Chủng virus đậu mùa khỉ ở Ấn Độ khác với chủng ở châu Âu

Nhóm chuyên gia thuộc Hội đồng nghiên cứu y khoa Ấn Độ - Viện virus quốc gia (ICMR-NIV) đã phát hiện ra rằng, chủng virus đậu mùa khỉ xuất hiện ở nước này khác với chủng virus gây ra tình trạng “siêu lây nhiễm” ở châu Âu, dẫn tới bùng phát dịch trên toàn cầu.
0:00 / 0:00
0:00
Hình ảnh dưới kính hiển vi cho thấy virus đậu mùa khỉ trong mẫu bệnh phẩm của 1 bệnh nhân. (Ảnh minh họa: Reuters/TTXVN)
Hình ảnh dưới kính hiển vi cho thấy virus đậu mùa khỉ trong mẫu bệnh phẩm của 1 bệnh nhân. (Ảnh minh họa: Reuters/TTXVN)

Nhóm nghiên cứu đưa ra tuyên bố trên sau khi tiến hành xác định trình tự gene của 2 trường hợp mắc bệnh đầu mùa khỉ ở bang Kerala, miền nam Ấn Độ.

Dữ liệu nghiên cứu cho thấy, chủng virus xuất hiện ở Ấn Độ là A.2 gần đây đã được “nhập khẩu” từ Trung Đông.

Chủng này xuất hiện trước đó ở Thái Lan và Mỹ trong đợt bùng phát năm 2021. Tuy nhiên, chủng virus gây ra các đợt siêu lây nhiễm rộng hơn ở châu Âu là B.1.

Trên trang Twitter, Tiến sĩ Vinod Scaria thuộc Viện Sinh học tích hợp và Di truyền (CSIR-IGIB) của Ấn Độ giải thích: “Tốc độ lây truyền liên tục từ người sang người hiện nay của virus đậu mùa khỉ được cho là đã xảy ra thông qua các đợt siêu lây lan ở châu Âu, với hơn 16 nghìn trường hợp tại hơn 70 quốc gia. Trong số này, phần lớn là do virus B.1 và dòng chính của bộ gene 2022”.

Bên cạnh đó, Tiến sĩ Scaria lưu ý rằng, chủng virus A.2 trái ngược với phần lớn các bộ gene trên thế giới thuộc dòng B.1 và chủng A.2 được phát hiện ở Ấn Độ “không gợi ý về 1 đợt siêu lây lan rộng hơn”.

Ông khẳng định phát hiện này có nghĩa là những trường hợp ở Ấn Độ “không có khả năng liên quan tới các đợt siêu lây nhiễm ở châu Âu”.

Theo ông, “chúng ta có thể xem xét 1 nhóm virus lây truyền từ người sang người riêng biệt và có thể đã không được phát hiện trong nhiều năm. Mẫu sớm nhất được lấy trong nhóm bệnh nhân từ Mỹ thực sự là từ năm 2021 cho thấy virus này đã xuất hiện khá lâu và sớm hơn các trường hợp được phát hiện ở châu Âu”.