Ở Vĩnh Linh dọc theo dòng sông Bến Hải, những bến đò A ở Cửa Tùng, bến đò B làng Tùng Luật, bến Lũy, bến Thượng Đông, bến Dục Đức ở Vĩnh Sơn trên sông Bến Hải…. những cái tên rất đỗi bình dị mà làm nên bao kỳ tích. Các ông bà Nguyễn Xuân Lý, Trương Văn Lập và Hoàng Thị Quyên, là ba trong số những con người thầm lặng mà vô cùng dũng cảm đã ngày đêm không quản ngại đạn bom, nắng mưa, đưa từng đơn vị bộ đội âm thầm vượt sông chi viện cho tiền tuyến những năm 1968-1972.
Ông Nguyễn Xuân Lý nguyên là đại đội trưởng dân quân xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, còn hai ông bà Trương Văn Lập và Hoàng Thị Quyên là thành viên của đội dân quân. Ông Lý kể, ngày đó, công tác bảo đảm bí mật cho bộ đội ta là vô cùng quan trọng, bến đò phải ngụy trang thật kỹ bằng cành cây, củi khô, luôn luôn phải dùng lá xóa dấu vết, nếu không sẽ nhanh chóng bị máy bay do thám của địch phát hiện, chụp ảnh để quay lại đánh bom. Ông Trương Văn Lập chia sẻ: “Hồi đó chúng tôi bắt đầu chèo đò qua sông từ 4-5 giờ sáng, mỗi người chèo đò đều phải là những người lính gan dạ, dũng cảm, chắc tay súng, vững tay chèo. Mỗi chuyến chở từ 50-60 người, từ hai chiếc thuyền ghép lại. Sau khi hoàn thành một buổi đưa bộ đội sang bờ nam, chiếc thuyền phải được gấp lại và giấu kín dưới sông”.
Những chuyến đò như vậy luôn đối diện với hiểm nguy, cả về thiên nhiên lẫn con người. Ông Nguyễn Xuân Lý kể, có lần đại đội dân quân của ông đưa trót lọt 20 lần thuyền vượt sông an toàn, nhưng đến chuyến thứ 21 chở đơn vị cuối cùng qua sông thì gặp phải bom từ trường: “56 người trên thuyền bị bắn ra tứ phía, hầu hết thương vong. Các thuyền đi trước lập tức quay lại cứu được 50 đồng chí, còn lại sáu đồng chí đã vĩnh viễn ra đi”. Trong chiến tranh, tránh được thương vong vô cùng khó, việc quan trọng là xử lý thật nhanh mọi việc để tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ. Ông Lập tiếp lời ông Lý: “Chúng tôi ngay sau khi chôn cất các đồng đội phải trở lại bến ngay lập tức để tiếp tục đưa bộ đội sang sông”.
Những chuyến đò như vậy cũng đã dệt nên mối tơ duyên giữa những người đồng chí, đồng đội. Bà Hoàng Thị Quyên bén duyên ông Trương Văn Lập cũng từ những tháng ngày bên nhau như vậy. Bà kể: “Tôi và ông ấy cùng đại đội với nhau, có những hôm thấy áo của ông ấy rách quá, tôi bèn đem về vá lại cho, từ đó đem lòng thương yêu nhau. Vì điều kiện chiến tranh, cho nên chúng tôi về ở với nhau chỉ báo cáo tổ chức chứ không làm đám cưới”.
Trong suốt những năm tháng chiến tranh, không biết bao nhiêu người lính đã ngồi trên những chuyến đò của các ông, bà. Không biết những ai còn trở lại… Nhưng một điều mà cả ông Lý, ông Lập, bà Quyên đều không ngờ đến, là sau hơn 40 năm, họ lại gặp một người lính từng vào nam qua bến sông ấy, ngay bên bờ con sông Bến Hải này, trong chương trình "Quảng Trị - Ký ức những dòng sông". Đó là ông Hồ Hữu Lạn, năm nay đã 77 tuổi, đại tá quân đội, hiện đang sống tại thành phố Vinh, Nghệ An. Cuộc trùng phùng bất ngờ khiến những người đồng đội năm xưa chỉ có thể nắm tay nhau trong xúc động mà không nói nên lời. Ông Hồ Hữu Lạn nói trong cảm động: “Tôi luôn luôn muốn găp lại những người đồng chí, đồng đội đã giúp mình hoàn thành nhiệm vụ ngày ấy. Tôi không bao giờ quên công lao của các đồng chí. Trong các dòng sông, Bến Hải là dòng sông huyền thoại nhất, dũng cảm nhất đối với tôi”.
Chiến tranh đã lùi xa, những người dân quân chèo đò năm ấy trở lại là những người nông dân chất phác gắn bó với mảnh đất Quảng Trị nắng dãi mưa dầu đầy vất vả. Nhưng những gì mà họ mong muốn nhiều nhất, không phải cho riêng mình, mà là cho những người đồng đội còn gặp nhiều khó khăn. Như lời của ông Trương Văn Lập: “Nếu được, tôi muốn xin cho những người đồng đội của tôi được hưởng chế độ…”