Chung tay giữ nghề tạc tượng gỗ dân gian

NDO -

NDĐT- Tượng gỗ dân gian là một biểu tượng quen thuộc trong đời sống văn hóa của đồng bào Ba Na, Gia-rai (Tây Nguyên). Với nhiều nghệ nhân, tạc tượng gỗ không chỉ là biểu hiện của tín ngưỡng “vạn vật hữu linh” mà còn là nghề cha truyền con nối. Vậy nhưng, nghề tạc tượng gỗ đang đứng trước nguy cơ bị mai một…

Các nghệ nhân tạc tượng gỗ ở Gia Lai.
Các nghệ nhân tạc tượng gỗ ở Gia Lai.

Đỏ mắt tìm tượng gỗ

Men theo con đường đất đỏ, chúng tôi tìm về làng Đo, xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai, nơi có nhiều hộ dân tộc thiểu số Ba Na và Gia-rai sinh sống. Theo chân già làng Kpuh Dom, chúng tôi đi tìm những bức tượng gỗ còn sót lại ở làng. Gặp một khu nhà mồ, chung quanh cỏ mọc um tùm, chỉ có hai bức tượng gỗ dựng sơ sài, mục nát do lâu ngày không được để ý. Già làng Kpuh Dom nói: “Bây giờ bà con ít làm tượng nhà mồ rồi, chỉ có tập trung ở khu vực nhà cộng đồng hoặc ở vài nhà nghệ nhân họ giữ lại thôi, chứ trong dân làng giờ ít lắm”.

Chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân Ksor Hnao ở TP Pleiku (Gia Lai). Ấn tượng với chúng tôi là những bức tượng gỗ đủ các thể loại được gia chủ đặt quanh gian phòng cùng với các vật dụng quen thuộc trong đời sống sinh hoạt của đồng bào Tây Nguyên như: ghè, nỏ, cung tên, đàn Tơrưng…

Dẫn chúng tôi xem tác phẩm “Mẹ bồng con” vừa đạt giải vàng trong Cuộc thi tạc tượng nhà mồ tỉnh Đác Lắc, nghệ nhân Hnao tâm sự: “Cũng như cồng chiêng, tượng gỗ là nét văn hóa truyền thống của Tây Nguyên, gắn bó máu thịt với đồng bào từ lúc sinh ra đến lúc xa lìa cõi đời. Tôi học được nghề tạc tượng từ chính cha tôi và những người dân làng. Ngày đó, bà con mê tạc tượng lắm, chứ không như bây giờ. Các tượng gỗ được đặt ở nhà rông của các buôn làng, hoặc đặt trang trí ở nhà sàn và đặt ở nhà mồ của hai dân tộc Ba Na, Gia-rai tại Gia Lai sau lễ bỏ mả”. Theo thời gian, các tượng gỗ phản ánh sinh động cuộc sống, góp phần làm nên nét đặc sắc trong văn hóa Tây Nguyên.

Còn anh Đinh Plih, 35 tuổi một nghệ nhân giỏi về tạc tượng và đánh chiêng ở xã Tơ Tung, huyện KBang (Gia Lai), chia sẻ: “Đây là một nghề quý, không phải ai cũng làm được, bây giờ mình tiếc lắm khi thấy nhiều thanh niên dân tộc mình không chịu học hỏi người già để giữ gìn nghề. Cứ thế này khi người già chết đi sẽ mất dần văn hóa dân tộc mình”.

Nghệ nhân Ksor Hnao cho biết thêm: “Tôi có mở một lớp để truyền dạy nghề nhưng không ai mặn mà. Trái lại, một số đưa cả máy móc, công nghệ hiện đại vào làm cũng đã ảnh hưởng đến nghề tạc tượng truyền thống”.

Theo chị Hoàng Thanh Hương, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Gia Lai, có một thực tế là, số tượng gỗ dân gian ở Tây Nguyên đang giảm rõ rệt, chỉ còn trên dưới 1.000 bức. Nguyên nhân một phần là do yếu tố về thời tiết khí hậu, sự biến đổi trong đời sống văn hóa tín ngưỡng và đặc biệt là do ý thức của con người, trong đó có nạn trộm cắp các tượng gỗ.

Nỗ lực bảo tồn tượng gỗ

Chung tay giữ nghề tạc tượng gỗ dân gian ảnh 1

Khu trưng bày tượng gỗ tại Công viên Đồng Xanh.

Để bảo tồn phát huy giá trị nghệ thuật tạc tượng gỗ dân gian, những năm qua, các cơ quan chức năng trên địa bàn đã tổ chức các cuộc thi, các ngày hội giao lưu về tượng gỗ dân gian. Tiêu biểu như: Hội thi tạc tượng ở Khu du lịch sinh thái cộng đồng ở Đác Lắc, hay chương trình Giao lưu văn hóa các dân tộc tại Làng Văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội), trong đó có hoạt động tạc tượng gỗ dân gian.

Chị Hoàng Thanh Hương cho biết thêm: “Tượng gỗ dân gian thường được nhiều người biết tới là tượng nhà mồ phục vụ trong hoạt động tín ngưỡng tâm linh, đặc biệt là tang ma. Tuy nhiên, trong suốt quá trình chúng tôi điền dã, khảo sát ở Tây Nguyên, tượng gỗ được đồng bào sử dụng không chỉ ở nhà mồ mà còn ở nhà sàn và nhà rông với vai trò trang trí, làm đẹp không gian sống”.

Được biết, đầu tháng 9-2016, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đã đưa vào “Khu trưng bày tượng gỗ dân gian Ba Na, Gia-rai” tại Công viên Đồng Xanh ở TP Pleiku. Với 120 tượng, trong đó tượng gỗ Ba Na 50 tượng, tượng gỗ Gia-rai 70 tượng, sắp xếp thành hai khu vực: tượng sinh hoạt và tượng mồ, bố trí theo nhóm địa phương với những nét đặc trưng riêng từ màu sắc, nghệ thuật điêu khắc.

Khu tượng sinh hoạt với những hình tượng quen thuộc như: mẹ bồng con, mẹ con giã gạo, dũng sĩ, muông thú… được các nghệ nhân điêu khắc đa dạng, mang nhiều dáng vẻ và cung bậc cảm xúc, tạo ấn tượng sâu sắc cho người xem. Điều này thật đáng vui mừng,bởi cách đó chưa lâu, khi chúng tôi ghé thăm Công viên Đồng Xanh, vẫn có những bức tượng được làm bằng xi-măng, bê-tông khiến cho du khách có cảm tưởng nghề tạc tượng gỗ đã mai một và không được coi trọng nữa.

Còn với những nghệ nhân tạc tượng gỗ như Ksor Hnao, đó là một tin vui, vì giờ đây, tượng gỗ dân gian của người Ba Na, Gia-rai đã có thêm không gian để nâng tầm giá trị. Và hơn hết, những người nghệ nhân tạc tượng gỗ sẽ có thêm thu nhập, vì có cơ hội biến các sản phẩm vốn dĩ chỉ thuộc về tâm linh, tín ngưỡng thành những món quà lưu niệm cho mọi người.

Vậy nhưng theo chị Hoàng Thanh Hương: “Vấn đề quan trọng nhất để giữ gìn nghề điêu khắc tượng đó là phải bắt nguồn từ chính các thành viên trong cộng đồng các buôn làng từ cách ăn, ở, nghề truyền thống đến lễ hội, tín ngưỡng. Tôi mừng là các nghệ nhân tạc tượng nói chung họ còn yêu quý nghề, có ý thức truyền nghề cho nhau và cho lớp trẻ”.