Chút an yên bên những trang sách đầu xuân

Chút an yên bên những trang sách đầu xuân

NDO - Với nhiều người, thưởng thức một cuốn sách hay trong chuyến du xuân đầu năm sẽ khiến kỳ nghỉ trở nên trọn vẹn hơn. Và một cuốn sách đậm "chất xuân" chắc chắn sẽ là lựa chọn tuyệt vời cho dịp này.

THƯƠNG NHỚ MƯỜI HAI

chìm trong không gian đầy nắng gió của miền nam hay miền trung và nhớ về cái se lạnh của miền bắc qua những trang sách "Thương nhớ mười hai" của nhà văn lãng tử Vũ Bằng là một trải nghiệm thật đặc biệt, là cảm giác được thả hồn trong một vùng trời đầy thương nhớ.

Chút an yên bên những trang sách đầu xuân ảnh 1

"Thương nhớ mười hai" tròn trịa một vòng quay của tạo hóa bắt đầu từ tháng Giêng cho đến kỳ tháng Chạp, nhưng lưu luyến bạn đọc nhất hẳn nhiên là một chương tác giả dành riêng cho Tết với biết bao câu chuyện về ẩm thực, phong tục, thú vui… nơi đất bắc, được thể hiện uyển chuyển, duyên dáng qua tài năng biến hóa ngôn ngữ tài tình của nhà văn.

Trong "Thương nhớ mười hai", Vũ Bằng viết nhiều về chợ tết như một vùng ký ức. Nói đến chợ là phải có mua mua bán bán, từ đồ ăn thức uống, quần áo, cho đến mấy cái tranh treo cửa… cứ thế mà tất bật ra vào nhớ nhớ quên quên trong hạnh phúc.

Có bận rộn mấy ngày này thì đến tết nghỉ ngơi, mình mới càng thấy sự nghỉ ngơi thanh thả là quý báu.

Nhà văn Vũ Bằng

Tác giả khẳng định: “Có bận rộn mấy ngày này thì đến tết nghỉ ngơi, mình mới càng thấy sự nghỉ ngơi thanh thả là quý báu.”

Cũng trong "Thương nhớ mười hai", các phong tục ngày Tết, các lễ hội đầu xuân đậm đặc thành một miền văn hóa rất hợp cho người hoài cổ. Từ tục thờ cúng, lễ hội, trò chơi dân gian, cho đến không gian, không khí, tâm tình của con người ngày này cũng khác ngày thường. Tất cả hiện lên sinh động, tươi tắn, đầy cảm hứng.

Ít ai biết, khi viết Thương nhớ mười hai, Vũ Bằng đang ở Sài Gòn nắng gió, nhưng hồn ông lại neo vào những cơn gió bấc ngoài Hà Nội trong một nỗi nhớ cồn cào da diết, gửi gắm bao nỗi “sầu biệt li, vơi sáng đầy chiều”. Tác phẩm vì thế mà thấm đẫm tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu cuộc sống từ những rung cảm của một tâm hồn nghệ sĩ.

“Thương nhớ mười hai” thực sự là một tùy bút đẹp khiến cho bất cứ độc giả nào cũng ngất ngây trong tình yêu quê hương, xứ sở, trong nỗi nhớ Hà Nội thân quen, vừa vặn cho những ai đang ở nơi xa hoặc du xuân đầu năm nhớ về cái lạnh ngọt ngào và sắc xuân đất bắc. Thật là: “Càng nhớ như vậy thì càng yêu Hà Nội biết bao nhiêu, lại càng say đắm Bắc Việt biết bao nhiêu!”.

HÀ THÀNH HƯƠNG XƯA VỊ CŨ

Với bất kỳ ai đang tới thăm đất Hà Thành, hay người con Hà Thành đang du xuân nơi khác, một cuốn sách về ẩm thực truyền thống của người Hà Nội sẽ khiến việc thưởng thức các món ngon trong chuyến du xuân trở nên trọn vẹn và thú vị hơn rất nhiều. "Hà Thành Hương xưa vị cũ" đầy hoài niệm bởi vậy là một lựa chọn hoàn hảo, mang tới những khảo nghiệm thú vị về văn hóa ẩm thực Hà Thành của người Hà Nội gốc.

Cuốn sách đầy ăm ắp những tư liệu cùng cảm xúc về ẩm thực Hà Nội từ những món ăn gần gũi đến những món ăn tao nhã gần như đã thất truyền.

“Ẩm thực Hà Thành mang một phong vị riêng biệt, ẩn chứa chiều sâu văn hóa, tư tưởng, nếp sống người Hà Nội. Thực ra, rất nhiều món ăn Hà Nội là những món từ những nơi khác mang về nhưng sau khi được người Hà Nội chế biến, gia giảm một cách cầu kỳ, tinh tế thì nó lại mang phong vị của một món ăn Hà Nội, rất riêng, rất đặc biệt.” - tác giả Vũ Thị Tuyết Nhung viết.

Trong cuốn sách, tác giả dành một phần viết về mâm cỗ ngày Tết. Nếu bạn đang muốn tìm hiểu thêm về mâm cỗ Tết với 4 bát, 8 đĩa theo lối cổ truyền, toàn những món ăn đặc sản, đặc trưng, đong đầy phong vị Tết xưa của người Hà Nội thì không thể bỏ qua cuốn sách "Hà thành hương xưa vị cũ."

Cuộc sống bây giờ đã no đủ hơn nhiều, thực chẳng cần phải đợi đến Tết mới ăn canh bóng, mới rán đĩa nem, đồ chõ xôi gấc, cắt khoanh giò lụa…, nhưng những món ăn ấy cứ phải vào độ Tết đến Xuân sang, khi tiết trời se lạnh, đào nở, bưởi thơm, con cháu quây quần đầy đủ mới thấy hết sự hòa quện vị giác với cái không khí của buổi giao thời thấm đượm lòng người. Cái hay của cuốn sách chính là giúp ta cảm được cái tình ấy trong mỗi món ăn tưởng chừng quá quen thuộc.

Chút an yên bên những trang sách đầu xuân ảnh 2
Tác giả Vũ Thị Tuyết Nhung và bộ sách “Hà thành hương xưa vị cũ”. (Ảnh: Báo Hà Nội mới)

Với “Hà Thành hương xưa vị cũ,” tác giả khẳng định hàm lượng văn hóa vô cùng phong phú qua từng món ăn của người Hà Nội, khẳng định sự khéo léo của người phụ nữ Hà thành, và tinh thần sống sâu sắc, thanh tao của người Tràng An.

Tác giả Vũ Thị Tuyết Nhung sinh ra và lớn lên từ phố cổ, yêu Hà Nội bằng cả trái tim, lại có cơ duyên làm con nuôi của nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, có mấy chục năm làm báo, từng đảm nhiệm vị trí Trưởng Ban văn hóa – Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, nên bà có cơ hội đi nhiều, viết nhiều và cả “nếm” nhiều, thưởng thức đủ mọi món ăn từ dân dã đến sang trọng trên mảnh đất Thủ đô. Dẫu biết ẩm thực Việt rất ngon, mùa nào thức nấy, nhưng dường như những gì tinh hoa nhất đều được đất trời và lòng người dành cho dịp Tết. Đặc biệt là những cái Tết nghiêm cẩn, chỉn chu đến cầu kỳ của người phố thị Hà thành trước đây.

Chút an yên bên những trang sách đầu xuân ảnh 3

Phía sau những món ngon trong "Hà Thành hương xưa vị cũ" còn là nếp nhà, là lối sống thị dân cách đây 50 năm có lẻ... Có lẽ vì xuất thân là một nhà báo, nên những trang viết của tác giả Vũ Thị Tuyết Nhung rất giàu trải nghiệm chân thực và hồn hậu của một người phụ nữ dành nửa đời người tìm hiểu, sưu tầm, nấu nướng các món ăn truyền thống. Sách của bà vì thế mà mở ra cả một vùng trời kí ức.

NHÂM NHI TẾT QUÝ MÃO

Còn gì thú vị hơn, trong tiết trời Xuân, những đứa trẻ thay vì dán mắt vào điện thoại sẽ thưởng thức một cuốn sách bên cha mẹ trong một không gian an yên. “Nhâm nhi Tết Quý Mão 2023” là một ấn phẩm vừa vặn cho dịp ấy dành cho bạn đọc trẻ.

Đây là ấn phẩm đặc biệt chào Xuân mới của Nhà xuất bản Kim Đồng với những câu chuyện mùa xuân ấm áp đến từ nhiều tác giả Vũ Tú Nam, Trần Đức Tiến, Niê Thanh Mai, Vũ Thị Huyền Trang, Nhật Phi, Nguyễn Thế Hoàng Linh… hay những bài thơ về mùa Xuân kì diệu của Thy Ngọc, Định Hải, Cao Xuân Sơn, Hồ Huy Sơn, La Ha, … thấm đượm tình yêu thiên nhiên và con người được nhiều bạn nhỏ chào đón.

Đọc sách mà lại là “nhâm nhi” giống như nhấp ngụm trà, ăn miếng mứt, cắn hạt dưa, thật hợp với 3 ngày Tết thong dong nhất cả năm hay trong chuyến du xuân đầu năm.

Chút an yên bên những trang sách đầu xuân ảnh 4

(Ảnh: Nhà xuất bản Kim Đồng)

Gọi là sách thiếu nhi, nhưng người lớn cũng bị thu hút bởi cuốn sách hội tụ đầy đủ cả thơ, văn, nhạc họa. Ấn phẩm mang đến cho độc giả những "dư vị" của mùa Xuân: những tiếng cười sảng khoái qua tuyển tập truyện tranh "Chuyện trên trời rơi xuống" của tác giả Hoàng Giang; tìm hiểu lịch sử về truyền thuyết Lê Lợi và chú mèo nhỏ cùng tác giả Phạm Huy; hay khám phá phong tục "Xin chữ chơi Xuân" cùng tác giả Châu Hải Đường...

Qua những bức minh họa công phu của các họa sĩ đương đại như Tạ Huy Long, Vũ Đình Tuấn, Quỳnh Chu, Hoàng Giang, Hoàng Văn Tài... những câu chuyện trong "Nhâm nhi Tết" càng trở nên sinh động và gần gũi với bạn đọc.

VANG BÓNG MỘT THỜI

Cũng nổi tiếng là một nhà văn tài hoa, cá tính hơn người, Nguyễn Tuân có những truyện ngắn và tùy bút phảng phất phong vị Tết trong "Vang bóng một thời", đúng là để vang bóng muôn đời.

Chút an yên bên những trang sách đầu xuân ảnh 5

(Ảnh: Internet)

Đó là ông cụ có thú vui tao nhã chăm sóc những chậu hoa lan trong truyện “Hương cuội”. Người đã kỳ công tỉ mỉ chăm lan mà như chăm con mọn, tinh tế đến mức chuẩn đoán được cả ngày nở chính xác của những chậu hoa theo tình hình thời tiết. Là nghệ thuật thưởng trà “kềnh càng” ngay từ khâu tráng ấm. Nước pha trà phải lấy từ giếng chùa làng mới không làm mất hương vị trà quý. “Cái chất lá chan chát, thơm thơm ấy lôi cuốn một tâm hồn kẻ sĩ đã đành, đôi khi làm lộ diện cả một kỳ nhân”.

Xuyên suốt 12 thiên truyện ngắn và tùy bút đậm chất Nguyễn Tuân, vẻ đẹp của cuộc sống được hiện lên hoàn mỹ, trân quý, nâng niu, phôi pha, day dứt và tiếc nuối. "Vang bóng một thời" vì thế mà dành cho người đọc chậm, nghĩ sâu, yêu cái đẹp đến mức cực đoan, đồng điệu với đôi mắt tinh đời và từng trải của nhà văn, rất hợp để lật giở từng trang trong chuyến du xuân, để tìm lại cái thư thái an yên qua nét đẹp cuộc sống thường nhật.

TẾT VIỆT NAM XƯA

Trải qua cả một mùa Tết với biết bao phong tục, nhưng không hẳn ai cũng hiểu hết ý nghĩa và những nét đẹp của những phong tục ấy. Bởi vậy, còn gì ý nghĩa hơn sau những tất tả, bận rộn ngày Tết, thư thái bên khung cửa sổ một chiều xuân ấm áp, vừa nhâm nhi chén trà, vừa lật giở từng trang sách "Tết Việt Nam xưa" để hiểu hơn về giá trị Tết - lễ hội lớn nhất trong năm ấy.

Chút an yên bên những trang sách đầu xuân ảnh 6

(Ảnh: Báo Thế giới và Việt Nam)

Cuốn sách bắt đầu bằng một bài nghiên cứu tổng quan về Tết cổ truyền Việt Nam của học giả Nguyễn Văn Huyên. Lý giải và giới thiệu bằng lối viết hấp dẫn, học giả Nguyễn Văn Huyên đã đem đến những mô tả rõ ràng, chi tiết và sinh động về Tết Nguyên đán, đủ để trả lời một cách ngắn gọn nhất, chắt lọc nhất cho câu hỏi: Tết Việt là gì và Tết Việt diễn ra như thế nào?

Ông cũng khẳng định: “Bằng cách đột ngột lôi kéo các cá thể ra khỏi cuộc sống đơn điệu của họ, đồng thời cho phép họ vừa khẳng định sức mạnh tinh thần trong gia đình, vừa làm trẻ hoá quy ước xã hội đã gắn kết họ thành “hàng trăm gia đình” ở đất nước này từ nhiều thiên niên kỷ qua. Chính vì lý do đó mà Tết vẫn còn tồn tại với chúng ta, bất chấp sự khắc nghiệt của thời đại và sự đóng góp ít nhiều rời rạc của những quan niệm mới về đạo đức hay về những phản xạ tâm lý mới.”

Lời khẳng định ấy được minh chứng bằng vô số những phong tục, nghi lễ, thú chơi đậm “hồn Việt” trong và sau Tết, được khắc họa qua lời kể của các học giả trong và ngoài nước như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Trần Văn Giáp, Paul Boudet, Jean Marquet, Georges Pisier, Nguyễn Tiến Lãng, Mạnh Quỳnh,…

________________________

Tết vẫn còn tồn tại với chúng ta, bất chấp sự khắc nghiệt của thời đại và sự đóng góp ít nhiều rời rạc của những quan niệm mới về đạo đức hay về những phản xạ tâm lý mới.

- Học giả Nguyễn Văn Huyên -

_______________________

Cứ như vậy, Tết Việt, những lễ hội mùa xuân hiện lên giàu sắc màu, hóm hỉnh mà chân thực,… qua từng trang sách, mang đến cho độc giả những nụ cười đầy chiêm nghiệm.

Thú vị hơn là, ta có thể thấy được góc nhìn khác về Tết Việt, về các phong tục ngày Tết hay các lễ hội đầu xuân qua bài viết của nhiều học giả, nhà nghiên cứu, nhà sử học nước ngoài, như một loạt lý giải đan xen trong những câu chuyện đầy hóm hỉnh của Lý Toét về Tết Việt của nhà sử gia người Pháp Georges Pisier.

Cũng là những phong tục, lễ hội, thú chơi đầu xuân mà nhiều cuốn sách đã kể, nhưng với cách lý giải chi tiết mà ngắn gọn, kết hợp lối kể chuyện hóm hỉnh, khách quan, người đọc như được khai mở và dẫn dắt tới mùa lễ hội quan trọng nhất Việt Nam một cách cụ thể hơn, với những xúc cảm và suy nghĩ mới mẻ hơn cho những điều tưởng chừng đã thông tỏ.


Tự thưởng cho mình một góc an yên bên cuốn sách đậm "chất xuân" trong ngày đầu xuân quả là lựa chọn tuyệt vời cho những người yêu sách.

back to top