Trên những cánh đồng lúa chín vàng tại vùng ngọt Cà Mau, nhiều nông hộ sản xuất luôn vụ màu khi vừa thu hoạch xong trà lúa đông xuân…
Sau hơn một tháng gieo hạt, chăm sóc, ruộng bí rợ gần 4 ha của gia đình ông Trần Văn Bắc ở ấp 5, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau bắt đầu cho ra những nụ đầu tiên. Đây là năm thứ tám gia đình ông Bắc canh tác vụ màu sau vụ lúa đông xuân với giống bí Trang Nông. Vụ trước, gia đình ông Bắc thu về gần 60 tấn bí với giá bán ổn định từ 8.000-10.000 đồng/kg (tùy kích cỡ), lợi nhuận gần 400 triệu đồng.
“Nhiều năm nay gia đình tôi không làm lúa vụ 3, thay vào đó là vụ màu để tiết kiệm nước tưới, đề phòng khô hạn. Chăm sóc vụ màu vất vả hơn nhưng bù lại thu nhập cao hơn 2 vụ lúa...”, ông Bắc chia sẻ.
Còn gia đình ông Phạm Tuấn Ngọc ở ấp Minh Hà A, xã Khánh Bình Đông, cùng huyện Trần Văn Thời, năm nay sản xuất vụ màu với hơn 3.000 dây bí rợ, ước thu về khoảng hơn 10 tấn bí, bằng sản lượng niên vụ 2024.
Theo ông Ngọc, nếu giá bí rợ năm nay vẫn ổn định như trước thì gia đình ông "sống khỏe". Trồng màu sau vụ lúa đông xuân hiệu quả cho nên nhiều năm nay dân trong vùng không ai trồng lúa vụ 3 nữa. Nhiều người so sánh: “Một công rẫy bằng bảy công ruộng”...
Ðưa rau màu xuống ruộng sau vụ lúa đông xuân là một trong nhiều khuyến cáo của ngành chức năng và chính quyền địa phương góp phần giúp nông dân vùng ngọt huyện Trần Văn Thời chuyển đổi sản xuất hiệu quả trong nhiều năm qua.
Thống kê bước đầu, riêng hai xã Trần Hợi và Khánh Bình Đông của huyện Trần Văn Thời đã có hơn 200 ha đất nông nghiệp trồng rau màu các loại sau khi thu hoạch vụ lúa đông xuân. Nông dân vùng ngọt huyện Trần Văn Thời còn lập vườn, đào ao trữ nước ngọt để nuôi cá đồng, kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm… để tăng nguồn thu trên cùng diện tích đất canh tác.
Sau nhiều năm gắn bó với ruộng đồng, gia đình lão nông Trần Thanh Lâm ở ấp 2, xã Khánh Bình Ðông có tiền mua thêm đất, từ 1,5 ha nay tăng lên hơn 6 ha sản xuất theo mô hình lúa-màu-cá đồng kết hợp nuôi heo.
Ông Lâm chia sẻ: “Nông dân chúng tôi được chuyển giao kỹ thuật, áp dụng vào thực tế sản xuất với mô hình đa canh. Hằng năm, địa phương đều có khuyến cáo và chúng tôi tuân thủ đúng lịch thời vụ giảm rủi ro, nhất là những tháng mùa khô, khả năng cao sẽ chịu ảnh hưởng hạn, mặn”.
Nhiều năm liên tục huyện Trần Văn Thời giữ vững diện tích vùng chuyên canh hệ ngọt với hơn 44.000 ha, trong đó, diện tích trồng lúa gần 30.000 ha, tổng sản lượng lúa hằng năm hơn 330.000 tấn. Phần diện tích còn lại chủ yếu canh tác rau màu, cây ăn trái, chăn nuôi gia súc, cá đồng, trồng cây lâm nghiệp…
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Trần Văn Thời Nguyễn Thế Châu, nhiều năm qua, vùng ngọt Trần Văn Thời được tỉnh và Trung ương hỗ trợ nhiều công trình thủy lợi khép kín phục vụ sản xuất, nhất là hệ thống đê, cống ngăn mặn, trạm bơm tiêu thoát nước…
Địa phương cũng xây dựng trước lịch thời vụ theo tình hình thực tế hằng năm. Vụ mùa 2025 này, nông dân thực hiện tốt khuyến cáo, gieo sạ sớm cho nên thu hoạch sớm trà lúa đông xuân, chậm lắm cũng dứt điểm trong tháng 2/2025 để không bị ảnh hưởng hạn, mặn. Nông dân được khuyến cáo không trồng lúa vụ 3, chỉ sản xuất rau màu ở những nơi đủ điều kiện để tiết kiệm nước tưới.
Ngành chức năng tỉnh Cà Mau dự báo, mùa khô 2024-2025 ít có khả năng xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt như mùa khô 2023-2024. Tuy nhiên, nguy cơ thiếu nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân ở một số nơi vẫn có thể xảy ra, nhất là ở vùng ngọt các huyện Trần Văn Thời, U Minh, một phần của huyện Thới Bình và thành phố Cà Mau.
Theo nội dung chỉ đạo tại Công điện số 128/CĐ-TTg (ngày 8/12/2024) của Thủ tướng Chính phủ, đầu tháng 1/2025, tỉnh Cà Mau đã hoàn thiện phương án “ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn vùng ngọt theo cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn tỉnh Cà Mau năm 2025”.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau Phan Hoàng Vũ cho biết thêm, tùy vào tình huống và cấp độ cảnh báo rủi ro thiên tai khác nhau, các địa phương vùng ngọt trong tỉnh đã xây dựng kịch bản riêng để ứng phó, trong đó có khâu tổ chức sản xuất ở vùng ngọt. Công tác phòng chống thiên tai của tỉnh được chủ động từ sớm, từ xa. Ở góc độ của tỉnh, lưu ý việc sử dụng tài nguyên nước một cách hợp lý, tiết kiệm.
Theo chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau, tất cả các ngành, các cấp, các địa phương trong tỉnh phải quán triệt cho cán bộ, đảng viên và người dân thực hiện nghiêm túc phương án “ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn năm 2025”, nhất là việc chấp hành hướng dẫn, khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương.
Luôn theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thường xuyên kiểm tra tình hình nguồn nước, dự báo mặn để kịp thời cập nhật, điều chỉnh linh hoạt các kịch bản ứng phó nhằm bảo đảm sát thực tế theo phương châm “bốn tại chỗ”...