Chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị cao

Chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả, khó khăn về nguồn nước sang cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn đang được nhiều địa phương quan tâm triển khai thực hiện. Việc chuyển đổi này góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thích ứng với biến đổi khí hậu và tăng thu nhập cho bà con nông dân.
0:00 / 0:00
0:00
Sản xuất rau su su tại tỉnh Vĩnh Phúc.
Sản xuất rau su su tại tỉnh Vĩnh Phúc.

Theo thống kê, trong năm 2023, các địa phương trong cả nước đã thực hiện chuyển đổi hàng trăm nghìn héc-ta đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao. Riêng khu vực Ðồng bằng sông Cửu Long chuyển đổi cây trồng trên đất lúa năm 2023 đạt gần 58 nghìn ha, trong đó cây hằng năm 43,61 nghìn ha, cây ăn quả 8,58 nghìn ha và nuôi trồng thủy sản 5,74 nghìn ha.

Các địa phương khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Ðông Nam Bộ và Tây Nguyên chuyển đổi khoảng 19,8 nghìn ha; trong đó, chuyển đổi sang trồng ngô sinh khối đạt lợi nhuận từ 25 đến 30 triệu đồng/ha; trồng cây thuốc lá lợi nhuận từ 50 đến 60 triệu đồng/ha; trồng khoai lang lợi nhuận từ 170 đến 180 triệu đồng/ha; trồng dưa hấu lợi nhuận từ 200 đến 220 triệu đồng/ha.

Phó Chi cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương) Lê Thái Nghiệp cho biết: "Năm 2023, toàn tỉnh chuyển đổi khoảng 239 ha đất trồng lúa sang cây trồng khác. Theo đánh giá, việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa đã được các địa phương trong tỉnh quan tâm thực hiện, góp phần tăng hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. Ðặc biệt, nhiều đối tượng cây trồng mới, có thị trường tiêu thụ tốt được đưa vào sản xuất mang lại giá trị cao hơn so với trồng lúa. Hơn nữa, qua chuyển đổi đất lúa đã hình thành các vùng sản xuất rau màu và cây ăn quả cho hiệu quả cao hơn gấp 2 đến 3 lần so với trồng lúa, có nơi gấp 3 đến 6 lần. Trong đó, mô hình chuyển đổi sang trồng ổi tại các huyện Bình Giang, Ninh Giang, Kim Thành cho giá trị cao từ 380 đến 450 triệu đồng/ha; chuyển sang trồng dưa hấu, dưa lê, rau vụ đông tại các huyện Nam Sách, Gia Lộc cho thu nhập từ 500-550 triệu đồng/ha, gấp 5 đến 6 lần so với trồng lúa".

Tuy nhiên, việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa ở các địa phương hiện nay còn nhiều bất cập cần khắc phục; trong đó, ở một số diện tích chuyển đổi, nông dân sử dụng nguồn giống có chất lượng chưa đạt yêu cầu; khi chuyển đổi sang cây ăn quả, bà con nông dân chưa nắm vững kỹ thuật canh tác, thiếu kiến thức và phương tiện, trang thiết bị dẫn đến chất lượng sản phẩm chưa cao.

Một số nơi, nông dân trồng mật độ dày, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhiều, quá liều lượng… dẫn đến sản phẩm không bảo đảm an toàn, ô nhiễm môi trường đất. Hơn nữa, việc tổ chức sản xuất chưa theo quy hoạch và định hướng của địa phương, còn mang tính tự phát, phổ biến là hình thức thuê đất của nông dân trồng lúa để trồng cây cam; sự liên kết giữa sản xuất và thu mua để tiêu thụ sản phẩm còn lỏng lẻo cho nên giá cả bấp bênh, chưa ổn định; các địa phương chưa hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi gắn với thời vụ, vùng chuyển đổi, cây trồng, tiêu thụ sản phẩm; một số cây trồng khi chuyển đổi sức cạnh tranh kém, đầu ra chưa bảo đảm…

Tại tỉnh Quảng Ngãi diện tích chuyển đổi trên đất lúa năm 2023 là hơn 841 ha. Một số cây trồng được chuyển đổi đã mang lại hiệu quả cao như: Trồng ngô sinh khối ở các huyện Mộ Ðức và Nghĩa Hành có liên kết bao tiêu sản phẩm cho thu nhập cao hơn trồng lúa từ 24,8 đến 28 triệu đồng/ha; chuyển sang trồng rau các loại ở thành phố Quảng Ngãi và hai huyện Bình Sơn, Mộ Ðức từ 15 đến 78,6 triệu đồng/ha… Mặc dù vậy, việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa cũng đang gặp nhiều khó khăn do hệ thống tưới nước phục vụ sản xuất ở một số vùng miền núi và kỹ thuật canh tác của bà con nông dân còn hạn chế, cho nên chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao; diện tích đất lúa thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng thường manh mún, nhỏ lẻ, thiếu nước tưới cuối vụ; quá trình chuyển đổi cây trồng thiếu sự liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm...

Cục trưởng Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Như Cường cho rằng: "Ðể việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa đạt hiệu quả tốt, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, vận động và phổ biến rộng rãi về mục đích, ý nghĩa, hiệu quả của việc chuyển đổi để thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay; lựa chọn giống có năng suất và chất lượng cao, phù hợp với điều kiện của từng tiểu vùng sinh thái, khả năng chống chịu được sâu bệnh tốt; tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật từng loại cây trồng chuyển đổi cho bà con nông dân ứng dụng nhằm tăng hiệu quả sản xuất; lồng ghép các chương trình, dự án để thực hiện các mô hình trình diễn hiệu quả nhằm giúp các hộ dân học hỏi, áp dụng; kết nối và mời gọi các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, cung ứng giống tốt và bao tiêu sản phẩm ổn định cho nông dân sản xuất".

Cùng với đó, các địa phương cần xác định các ngành hàng, sản phẩm chủ lực, từ đó làm căn cứ định hướng quy hoạch chuyển đổi cho phù hợp; đồng thời, thực hiện rà soát quy hoạch, bảo đảm chuyển đổi cây trồng theo hướng sản xuất tập trung theo từng vùng, từng cánh đồng tạo thuận lợi về hướng dẫn kỹ thuật, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho bà con nông dân; gắn việc chuyển đổi cây trồng với các giải pháp ứng dụng cơ giới hóa, liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; lựa chọn cây trồng phù hợp mùa vụ, thị trường và khẳng định được tính hiệu quả hơn hẳn sản xuất lúa để nông dân yên tâm sản xuất.

Mặt khác, để đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất, các địa phương phía bắc có thể áp dụng một số mô hình chuyển đổi như: Ngô, lạc xuân-lúa mùa sớm-cây vụ đông; lạc xuân-lúa mùa sớm-cây vụ đông; lạc, đậu tương xuân-rau màu vụ hè thu-cây vụ đông…