Chuyển đổi cơ cấu cây trồng ứng phó biến đổi khí hậu

Thời gian qua, biến đổi khí hậu đã tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp ở nhiều địa phương, nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực miền trung... Tình trạng này đã gây hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước... ảnh hưởng không nhỏ đến nông dân.
Nông dân xã Bình Nhì, huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) chuyển đổi thành công từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu.
Nông dân xã Bình Nhì, huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) chuyển đổi thành công từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu.

Trên thực tế, các bộ, ngành, địa phương, người dân đã thực hiện nhiều giải pháp ứng phó, trong đó có việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác, vừa thích ứng biến đổi khí hậu, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tăng thu nhập cho người dân

Những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang đã tập trung chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu và cây ăn quả để thích ứng với biến đổi khí hậu và nâng cao thu nhập cho nông dân tại các vùng khó khăn, ven biển như Gò Công Tây, Gò Công Đông, Tân Phú Đông và thành phố Gò Công. Trong đó, Đề án cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng ở các địa phương phía đông của tỉnh đến năm 2025 được triển khai từ năm 2016 đến năm 2025. Từ đề án này, hàng nghìn ha lúa đã được chuyển đổi sang trồng rau màu, cây ăn quả mang lại hiệu quả tích cực.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang, để phát huy tiềm năng và thế mạnh cây rau màu trong tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu, các địa phương phía đông đã quan tâm tổ chức lại sản xuất theo hướng chuyển đất trồng lúa ở những địa bàn khó khăn, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn sang trồng rau màu. Các địa phương thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác chuyên canh rau màu gắn với chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp cho nông dân, nhân rộng mô hình trồng rau màu theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc trồng rau an toàn nhằm bảo vệ sức khỏe và môi trường cũng như tăng sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa trên thị trường.

Đến nay, các huyện, thành phố phía đông của tỉnh đã thành lập được hàng chục hợp tác xã chuyên canh rau, thu hút hàng nghìn thành viên các vùng chuyên canh rau. Điển hình như: Hợp tác xã rau an toàn Thạnh Hưng (Gò Công Tây), Hợp tác xã nông nghiệp thương mại dịch vụ Phú Quới (Gò Công Tây), Hợp tác xã nông nghiệp tổng hợp Hòa Thạnh (Gò Công Tây), Hợp tác xã rau an toàn Bình Nghị (Gò Công Đông)...

Mô hình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác tại tỉnh Tiền Giang đã giúp nhiều hộ dân có thu nhập tốt. Điển hình như gia đình ông Nguyễn Minh Thuận, ấp Bình Đông Trung, xã Bình Nhì, huyện Gò Công Tây chuyển đổi 0,4 ha lúa kém hiệu quả sang trồng chuyên canh dưa hấu và ngô được hơn 5 năm nay. Mỗi năm, gia đình ông xoay vòng trồng khoảng bốn vụ (hai vụ dưa hấu, hai vụ ngô), lợi nhuận đạt 175 triệu đồng/năm, cao gấp 3 đến 4 lần trồng lúa. Ông Thuận tâm sự: “Trước đây, thu nhập từ việc trồng lúa rất bấp bênh bởi khi mùa khô đến gặp khó khăn về nguồn nước phục vụ sản xuất. Từ khi gia đình tôi chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng hoa màu mặc dù tốn nhiều công chăm sóc hơn nhưng hiệu quả mang lại cao cho nên gia đình có cuộc sống ổn định hơn”.

Bà Nguyễn Thị Hồng Tươi, ấp 4, xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông chuyển đổi 0,6 ha đất lúa sang chuyên canh rau màu. Mỗi năm, gia đình bà xoay vòng trồng khoảng mười vụ, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận khoảng 230 triệu đồng, cao gấp năm lần trồng lúa. Bà Tươi cho biết: “So với trồng lúa, canh tác rau màu đòi hỏi kỹ thuật cao hơn, chi phí đầu tư nhiều... nhưng bù lại lợi nhuận cao hơn nhiều lần trồng lúa. Nhờ chuyển đổi này, gia đình tôi dần khá lên, các con được ăn học đến nơi, đến chốn”.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận Đặng Kim Cương: “Với mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu và tạo ra giá trị gia tăng tối ưu trên cùng một diện tích canh tác, tỉnh đang đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng; tập trung vốn đầu tư cho nông nghiệp; quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu hàng hóa; chú trọng liên kết “bốn nhà” nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp theo chuỗi giá trị sản xuất bền vững, hướng đến nhân rộng những vùng sản xuất tập trung”.

Tại huyện Ninh Hải đang triển khai nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thích ứng với biến đổi khí hậu, qua đó góp phần khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, nâng cao giá trị sản xuất và tăng thu nhập cho người dân. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Hải Trần Hữu Nhân chia sẻ: “Xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng là hướng đi bền vững, góp phần mang lại nguồn kinh tế ổn định cho nông dân, huyện Ninh Hải đã quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng giảm diện tích trồng lúa, hạn chế tối đa sản xuất lúa ba vụ/năm tại những nơi không thuận lợi để chuyển sang trồng mít, xoài, táo, dưa hoàng kim, dưa hấu… đem lại hiệu quả kinh tế cao”.

Cách đây ba năm, gia đình ông Nguyễn Văn Chục, thôn Phương Cựu 3, xã Phương Hải, huyện Ninh Hải chuyển đổi hơn bốn sào đất lúa kém hiệu quả sang trồng dưa hấu, dưa hoàng kim, dưa leo mang lại thu nhập cao. Ông Chục bộc bạch: “Khi canh tác lúa phụ thuộc nhiều vào nguồn nước tự nhiên, năm nào thời tiết thuận lợi thì sản xuất được hai vụ, không thì chỉ sản xuất được một vụ/năm nhưng năng suất lúa cao nhất cũng chỉ khoảng 8 tạ/sào. Còn trồng hai vụ/năm các loại dưa và mướp đắng do phù hợp với thổ nhưỡng, sử dụng nước tưới ít mà năng suất cao, lãi cao gấp đôi so với trồng lúa cho nên mỗi năm gia đình thu nhập hơn 100 triệu đồng”.

Lựa chọn cây trồng có thế mạnh, năng suất, chất lượng tốt

Theo thống kê, những năm qua các địa phương trên địa bàn cả nước đã chuyển đổi hàng nghìn ha đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn giúp người dân tăng thu nhập. Riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, năm 2024 ước chuyển đổi cây trồng trên đất lúa là 24.629 ha, trong đó chuyển đổi sang cây hằng năm là 20.084 ha, cây ăn quả là 4.256 ha và kết hợp nuôi trồng thủy sản 289 ha. Mặc dù chuyển đổi cơ cấu cây trồng có những kết quả tốt nhưng theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ở một số nơi việc chuyển đổi còn mang tính tự phát, chưa theo quy hoạch; việc chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả vốn đầu tư lớn; liên kết sản xuất vùng chuyển đổi còn lỏng lẻo khiến đầu ra cho sản phẩm chưa ổn định, ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân. Nhất là hiện nay, một số cây trồng có giá trị kinh tế cao khiến nông dân một số địa phương ồ ạt chuyển sang trồng dẫn đến nguy cơ cung vượt cầu…

Chi cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang Võ Văn Men cho rằng: “Sau khi một số loại cây ăn quả như sầu riêng, mít tăng giá cao, người dân ở các huyện phía tây của tỉnh đã ồ ạt chuyển đổi đất lúa sang trồng, trong đó nhiều diện tích nằm ngoài quy hoạch phát triển của địa phương. Việc chuyển đổi ngoài quy hoạch khiến hiệu quả mang lại không cao do thổ nhưỡng không phù hợp. Ngoài ra, người dân chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc trồng sầu riêng và nguồn vốn đầu tư lớn, dài hạn nên rủi ro có thể xảy ra… Mặt khác, sau khi thực hiện chủ trương chuyển đổi đất lúa sang trồng cây ăn quả, rau màu nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu ở các địa phương phía đông có được lợi nhuận cao, người dân đã chuyển đổi diện tích khá lớn và nguy cơ cung vượt cầu cao”.

Để chuyển đổi cơ cấu cây trồng ứng phó với biến đổi khí hậu mang lại hiệu quả tốt hơn giúp tăng hiệu quả sử dụng đất, nâng cao giá trị canh tác cho nông dân, thời gian tới các bộ, ngành, địa phương cần tập trung chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả sang các loại cây trồng hàng hóa có thế mạnh, thích ứng với biến đổi khí hậu; lưu ý việc chuyển đổi cần được thực hiện bài bản, khoa học, tuân thủ quy hoạch, không mang tính tự phát; chuyển đổi cơ cấu cây trồng cần phù hợp với nhu cầu thị trường. Trong chuyển đổi cần lựa chọn những giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao phù hợp với từng vùng, từng địa phương và có khả năng chống chịu tốt với các điều kiện bất lợi của thời tiết để phát triển chuỗi giá trị nông sản có giá trị gia tăng cao.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận Đặng Kim Cương cho biết: “Từ nay đến năm 2025, tỉnh đặt mục tiêu chuyển đổi khoảng 3.200 ha diện tích cây trồng, trong đó có 1.525 ha từ đất lúa sản xuất kém hiệu quả sang cây trồng khác, ưu tiên các loại cây trồng có khả năng chịu khô hạn, giá trị kinh tế cao như: nho, táo, măng tây xanh, bưởi, mãng cầu, chuối, sầu riêng, xoài... Cùng với đó, tăng cường áp dụng kỹ thuật trồng trọt mới như xen canh cây họ đậu với cây ăn trái, cây dài ngày để tạo thảm thực vật giữ ẩm, cải tạo độ phì nhiêu của đất; sử dụng công nghệ nhà màng, bao lưới để phòng ngừa dịch hại nguy hiểm giúp tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm thu hoạch”.

Ngành nông nghiệp sẽ tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục có thêm các chính sách, huy động các nguồn lực từ các chương trình, dự án hỗ trợ nông dân tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng; xây dựng kết cấu hạ tầng, thương hiệu nông sản chủ lực gắn phát triển sản xuất nông nghiệp với chế biến sâu tạo sản phẩm hàng hóa phong phú, từ đó nâng cao giá trị gia tăng.

Để nâng cao hiệu quả chuyển đổi cây trồng, tỉnh cũng đề nghị các ngành chuyên môn tăng cường mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học-kỹ thuật về trồng trọt, bảo vệ thực vật; tổ chức hội nghị đầu bờ, hội thảo hướng dẫn sản xuất cho bà con nông dân; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa các hộ dân, trang trại, hợp tác xã với các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị; kết hợp phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp.

Về vấn đề này, theo Chi cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang Võ Văn Men, thời gian tới tỉnh tiếp tục rà soát lại diện tích canh tác, định hướng phát triển cây trồng phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương; việc mở rộng diện tích chuyển đổi phải theo hướng tập trung, bảo đảm về hạ tầng kỹ thuật như: thủy lợi, giao thông, điện.