Chung tay chống hàng lậu, hàng giả, bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng

NDO - Theo số liệu của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, 10 tháng năm 2022, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện xử lý gần 100.000 vụ việc vi phạm. Trong đó, có 12.275 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu; 82.678 vụ gian lận thương mại...
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh Tọa đàm.
Quang cảnh Tọa đàm.

Ngày 2/12, tại thành phố Hồ Chí Minh diễn ra Tọa đàm “Chung tay chống hàng lậu, hàng giả, bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp, quyền lợi người tiêu dùng”.

Tham dự có đại diện lãnh đạo Tổng cục Hải quan, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Biên phòng, Công an, Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố phía nam; Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Thành phố Hồ Chí Minh và các doanh nghiệp.

Các cơ quan chức năng nhận định, mặc dù công tác đấu tranh, ngăn chặn, bắt giữ nhiều vụ vi phạm, nhưng phạm tình hình buôn lậu, hàng giả vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp trên phạm vi cả nước, đặc biệt tại các thành phố lớn, các địa phương có cửa khẩu biên giới đường bộ với nước bạn.

Theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, trong 10 tháng năm 2022, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện xử lý gần 100.000 vụ việc vi phạm; trong đó có 12.275 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu; 82.678 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế; 1.866 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ. Thu nộp Ngân sách Nhà nước 7.666 tỷ đồng, khởi tố 380 vụ, 472 đối tượng.

Riêng ngành Hải quan, tính đến ngày 15/10, toàn ngành đã phát hiện, bắt giữ tổng số 13.720 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 4.790 tỷ đồng; số thu ngân sách nhà nước đạt hơn 265 tỷ đồng; cơ quan Hải quan đã khởi tố 35 vụ, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 113 vụ...

Chung tay chống hàng lậu, hàng giả, bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng ảnh 1

Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ phát biểu tại Tọa đàm.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ cho biết, với vai trò là thành viên cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Tổng cục Hải quan đã chủ động tham mưu, đề xuất nhiều giải pháp và trình ban hành kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, vùng biển và địa bàn nội địa; đồng thời, chỉ đạo toàn ngành Hải quan tập trung nguồn lực triển khai quyết liệt, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại các tuyến, địa bàn, mặt hàng trọng điểm, trọng tâm vào các mặt hàng cấm, hàng có giá trị lớn, thuế suất cao... Đặc biệt là cao điểm chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.

Trao đổi về các giải pháp, Luật gia Phan Thị Việt Thu, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp, việc hoàn thiện quy định pháp luật là điều kiện kiên quyết hàng đầu, nhất là các quy định liên quan đến xuất xứ hàng hóa.

Đồng thời tăng cường công tác khảo sát thị trường nhằm phát hiện, ngăn ngừa sản phẩm giả thâm nhập hệ thống phân phối; có sự phối kết chặt chẽ với quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế để thông tin kịp thời về các sản phẩm giả trên thị trường nhằm tìm kiếm hỗ trợ về mặt pháp lý, xử lý hàng giả một cách tích cực, triệt để.

Trách nhiệm của người tiêu dùng nên mua hàng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, để có thể tự bảo vệ mình khi sử dụng hàng có vấn đề về chất lượng.

Đối với doanh nghiệp, việc hợp tác chống hàng giả, hàng lậu là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là quyền lợi của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải mạnh dạn tích cực hợp tác với các cơ quan chức năng để tận dụng các biện pháp chế tài theo quy định pháp luật một cách kịp thời.