Sáng kiến cơ chế hợp tác “Sông Mekong an toàn” được Trung Quốc và Thái Lan đồng khởi xướng vào năm 2013 và Việt Nam chính thức tham gia cơ chế hợp tác sông Mekong an toàn từ năm 2019. Trong gần 10 năm hợp tác, tình hình phòng, chống ma túy của khu vực Tam giác vàng từng bước được cải thiện.
Đến nay, 6 nước thành viên đã thành lập và luân phiên chủ trì tổ chức hoạt động của Trung tâm SMCC. Hoạt động của Trung tâm SMCC đã giúp cho các nước thành viên điều phối triển khai các hoạt động chung của Kế hoạch hành động. Tổng hợp tình hình tội phạm ma túy, kịp thời tham mưu, đề xuất các giải pháp chiến lược nhằm đấu tranh hiệu quả với tội phạm ma túy ở cả cấp độ quốc gia và khu vực, góp phần kiểm soát tốt tình hình sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy tại khu vực Tam giác vàng.
Theo thứ tự luân phiên, năm 2023, Việt Nam là nước chủ trì triển khai các hoạt động trong khuôn khổ sáng kiến “Sông Mekong an toàn” và mời các nước cử cán bộ sang làm việc tại Trung tâm SMCC (từ ngày 7/2 đến 9/4/2023). Trong thời gian làm việc tại Trung tâm SMCC của Việt Nam, đại biểu các nước thành viên đã làm tốt vai trò là đầu mối triển khai các hoạt động.
Phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy nhấn mạnh: Việt Nam luôn coi trọng và đẩy mạnh hợp tác với các nước thành viên nhằm triển khai có hiệu quả Kế hoạch hành động sông Mekong an toàn. Coi đây là giải pháp quan trọng nhằm hỗ trợ công tác đấu tranh phòng, chống ma túy từ sớm, từ xa, từ bên ngoài biên giới.
Hoạt động của Trung tâm SMCC đã giúp cho các nước thành viên điều phối triển khai các hoạt động chung của Kế hoạch hành động; tổng hợp tình hình tội phạm ma túy, kịp thời tham mưu, đề xuất các giải pháp chiến lược nhằm đấu tranh hiệu quả với tội phạm ma túy ở cả cấp độ quốc gia và khu vực, góp phần kiểm soát tốt tình hình sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy tại khu vực Tam giác vàng.
Do có sự phối hợp tốt, các nước đã phối hợp triệt phá nhiều đường dây tội phạm ma túy xuyên quốc gia, số lượng thu giữ hàng tấn ma túy, bắt giữ được nhiều đối tượng cầm đầu các tổ chức tội phạm.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện phát biểu tại phiên khai mạc. |
Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện khẳng định: Việt Nam luôn coi trọng và đẩy mạnh hợp tác với các nước thành viên để triển khai có hiệu quả Kế hoạch hành động sông Mekong an toàn, coi đó là giải pháp quan trọng nhằm hỗ trợ công tác đấu tranh phòng, chống ma túy từ sớm, từ xa, từ bên ngoài biên giới.
Thực hiện Kế hoạch hành động này, Việt Nam đã triển khai nhiều đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm ma túy trên tuyến biên giới với các nước láng giềng như: Trung Quốc, Lào, Campuchia và triển khai nhiều hoạt động phòng, chống ma túy ở trong nước.
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy quyết tâm thực hiện quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an trong đấu tranh, mở rộng điều tra, bắt giữ toàn bộ đường dây tội phạm ma túy xuyên quốc gia, góp phần kiểm soát tình hình mua bán, vận chuyển trái phép ma túy, tiền chất ở khu vực Tam giác vàng, các nước trong khu vực và trên thế giới.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, cung cấp thông tin về các vụ án ma túy điển hình và tình hình ma túy có liên quan đến các nước trong khu vực; trao đổi thông tin các đối tượng phạm tội về ma túy, đồng thời tiếp nhận và xử lý các thông tin liên quan đến một số hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy bất hợp pháp ở tiểu vùng sông Mekong.
Đồng thời các nước thành viên thống nhất tiếp tục nâng cao vai trò chủ đạo trong xây dựng các chính sách, chiến lược kiểm soát ma túy và tiền chất của quốc gia, chủ động đẩy mạnh các đợt truy quét tấn công trấn áp tội phạm ma túy trên diện rộng, tập trung vào các tuyến biên giới, tuyến vận chuyển ma túy và tiền chất trọng điểm vào, ra khu vực tam giác vàng; tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên, nhất là các nước có chung đường biên giới trong phòng, chống ma túy và kiểm soát tiền chất.
Kết thúc phiên thảo luận, Hội nghị đã thông qua Kế hoạch hành động sông Mekong an toàn về kiểm soát ma túy giai đoạn 2023-2027, gồm 5 giải pháp quan trọng: Kiểm soát tiền chất; Điều tra, phòng, chống hoạt động sản xuất, mua bán, vận chuyển ma túy; Phối hợp triển khai các chiến dịch chung; Các hoạt động đấu tranh ngăn chặn ma túy trên các tuyến đường bộ, đường sông và dọc theo biên giới; Xây dựng cơ chế quản lý hợp tác.
Giai đoạn 2023-2027, các nước thành viên SMCC tiếp tục nâng cao vai trò chủ đạo trong xây dựng các chính sách, chiến lược kiểm soát ma túy và tiền chất của quốc gia, chủ động đẩy mạnh các đợt truy quét tấn công trấn áp tội phạm ma túy trên diện rộng, tập trung vào các tuyến biên giới, tuyến vận chuyển ma túy và tiền chất trọng điểm vào, ra khu vực Tam giác vàng…
Trong năm 2022, Campuchia thu giữ 70kg heroin, 1.076kg ma túy đá, 13,5 tấn ketamine, 27kg hồng phiến, 198kg MDMA, 60kg cần sa, 504 tấn tiền chất. Trung Quốc thu giữ 27 tấn ma túy các loại. Myanmar thu giữ hơn 1,1 tấn thuốc phiện, 1,32 tấn heroin, 164,87 triệu viên ma túy tổng hợp… Thái Lan thu giữ 503 triệu viên hồng phiến, 13 tấn ma túy đá, 622kg heroin, 1,2 tấn ketamine, 55 tấn cần sa... Việt Nam thu giữ 741,78 kg heroin; 1.857,57 kg và 3.681.586 viên ma túy tổng hợp; 105,33kg thuốc phiện, 268,03kg cần sa…