Chuyển dần từ chăn thả sang chăn nuôi chuồng trại

Trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum) đã và đang tập trung huy động nhiều nguồn lực nhằm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển chăn nuôi quy mô hộ gia đình.
0:00 / 0:00
0:00
Phát triển chăn nuôi dê nhốt chuồng tại xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà.
Phát triển chăn nuôi dê nhốt chuồng tại xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà.

Giữa bạt ngàn cà-phê, bạch đàn cự vỹ tại thôn Kon Pông, xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà, mô hình kinh tế vườn của gia đình chị Y Lia (dân tộc Xê-đăng) với hàng chục con bò, dê tạo nên màu sắc tươi mới cho cả ngôi làng. Nhìn cơ ngơi của gia đình, ít ai nghĩ rằng chỉ ba năm về trước, chị Lia vẫn còn là hộ nghèo.

Năm 2018, chị Y Lia được Hội Phụ nữ xã Đăk Ui tín chấp cho vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đăk Hà, với mức lãi suất ưu đãi. Với nguồn vốn này, gia đình chị bắt tay vào khởi nghiệp với mô hình chăn nuôi bò sinh sản.

Sau ba năm, không những trả được nguồn vốn vay, chủ động xin thoát khỏi hộ nghèo, chị còn dành dụm xây được ngôi nhà mới, mua thêm máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Với tổng diện tích tự nhiên hơn 9.500ha, xã Đăk Ui có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi gia súc, đại gia súc. Xã đã tuyên truyền người dân tham gia các lớp dạy nghề, tập huấn về chăn nuôi, phòng, chống dịch, bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.

Theo Chủ tịch UBND xã Đăk Ui Đinh Thư, từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, người dân trên địa bàn đã vay hơn 54,6 tỷ đồng để đầu tư làm chuồng trại, phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững.

Nhờ đó, nâng tổng đàn gia súc toàn xã lên hơn 3.300 con và gần 20 nghìn con gia cầm. "Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số từ việc phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, với mức thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Qua đó, góp phần xây dựng xã đạt tất cả 19 tiêu chí nông thôn mới", ông Đinh Thư cho hay.

Một tấm gương trong phát triển chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo bền vững, được người dân đến tìm hiểu, học tập kinh nghiệm là gia đình anh A Bình, thôn Đăk Rơ Wang, xã Đăk Pxi.

Trước đây, do thiếu kiến thức làm ăn, hai vợ chồng quanh năm chỉ quanh quẩn với mấy sào rẫy để trồng sắn, cho thu nhập rất bấp bênh. Thời gian nhàn rỗi, hai vợ chồng đi làm thuê, nhưng công việc không đều đặn, cho nên nhiều năm sau khi tách hộ lập vườn, gia đình vẫn thuộc diện hộ nghèo.

Năm 2019, sau khi tham gia lớp đào tạo nghề nuôi lợn sọc dưa, gia đình anh mạnh dạn vay 10 triệu đồng từ quỹ sinh kế của thôn để đầu tư con giống, tận dụng đất trống trong vườn để trồng cỏ voi, cây lá đắng làm thức ăn cho lợn.

Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm thực tế, đàn lợn của gia đình phát triển khỏe mạnh và sớm sinh sôi.

Từ những con lợn thịt bán ra thị trường, anh đã trả hết tiền vốn vay cho thôn và có nguồn vốn để tái đầu tư, làm chuồng trại và mua thêm bò giống. Cuối năm 2022, anh chủ động làm đơn xin thoát khỏi hộ nghèo.

Những năm gần đây, huyện Đăk Hà chú trọng hoàn thiện hạ tầng, đầu tư các hợp phần phát triển sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số qua các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn... để khuyến khích các hộ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, định hướng phát triển mô hình trang trại tập trung.

Xã đặc biệt khó khăn Đăk Pxi, huyện Đăk Hà, thời gian qua, đã huy động nhiều nguồn lực tại chỗ gắn với thu hút đầu tư từ bên ngoài, để phát triển chăn nuôi gia súc theo hình thức chuồng trại kết hợp chăn thả.

Đến nay, xã phát triển được tổng đàn gia súc hơn 2.500 con. Các sản phẩm từ chăn nuôi, như dê cỏ, heo sọc dưa hiện nay được người tiêu dùng ưa chuộng, đặt hàng với giá thành cao, ổn định.

"Về lâu dài, chúng tôi sẽ vận động các hộ, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia thành lập mới các hợp tác xã, tổ hợp tác chăn nuôi, từ đó bảo đảm ổn định nguồn cung ứng từ con giống, vừa cung cấp các sản phẩm sạch và tạo mối liên kết với các hệ thống siêu thị, từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm cho địa phương", Chủ tịch UBND xã Đăk Pxi Trần Phước Tuấn cho biết.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Hà, với những chính sách đầu tư hợp lý, đến nay, huyện đã phát triển được tổng đàn gia súc gần 30 nghìn con; thu hút đầu tư sáu dự án, tám trang trại chăn nuôi quy mô lớn và vừa, như liên kết chăn nuôi lợn thịt, bò lai Sind, bò vàng, lợn York Shine, Duroc; mô hình nuôi thỏ New Zealand tại xã Đăk Ui, Đăk Pxi; nuôi gà Lương phượng, gà Hyhe, vịt Anh đào, vịt Krambell và các giống thủy sản, như cá chình, chép lai 3 dòng, diêu hồng, cá tầm, cá chẽm…

Chăn nuôi trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có chuyển biến rõ nét theo hướng chuyển dần từ chăn thả sang chăn nuôi có chuồng trại kiên cố, hợp vệ sinh. Từ quy mô nhỏ lẻ hộ gia đình sang hình thức tập trung, liên kết và ứng dụng công nghệ cao.

"Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững; tăng cường chuỗi liên kết sản xuất-chế biến-tiêu thụ, tạo ra những sản phẩm đặc trưng, có sức cạnh tranh cao; kết nối với các nhà phân phối đưa sản phẩm địa phương đến các chuỗi siêu thị, sàn thương mại điện tử, bảo đảm đầu ra và nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi", Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Hà Ngô Hồng Hưng cho biết.

Cùng với sự quan tâm đầu tư về hạ tầng, việc huy động hiệu quả nhiều nguồn lực đầu tư để phát triển chăn nuôi, đã góp phần đáng kể vào việc thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp của người dân tộc thiểu số.

Qua đó, khai thác được các tiềm năng, thế mạnh của địa phương để mở ra hướng sản xuất mới với năng suất, hiệu quả kinh tế cao hơn, góp phần quan trọng vào quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp-nông thôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.