Nguyên nhân là cả phường Hoàng Liệt chỉ có một trường mầm non công lập, năm học 2022-2023, UBND quận Hoàng Mai đã phê duyệt 559 chỉ tiêu tuyển sinh cho cả 3 lứa tuổi mầm non trên địa bàn phường. Tuy nhiên, tổng hồ sơ đăng ký là gần 1.000 trường hợp, trong đó ưu tiên 226 cháu 5 tuổi; còn các cháu 3, 4 tuổi, trường chỉ có khả năng đáp ứng 333 trong số 713 trẻ đăng ký.
Như vậy, 380 cháu không được vào trường. Sau những cuộc họp giữa nhà trường với phụ huynh, các bên thống nhất tổ chức cho các vị phụ huynh bốc thăm để giải quyết tình cảnh này.
“Bốc thăm” xin học là chuyện gần như chưa có tiền lệ, nhưng lại là chuyện đã được dự báo từ rất sớm. Những năm gần đây, Hà Nội ngày càng có nhiều “siêu phường” do sự phát triển nhanh chóng của những khu đô thị, những tòa chung cư chọc trời. Những phường có số dân lên tới 70 nghìn hay 80 nghìn người không phải là hiếm. Phường Hoàng Liệt được thành lập cách đây gần 19 năm. Trước khi lên phường, Hoàng Liệt là một xã thuộc huyện Thanh Trì, có gần 14 nghìn người dân.
Hiện tại, dân số phường Hoàng Liệt đạt hơn 80 nghìn người, là một trong những phường đông dân nhất cả nước. Cách đây khoảng 10 năm, vấn đề quá tải hạ tầng tại địa bàn này đã được đặt ra. Tốc độ xây dựng các công trình hạ tầng giao thông, trường học, bệnh viện… không thể theo kịp với tốc độ tăng dân số. Tình trạng quá tải tồn tại từ năm này sang năm khác, còn việc giải quyết hết sức chậm chạp.
Việc học sinh phải bốc thăm xin học là hệ lụy tất yếu. Chúng ta đều biết, có sự chênh lệch không nhỏ giữa chi phí học trường công lập và tư thục, hay các nhóm trẻ mầm non. Chi phí ấy sẽ đè nặng lên nhiều gia đình kinh tế không khá giả. Nhìn vào cảnh bốc thăm, nhiều người ngao ngán nhắc lại chuyện cũ, khi Khu đô thị Linh Đàm (phường Hoàng Liệt) chính là khu đô thị “kiểu mẫu” của Hà Nội.
Câu chuyện tại phường Hoàng Liệt phản ánh một bức tranh rộng lớn hơn tại không ít địa bàn thuộc thành phố Hà Nội. Việc quản lý quy hoạch yếu kém, hoặc điều chỉnh quy hoạch khiến những “rừng cao ốc” mọc lên dày đặc, phá vỡ quy hoạch gốc. Bên cạnh đó, các chủ đầu tư rất mau lẹ trong việc xây cao ốc để bán căn hộ, nhưng lại ì ạch trong xây dựng hạ tầng xã hội đi kèm.
Chưa kể, nhiều khu vực, vốn được quy hoạch để xây trường học, lại được chuyển đổi mục đích thành xây dựng nhà ở thương mại.
Việc bốc thăm xin học ở phường Hoàng Liệt và câu chuyện tương tự như thế rất dễ lặp lại, không chỉ tại Hoàng Liệt, mà còn ở những địa bàn khác, khi hạ tầng không theo kịp sự gia tăng của số dân. Để giải quyết tình trạng trên, không gì khác hơn là các cơ quan chức năng phải siết chặt việc quản lý quy hoạch; quản lý, giám sát nghiêm việc xây dựng hạ tầng nói chung, hạ tầng xã hội nói riêng tại các khu đô thị mới; ngăn chặn lợi ích nhóm “núp” dưới hình thức điều chỉnh quy hoạch; tăng cường công tác quản lý quy mô dân số, mật độ dân số để không phát sinh những “siêu phường”, “siêu quận”. Hệ thống pháp luật liên quan vấn đề quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng hiện nay đã khá đồng bộ và chặt chẽ. Vấn đề còn lại chính là nhân tố con người.