Chuyển biến rõ nét từ phân cấp, ủy quyền

Nhờ thực hiện tốt việc phân cấp, ủy quyền theo chủ trương của thành phố Hà Nội, huyện Thường Tín đang triển khai hiệu quả nhiều nhiệm vụ quan trọng trên địa bàn. Đây là minh chứng rõ nét và điều kiện quan trọng để thành phố tiếp tục đẩy mạnh chủ trương đúng đắn này.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân khẩn trương xây nhà mới tại khu tái định cư phục vụ đường vành đai 4-Vùng Thủ đô ở xã Hồng Vân, huyện Thường Tín.
Người dân khẩn trương xây nhà mới tại khu tái định cư phục vụ đường vành đai 4-Vùng Thủ đô ở xã Hồng Vân, huyện Thường Tín.

Không khí xây dựng tại khu tái định cư phục vụ dự án đường vành đai 4-Vùng Thủ đô, xã Hồng Vân, huyện Thường Tín vào những ngày đầu năm 2024 khá nhộn nhịp. Một số người dân sau khi đã được nhận đất đền bù đã bắt tay ngay vào làm nhà mới. Chỉ tay về phía ngôi nhà đã bắt đầu thành hình, ông Bùi Minh Hồng ở thôn Xâm Thị, xã Hồng Vân phấn khởi cho biết: “Ở đây hạ tầng đẹp, đồng bộ, khang trang, đi lại còn thuận lợi hơn cả nơi ở cũ. Các hộ dân tái định cư đang nhanh chóng ổn định đời sống sau khi bàn giao mặt bằng thi công dự án đường vành đai 4”.

Đó là một trong những dấu ấn rõ nét nhất trong công tác phân cấp, ủy quyền của thành phố Hà Nội tại huyện Thường Tín. Tại dự án đường vành đai 4-Vùng Thủ đô, sau khi được thành phố giao làm chủ đầu tư giải phóng mặt bằng dự án trên địa bàn, huyện đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp, huy động nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ.

Nhờ đó, chỉ sau hơn một năm triển khai, dù khối lượng thu hồi đất lớn, nhưng đến nay, Thường Tín đã giải phóng mặt bằng được 134,4 ha đất (đạt 100%); thực hiện di chuyển 2.092/2.093 ngôi mộ, đạt gần 100%. Cơ bản hoàn thành xây dựng các khu tái định cư, đồng thời, giao đất tái định cư cho 138 hộ dân và đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho 69/138 hộ. Kết quả này có được do huyện chủ động xác định giá đất ở nơi đi, nơi đến, rút ngắn thời gian hơn trước rất nhiều.

Trước kia, chỉ riêng khâu xin phê duyệt giá đất có khi mất cả năm; trong khi nếu giao cho huyện làm, nhờ nắm rõ địa bàn, tình hình, huyện chủ động hơn và xây dựng được mức giá sát với thực tế. “Quan trọng là cán bộ phải dám chịu trách nhiệm, vì việc chung. Như công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư đường vành đai 4, chúng tôi xác định làm với tinh thần bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người dân”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nguyễn Xuân Minh nói.

Trưởng Ban quản lý dự án huyện Lê Xuân Thọ cho biết, việc phân cấp, ủy quyền đã khiến lĩnh vực đầu tư thay đổi nhiều, giúp cho thủ tục các dự án được thực hiện nhanh hơn. Một số dự án vốn thuộc thẩm quyền thành phố nay ủy quyền cho huyện triển khai không chỉ giúp huyện chủ động hơn trong công tác giải phóng mặt bằng, mà còn tranh thủ được thêm nguồn lực của địa phương.

Như trong công tác đấu giá quyền sử dụng đất, do được thành phố ủy quyền một số thủ tục như phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án xây dựng hạ tầng, phê duyệt quyết định đấu giá, Ủy ban nhân dân huyện tổ chức phê duyệt giá và quyết định trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình cá nhân..., cho nên rút ngắn được thời gian, tạo hiệu quả rõ nét.

Vì thế, trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng, nhưng năm 2023, huyện Thường Tín đã tổ chức thành công năm phiên đấu giá đất tại bảy xã, với diện tích trúng đấu giá là 26.300,5m2, số tiền theo kết quả trúng đấu giá là 875,7 tỷ đồng, tạo nguồn thu để huyện xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật theo hướng phấn đấu đạt tiêu chí trở thành quận vào năm 2030.

Đối với lĩnh vực đầu tư xây dựng, những dự án nhóm B, nhóm C thuộc nhiệm vụ chi của thành phố, sử dụng nguồn ngân sách huyện, giao huyện làm chủ đầu tư, Sở Xây dựng đã ủy quyền thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi; thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở, điều chỉnh thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở.

Lãnh đạo huyện Thường Tín cho biết, việc ủy quyền thẩm định giúp cho chủ đầu tư (là Ủy ban nhân dân cấp huyện) chủ động hơn, giảm bớt thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thẩm định, phê duyệt; tạo điều kiện cho huyện tập trung trong công tác chỉ đạo các cơ quan trực thuộc phối hợp trong việc lập, thẩm định. Huyện cũng đang áp dụng để thực hiện đối với dự án xây dựng trụ sở huyện từ nhiều năm trước chưa triển khai được.

Một lĩnh vực khác của huyện Thường Tín cũng được “hưởng lợi” nhanh chóng từ công tác phân cấp, ủy quyền là lĩnh vực văn hóa. Đại diện phòng Văn hóa huyện cho biết, trên địa bàn có 462 di tích, công trình tôn giáo tín ngưỡng. Trải qua thời gian, nhiều di tích bị xuống cấp, trong khi thủ tục hồ sơ, kinh phí đầu tư, tu bổ, tôn tạo từ ngân sách và nguồn xã hội hóa còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Trên cơ sở các Nghị quyết được Huyện ủy ban hành về việc đầu tư bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp các công trình di tích lịch sử văn hóa, cùng với sự hỗ trợ của thành phố theo Nghị quyết 02 và sau khi được đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, việc tu bổ các công trình văn hóa đã có những chuyển biến rõ nét. Giai đoạn 2021-2026, huyện tu bổ, tôn tạo 59 di tích, với tổng kinh phí khoảng 740 tỷ đồng. Bên cạnh ngân sách Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền đã được phát huy nguồn lực xã hội hóa từ các tổ chức, nhất là từ nhân dân, nhờ đó, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo tồn và phát huy.

Nhiều di tích tại các xã, thị trấn được tu sửa nhờ huy động nguồn xã hội hóa trị giá hàng trăm tỷ đồng; tiêu biểu như: Đình Triều Đông; chùa Nỏ Bạn; đình Văn Hội; chùa Thượng Cung... Cũng bằng phương thức xã hội hóa, huyện đã huy động nguồn lực xây dựng Khu lưu niệm Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi tại xã Nhị Khê, với tổng mức đầu tư 194 tỷ đồng (trong đó 144 tỷ đồng vốn ngân sách huyện, 50 tỷ đồng thành phố hỗ trợ). Theo kế hoạch, công trình sẽ hoàn thành giai đoạn 1 vào quý II/2024, hoàn thành giai đoạn 2 vào cuối năm 2024.

Từ những kết quả đạt được, bên cạnh việc chủ động nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, lãnh đạo huyện Thường Tín đề nghị thành phố và các sở, ngành tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền hơn nữa cho cấp huyện để thực hiện hiệu quả hơn các nhiệm vụ trên địa bàn.