ Thị Mai (bìa phải) giới thiệu sách cho bạn đọc.
Bà Võ Thị Mai (bìa phải) giới thiệu sách cho bạn đọc.

Lan tỏa niềm đam mê con chữ

Là vùng đất có truyền thống người dân yêu thích đọc sách, phố cổ Hội An một thời nổi tiếng với hàng loạt quầy sách, tủ sách cộng đồng. Theo thời gian, những mô hình văn hóa đọc này đã dần biến mất, một phần từ việc không thể bảo đảm nguồn kinh phí duy trì. Vượt qua những tác động thực tế đó, căn nhà chứa đầy sách của ông Cừ, bà Mai vẫn tồn tại.

Nhìn từ xa, ngôi nhà sách đặc biệt này rất khó phân biệt giữa khu phố. Vẫn tường vàng, mái ngói rêu phong, kiểu cách truyền thống đang được gia đình ông Cừ gìn giữ. Không bảng hiệu quảng cáo, tuy vậy, câu chuyện duy trì văn hóa đọc là điểm ấn tượng, thú vị tại đây. Căn phòng khách diện tích khoảng 25m2 được gia đình dùng làm nơi bố trí ba giá gỗ chứa sách. Hiện tại, hơn 5.000 đầu sách với những ngôn ngữ như: Pháp, Anh, Đức, Hà Lan, Đan Mạch... được tập trung, bài trí theo từng nhóm cụ thể, giúp người đọc dễ tìm kiếm.

Tìm được một cuốn sách ưng ý và đọc giữa không gian yên tĩnh, mộc mạc giữa lòng phố cổ là trải nghiệm được nhiều người yêu thích. Đôi khi, những du khách nước ngoài trên hành trình khám phá Hội An, họ tìm đến đây với mong muốn đổi vài cuốn sách trong hành lý của họ, gia đình ông Cừ luôn đồng ý. Với hai cuốn sách được mang đến, sau khi được kiểm tra nguồn gốc và nội dung, bạn đọc nhận lại một cuốn với giá bán bằng hai cuốn kia.

Du khách nước ngoài có sở thích dù đi đâu cũng đều mang theo sách để đọc. Họ luôn muốn tìm kiếm nhiều thông tin từ sách và cách nhanh nhất là trao đổi sách ở ngôi nhà ông Cừ. Cứ như vậy, sau mỗi năm, số lượng đầu sách tại đây tăng liên tục. Từ đó đã có những bộ sách rất hiếm, khó tìm được trên thị trường nhưng vẫn có ở căn nhà sách này, đó là nhờ du khách nước ngoài cùng đóng góp.

Để tất cả mọi người khi đến đọc sách dễ dàng hiểu các nhóm ngôn ngữ, từ những ngày đầu lập ra nhà sách, ông Cừ bố trí một ngăn riêng chỉ đặt các cuốn từ điển tiếng Anh, Pháp, Đức... Đây được xem là điểm khởi đầu cho việc đọc sách nước ngoài, đồng thời gợi ra tinh thần tự học cho những thành viên trong gia đình. Đến nay, con cháu của ông Cừ luôn thực hành việc tra cứu từ ngữ trong sách nước ngoài theo các cuốn từ điển có sẵn. Cả gia đình ai cũng đều biết vài thứ tiếng.

Duy trì văn hóa đọc

Hằng ngày, chị Nguyễn Vũ Mỹ Linh, con gái ông Cừ thường xuyên lui tới trông coi tủ sách. Là người công tác trong ngành giáo dục, một điều chị Linh luôn trăn trở là thúc đẩy văn hóa đọc của cộng đồng. Nhìn nhận về cuộc sống hiện tại, chị Linh cho rằng, người Việt Nam nói chung, cộng đồng người dân Hội An nói riêng vẫn chưa khai thác hiệu quả nguồn kiến thức từ sách vở.

“Hồi tôi còn nhỏ, quanh phố có các xe sách nho nhỏ cùng hoạt động. Khi đó chỉ ước gia đình mình cũng có một chiếc tủ chứa đầy sách để đọc. Khoảng 10 năm trước, những xe đẩy sách vắng dần, hiện tại thì không tìm thấy nữa. May mắn là ba mẹ tôi đã mở ra không gian đọc trong gia đình, tạo điều kiện cho con cháu hình thành thói quen đọc sách”, chị Linh cho hay.

Hơn 15 năm trôi qua, cùng sắp xếp từng hàng sách trên giá đỡ với chồng, bà Mai ấn tượng nhất với một người đàn ông đứng tuổi người nước ngoài thường đến đổi sách. Mỗi khi vị khách đặc biệt này ghé đều mang theo rất nhiều đầu sách các loại với nhiều ngôn ngữ. Đến khi ông rời đi, cả chục cuốn sách dày dặn được ông lựa chọn mang về. Chính những vị khách này là động lực để cả gia đình bà Mai cố gắng duy trì những kệ sách trong nhiều năm qua.

Cầm trên tay cuốn sách mới được khách mang đến trao đổi, bà Mai cười: “Mấy cuốn ít trang, phải ba, bốn cuốn mới có tổng giá tiền trên bìa là 100.000 đồng nhưng gia đình tôi chỉ tính 50.000 đồng thôi để mọi người dễ trao đổi, cùng đọc nhiều sách hơn. Mỗi ngày có vài ba bạn trẻ ghé thăm. Đa số họ mượn sách đọc tại chỗ, tôi cùng họ xem nội dung sách nên cũng hiểu biết thêm ít kiến thức mới”.

Ở một góc nhỏ trên ngăn sách ngôn ngữ Pháp có vài cuốn chuyên ngành về kỹ thuật, kiến trúc. Bề ngoài, mầu sắc bìa và các trang nội dung đã chuyển sang nâu thẫm. Tuy nhiên theo bà Mai, những cuốn sách đó xuất bản đã hơn 40 năm nhưng luôn được những người làm về kiến trúc, thiết kế ở Hội An chọn đọc để tham khảo, học hỏi. Kỹ thuật, kiến trúc là một mảng rất đặc thù, sách về nội dung này do các tác giả phương Tây viết càng hiếm.

Thành phố du lịch Hội An luôn có những điểm nhấn giữ chân du khách. Ngôi nhà đọc sách trên con đường Phan Bội Châu chính là một nơi như vậy, mở ra không gian tri thức đậm chất giản dị, gần gũi.