Chuyển biến từ vùng trồng sầu riêng xuất khẩu

Trước đây, cơ quan chuyên môn ít nhiều đã lơ là trong việc cấp và quản lý mã số vùng trồng, mã số đóng gói sầu riêng xuất khẩu. Từ đó, một số lô hàng có sản phẩm không đạt theo yêu cầu của nước nhập khẩu và bị trả về; không xuất khẩu được, giá sầu riêng liên tục giảm sâu và ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của người nông dân cũng như lợi nhuận của người kinh doanh.
0:00 / 0:00
0:00
Thương lái tuyển lựa sầu riêng tại vườn của bà Nguyễn Thị Hoa, xã Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang để xuất khẩu.
Thương lái tuyển lựa sầu riêng tại vườn của bà Nguyễn Thị Hoa, xã Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang để xuất khẩu.

Sau thời gian tích cực vào cuộc của các ngành chức năng, việc trồng và chế biến sầu riêng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã chuyển biến theo hướng tích cực, quy trình thực hiện chặt chẽ hơn nhằm đáp ứng yêu cầu của đối tác.

Chuyển biến từ cơ sở

Vừa bán xong 0,8 ha sầu riêng Monthong (giống Thái), bảy tấn trái, với giá 90.000 đồng/kg (loại xô), bà Nguyễn Thị Hoa, ngụ xã Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy vui mừng chia sẻ: “Sau khi sầu riêng cho quả được khoảng 1 kg, thị trường giảm giá mạnh, đầu ra khó khăn do phía nhập khẩu kiểm soát chặt chẽ chất vàng O và nhiễm Cadimi, gia đình rất lo lắng. Bởi, chúng tôi đã đầu tư hàng tỷ đồng để canh tác vườn này và đây là vụ mùa cho quả đầu tiên”.

Bởi vậy, bà Hoa đã mời cán bộ kỹ thuật coi vườn và đại lý cung cấp vật tư nông nghiệp ngồi lại với nhau để cùng kiểm tra hết quy trình canh tác cũng như chất lượng từng loại sản phẩm vật tư nông nghiệp mà đại lý đã cung cấp. Sau khi rà soát, tất cả các khâu đều bảo đảm.

Để chắc chắn hơn, khi quả sầu riêng còn khoảng 20 ngày tuổi thu hoạch, gia đình bà đã lấy mẫu gửi đi kiểm nghiệm Cadimi trên quả sầu riêng thì cho kết quả không có nên tiến hành bán cho doanh nghiệp xuất khẩu. Ngoài ra, từ khi trồng đến thu hoạch, gia đình bà Hoa mua loại phân nào, thuốc gì, phun ngày mấy, liều lượng bao nhiêu đều được ghi vào nhật ký sản xuất rất kỹ để sau này dễ dàng truy xuất nguồn gốc.

Chính quy trình canh tác được thực hiện chặt chẽ, đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu, giá sầu riêng của bà Hoa được doanh nghiệp mua cao hơn thị trường 5.000-10.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí từ lúc xử lý trái đến thu hoạch, gia đình bà lãi khoảng 300 triệu đồng, một con số khá cao ở thời điểm này.

Gần ba tháng qua, việc quản lý sản xuất chặt chẽ không chỉ diễn ra tại nhà vườn trồng sầu riêng mà giới thu mua cũng kiểm tra nghiêm ngặt hơn từng quả sầu riêng ngay tại vườn trước khi thu mua để xuất khẩu.

Trong hợp đồng, doanh nghiệp yêu cầu rất khắt khe với nhà vườn: Quả sầu riêng đến ngày thu hoạch nhưng ruột chưa bảo đảm độ chín vàng, ngọt; dính thuốc bảo vệ thực vật, sâu rầy bám vào vỏ quả thì phải kéo dài thêm thời gian cho đến khi đáp ứng được các tiêu chuẩn ghi trong hợp đồng thì mới tiến hành thu mua.

Ông Võ Thái Hòa, đại diện cho Công ty thu mua sầu riêng V.H, ngụ xã Tam Bình, huyện Cai Lậy thu mua sầu riêng tại xã Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy cho biết: Doanh nghiệp chúng tôi xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc nhiều năm nay. Trước đây, việc xuất khẩu sầu riêng được đối tác tạo điều kiện thuận lợi.

Khi hút hàng, doanh nghiệp có thể yêu cầu nhà vườn thu hoạch sớm hơn cho đủ sản lượng, rồi về xử lý các chất chín quả để kịp thời gian giao hàng cho phía nhập khẩu. Tuy nhiên gần đây, phía nhập khẩu đã kiểm soát chặt chẽ chất vàng O và Cadimi trên quả sầu riêng nên việc thu mua cũng được chúng tôi kiểm soát chặt chẽ hơn nhằm đáp ứng được yêu cầu của đối tác.

Việc thay đổi tư duy từ canh tác đến chế biến xuất khẩu quả sầu riêng nói riêng và nông sản nói chung theo hướng an toàn đang được thực hiện một cách nghiêm túc, có tính hệ thống sẽ giúp nền nông nghiệp của Việt Nam nâng cao được giá trị và có tính bền vững.

Tiếp tục quản lý chặt chẽ

Tiền Giang có diện tích trồng sầu riêng hơn 24.500 ha, sản lượng đạt khoảng 458.000 tấn và được cấp 155 mã số vùng trồng, với diện tích gần 7.000 ha; 66 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng xuất sang thị trường Trung Quốc; kim ngạch xuất khẩu sầu riêng trong năm 2024 của tỉnh đạt 93,38 triệu USD.

Sau khi phía nhập khẩu sầu riêng cảnh báo một số mã số vùng trồng, mã số đóng gói của Tiền Giang không bảo đảm, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã trực tiếp làm việc với lãnh đạo tỉnh nhằm phân tích nguyên nhân, giải pháp khắc phục trong thời gian sớm nhất.

Ngay sau đó, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã thành lập hai tổ liên ngành kiểm tra thường xuyên và bất ngờ các cơ sở đóng gói, các doanh nghiệp thu mua sầu riêng trên địa bàn về điều kiện kinh doanh, chất lượng sản phẩm... Bước đầu, các doanh nghiệp này thực hiện khá tốt và đủ điều kiện để xuất khẩu sầu riêng.

Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh cũng chỉ đạo các ngành chuyên môn xuống tận nhà vườn trồng sầu riêng để trực tiếp kiểm tra, lấy mẫu đất, mẫu phân và thuốc kiểm nghiệm. Đồng thời, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang mời nông dân trồng sầu riêng đến phổ biến các quy định liên quan vùng trồng, cơ sở đóng gói và đề xuất giải pháp an toàn thực phẩm, bảo đảm chất lượng trái cây tươi xuất khẩu; quy định của nước nhập khẩu sầu riêng, quy trình thâm canh tổng hợp…

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Võ Văn Men cho biết: Đến nay, việc trồng và chế biến sầu riêng xuất khẩu có nhiều chuyển biến tích cực. Nông dân dần quen với quy trình canh tác theo hướng an toàn, bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu. Các cơ sở, doanh nghiệp thu mua cũng chú trọng vào những tiêu chí mà nước nhập khẩu đã yêu cầu.

Thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang sẽ tiếp tục phối hợp cơ quan công an, quản lý thị trường, các địa phương… tiếp tục kiểm tra, giám sát các vùng trồng sầu riêng được cấp mã số, các cơ sở đóng gói xuất khẩu được cấp mã số nói riêng và các loại cây ăn quả nói chung để sản phẩm nông sản, trong đó có sầu riêng được sản xuất theo quy trình canh tác an toàn, sản phẩm xuất khẩu đạt chất lượng theo yêu cầu của đơn vị nhập khẩu. Từ đó, chất lượng, uy tín của các loại nông sản của tỉnh Tiền Giang nói riêng và cả nước nói chung được nâng lên.

Theo đồng chí Võ Văn Men, tỉnh cũng đề xuất Trung ương có thông tin phản hồi về các lô hàng mà các doanh nghiệp đã thu mua của địa phương để xuất khẩu đi nước ngoài như: Mã số nào, doanh nghiệp nào, sản lượng là bao nhiêu để địa phương đối chiếu lại sản lượng của các mã số vùng trồng tại địa phương đã được cấp. Từ đó, ngành chức năng của địa phương sẽ quản lý chặt chẽ hơn, tránh gian lận mã số vùng trồng, gây thiệt hại cho nông dân đã làm tốt việc này.