Chuyển đổi đất sản xuất kém hiệu quả ở đồng bằng sông Cửu Long

Thời gian qua, các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long tập trung tái cơ cấu nông nghiệp, nhất là chuyển đổi sản xuất kém hiệu quả sang các mô hình cho giá trị và thu nhập cao hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Nông dân Hậu Giang bón phân, chăm sóc lúa. Ảnh: PHÙNG DŨNG
Nông dân Hậu Giang bón phân, chăm sóc lúa. Ảnh: PHÙNG DŨNG

Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 2,4 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp, là trung tâm nông nghiệp lớn nhất nước. Những năm qua, nhờ đẩy mạnh chuyển đổi canh tác sản xuất, đồng bằng sông Cửu Long đã đóng góp vào 32% GRDP ngành nông nghiệp.

Hiệu quả từ chuyển đổi

Chuyển đổi mạnh mẽ trong sản xuất của vùng là giảm diện tích đất trồng lúa, mía và chuyển sang cây có giá trị cao hơn, điển hình là cây ăn quả, cùng với nuôi trồng thủy sản. Trong mỗi tiểu ngành cũng chủ động thực hiện các giải pháp sản xuất bền vững thích ứng biến đổi khí hậu, hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn, gắn kết nông dân-doanh nghiệp và phát triển nhiều mô hình thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu.

Tại Hậu Giang, năm 2015, diện tích vườn cây ăn quả chỉ khoảng 15.000ha, đến nay đã nâng lên hơn 45.000ha, chủ yếu là chuyển đổi sang cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, như: xoài, bưởi, mít, sầu riêng, chanh không hạt, khóm (dứa), mãng cầu, dưa lưới… Nhiều mô hình chuyển đổi có ứng dụng khoa học kỹ thuật, quy trình canh tác tuân thủ quy chuẩn VietGAP, GlobalGAP, bảo đảm gắn kết với doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Tiêu biểu là ông Nguyễn Hoàng Vân ở ấp Xẻo Môn, xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp. Năm 2019, từ 1ha mía kém hiệu quả, ông đã chuyển sang trồng chanh không hạt theo quy chuẩn VietGAP để cung ứng cho doanh nghiệp xuất khẩu. Ông Vân cho biết, loại cây này chỉ sau 18 tháng trồng là có thể cho trái, khi tán cây càng lớn sẽ cho năng suất trái nhiều hơn. Ở ấp Xẻo Môn, nông dân đã chuyển đổi trồng được hơn 50ha cây chanh không hạt. Mỗi năm, nông dân thu lợi nhuận hơn 300 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều so với cây mía.

Các mô hình chuyển đổi cũng được nông dân ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Hợp tác xã dưa lưới Thuận Phát ở xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp là một thí dụ điển hình.

Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, 20 hộ xã viên của hợp tác xã với diện tích khoảng 4ha, có thể theo dõi quá trình sinh trưởng và phát triển của vườn nhà, dù đang ở bất cứ đâu.

Ông Võ Văn Trưng, Giám đốc hợp tác xã cho biết, từ khi đưa vào ứng dụng công nghệ tưới của Israel, lượng nước tưới giảm, sâu bệnh ít hẳn, giảm được sức lao động của nhà nông. Các hộ trồng xoay vòng nên bình quân từ 7 đến 10 ngày cung cấp ra thị trường 7-8 tấn dưa. Hộ nào chăm sóc kỹ, doanh thu trên 1.000m2 sẽ đạt gần 200 triệu đồng mỗi năm.

Từ nhiều năm qua Kiên Giang quan tâm chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả. Giám đốc Hợp tác xã tôm lúa ấp Yên Lợi, xã Nam Yên, huyện An Biên Võ Văn Lưỡng cho biết, 33 thành viên trong tổ hợp tác giờ đã chuyển 64ha trồng 2 vụ lúa/năm kém hiệu quả sang nuôi một vụ tôm một vụ lúa; trung bình lợi nhuận từ 100 triệu đồng/ha.

Do là địa bàn ven biển nên trước đây, nông dân phải đợi đến tháng 5 khi mưa xuống mới sạ lúa. “Mưa thuận gió hòa” thì ổn. Nhưng có những năm, mưa không đều, nước mặn xâm nhập, lúa chết sạch. Nay thì khác rồi, 1ha sau 3 tháng nuôi tôm là có thể mang lại 50 triệu đồng, kết hợp thả cua sau 6 tháng cũng có thêm 30 triệu đồng nữa. Nếu nuôi tôm được 2 vụ trong năm thì lợi nhuận cao hơn.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, đến nay tỉnh đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa với tổng diện tích hơn 4.544ha. Hầu hết diện tích sau khi chuyển đổi bình quân đạt hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 2,5-4 lần so với trước khi chuyển đổi, lợi nhuận tăng thêm từ các mô hình mà nông dân chuyển đổi từ 15 đến 25 triệu đồng/ha đối với mô hình luân canh; từ 35 đến 45 triệu đồng/ha đối với mô hình chuyên canh. Chuyển đổi sang trồng cây ăn trái giúp tăng thêm lợi nhuận 55-65 triệu đồng/ha cho nông dân...

Đến nay tỉnh đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa với tổng diện tích hơn 4.544ha. Hầu hết diện tích sau khi chuyển đổi bình quân đạt hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 2,5-4 lần so với trước khi chuyển đổi.

Tận dụng, khai thác triệt để tài nguyên đất

Thực tế, vẫn còn không ít diện tích đất sản xuất kém hiệu quả, gây lãng phí tài nguyên đất. Nguyên nhân là do trình độ sản xuất của nông dân đối với loại cây trồng mới chưa được cập nhật; vùng quy hoạch chuyển đổi sản xuất tập trung chưa được quan tâm đầu tư đồng bộ; thị trường cho cây trồng mới, chủ yếu nông dân tự bán cho thương lái; công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch chưa được nông dân, doanh nghiệp quan tâm đầu tư nên đã ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm...

Mỗi gia đình có từ 0,5 công đến vài công đất vườn sau nhà chưa được khai thác triệt để. Ông Võ Văn Tám ở ấp 3, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ (Hậu Giang) chia sẻ: “Là nông dân, đất canh tác được xem là tài sản quý. Lúc còn sức khỏe thì tính toán nuôi trồng đủ thứ, còn bây giờ lớn tuổi rồi, sức khỏe yếu nên 4 công vườn sau nhà gần như bỏ. Ở ấp này, nhiều hoàn cảnh giống như tôi, con cái lớn đi làm xa gửi con, gửi đất vườn cho cha mẹ, hoặc anh, chị em trông coi. Có đất mà không trồng gì cũng tiếc lắm, nhưng biết làm sao!”.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp Trần Văn Tuấn, địa bàn có gần 11.600ha vườn, trong đó vườn tạp, kém hiệu quả chiếm khoảng 7%, chủ yếu là rơi vào những trường hợp gia đình có ít đất, không có điều kiện canh tác mà đi làm ăn xa. Nếu khai thác bằng mô hình trồng rau màu hay chăn nuôi heo rừng, chồn hương... sẽ góp phần tăng giá trị sản xuất nông nghiệp.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang Ngô Minh Long chia sẻ: Tới đây, thông qua các chương trình, đề án, ngành nông nghiệp tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích người dân đẩy mạnh việc chuyển đổi sang các mô hình sản xuất hiệu quả hơn, nhất là mô hình nuôi tôm càng xanh, nuôi cá đồng (cá lóc, cá rô, cá trê vàng) nhằm khai thác diện tích mặt nước; nhân rộng mô hình đa canh, rau màu trên những mảnh vườn nhỏ. Ngành nông nghiệp sẽ làm cầu nối giữa những cá nhân, đơn vị có nhu cầu thuê đất với nông dân-người không có điều kiện canh tác, nhằm khai thác tài nguyên đất.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên cho biết, hiện nay, tỉnh có chính sách ưu tiên kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, liên kết tiêu thụ và chế biến, chế biến sâu để nâng cao giá trị nông sản. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để tiếp tục tái cơ cấu nông nghiệp, tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, khuyến khích, hỗ trợ và nhân rộng chuyển đổi sang mô hình kinh tế hộ, kinh tế tuần hoàn, các mô hình sản xuất thân thiện với môi trường nhằm tận dụng và khai thác triệt để, hiệu quả tài nguyên đất, nâng cao giá trị trên cùng đơn vị diện tích.

Đến năm 2025, Kiên Giang sẽ chuyển đổi 24.886ha đất trồng lúa sang trồng cây hằng năm, cây lâu năm, trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Lê Hữu Toàn

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết, đến năm 2025, Kiên Giang sẽ chuyển đổi 24.886ha đất trồng lúa sang trồng cây hằng năm, cây lâu năm, trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, trong đó, chuyển đổi sang cây hằng năm 6.578ha, trồng cây lâu năm là 4.109ha, trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản 12.888ha.

Để thực hiện các mục tiêu này, địa phương sẽ tiếp tục rà soát công tác quy hoạch tổng thể, quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu phù hợp với điều kiện tự nhiên, đáp ứng được nhu cầu thị trường và tăng hiệu quả sản xuất; tiếp tục mở rộng các hình thức liên kết, tạo điều kiện cho doanh nghiệp kết nối, hợp tác với người sản xuất, tổ hợp tác, hợp tác xã để tiêu thụ sản phẩm...