Chung sức xây dựng biên cương bình yên

Lạng Sơn là tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai xây dựng các tuyến đường kiểm tra cột mốc. Sau hơn hai năm triển khai, hàng trăm ki-lô-mét đường bê-tông đã được xây dựng, với nguồn kinh phí hàng tỷ đồng từ sự quyên góp, ủng hộ của các tổ chức, cơ quan, đơn vị... và người dân trong và ngoài tỉnh.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ, công chức Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Lạng Sơn, cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bắc Xa, huyện Đình Lập (Lạng Sơn), xây dựng đường lên kiểm tra cột mốc, bảo vệ biên giới.
Cán bộ, công chức Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Lạng Sơn, cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bắc Xa, huyện Đình Lập (Lạng Sơn), xây dựng đường lên kiểm tra cột mốc, bảo vệ biên giới.

Việc xây dựng đường kiểm tra cột mốc, bảo vệ biên giới không những tạo thuận lợi cho lực lượng chức năng tổ chức các hoạt động bảo vệ biên giới mà còn tạo điều kiện cho người dân đi lại sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống nơi biên cương và tích cực tham gia cùng lực lượng biên phòng bảo vệ đường biên, cột mốc.

Thiêng liêng cột mốc đường biên

Chúng tôi tới Đồn Biên phòng Bắc Xa (Đình Lập) vào những ngày giữa thu. Đứng giữa đường biên đã thấy hoa lau bắt đầu nở rộ, phất phơ giữa gió đông. Đặt chân lên con đường kiểm tra mốc 1291 vừa được hoàn thành mới thấy công sức của bộ đội và người dân trên địa bàn đồn quản lý là rất lớn, bởi địa hình dốc cao, nhiều đoạn dựng đứng. Mốc 1291 nằm trên sống núi.

Đoạn đường lên cột mốc này dài hơn 200m, dù đã được đổ bê-tông, những đoạn dốc cao được xây dựng bậc thang cho dễ đi, nhưng có những đoạn người đi trước vẫn phải kéo người đi sau. Ông Hoàng Ngọc Thanh, người có uy tín ở thôn bản Chè Mùng, năm nay đã 71 tuổi, nhưng đã có hơn 34 năm ông cùng cán bộ, chiến sĩ và người dân miền biên ải này chung tay bảo vệ đường biên, cột mốc quốc gia. Ông là một trong những người gương mẫu ở bản, có nhiều đóng góp trong công tác bảo vệ an ninh trật tự và phát triển kinh tế ở vùng biên giới.

Ông Thanh chia sẻ, vốn sinh ra và lớn lên ở vùng đất biên cương cho nên ông rành từng gốc cây, ngọn cỏ trên đường biên. Nhiều năm qua, hầu như ngày nào ông cũng lên thăm cột mốc, đường biên. Vì thế, người dân ở cả hai bên biên giới đã thân quen với hình ảnh ông Thanh với bộ áo dân tộc, cùng tổ tuần tra biên phòng đi tuần tra đường biên, cột mốc. Ông còn đến hỏi thăm từng nhà dân sống cạnh đường biên để vừa động viên, vừa tuyên truyền cho nhân dân về đường biên, về chủ quyền quốc gia.

Chung sức xây dựng biên cương bình yên ảnh 1

Lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Lạng Sơn và Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh cắt băng khánh thành đường lên kiểm tra cột mốc, bảo vệ biên giới 1159.

Trong câu chuyện về cột mốc biên giới, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bắc Xa Tô Đức Sơn cảm động nói: Trước đây chưa có đường bê-tông, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bắc Xa cùng dân quân xã phải đi tuần tra bằng lối mòn, ngày nắng thì nóng còn ngày mưa, đường trơn trượt rất khó đi. Đường lên cột mốc, có chỗ phải bò, bám vào cây rừng leo lên, đầu người sau chạm chân người trước.

Nhưng nay thì khác rồi, các đường lên kiểm tra cột mốc thuộc địa bàn xã Bắc Xa đều đã được xây dựng.Đây là kết quả sau hơn hai năm thi công, với sự đóng góp hàng nghìn ngày công của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bắc Xa, các cơ quan, đơn vị của tỉnh, của huyện Đình Lập và cán bộ, công chức cùng nhân dân trong xã Bắc Xa, chung sức làm nên những con đường tuần tra cột mốc vững chắc...

Trung tá Hoàng Văn Huấn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Bắc Xa không giấu nổi niềm vui nói: Đồn Biên phòng Bắc Xa quản lý bảo vệ đoạn biên giới dài 33,197 km; gồm 40 cột mốc, từ mốc 1276 đến mốc 1300/3. Từ tháng 11/2022, thực hiện thư ngỏ của đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn và kế hoạch của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh về việc tổ chức phát động đợt vận động đặc biệt ủng hộ “Xây dựng đường kiểm tra cột mốc, bảo vệ biên giới” tỉnh Lạng Sơn, đến nay đơn vị đã hoàn thành xây dựng được 40 đường kiểm tra cột mốc, bảo vệ biên giới, với chiều dài 5,583 km; số tiền, vật chất ủng hộ hơn 3,7 tỷ đồng và huy động hơn 4.000 ngày công lao động của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bắc Xa; cán bộ, công chức các cơ quan, đơn vị và nhân dân trong và ngoài huyện Đình Lập.

Vì biên giới bình yên

Đại tá Trịnh Hữu Tăng, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết: Lạng Sơn có đường biên giới dài đi qua năm huyện biên giới, với 474 cột mốc quốc giới. Từ năm 2003 đến 2022, đã có 121,64 km đường tuần tra biên giới được xây dựng. Các cung đường từ đường tuần tra biên giới lên cột mốc trước đây được các đồn biên phòng huy động công sức bộ đội và người dân địa phương cuốc bậc, san nền đất.

Chung sức xây dựng biên cương bình yên ảnh 2

Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Pò Mã, huyện Tràng Định (Lạng Sơn), cùng đoàn viên thanh niên huyện và bà con nhân dân xã Đại Đồng (Tràng Định), khởi công xây dựng đường kiểm tra cột mốc, bảo vệ biên giới số 992.

Vì thế đến nay, nhiều đoạn đã bị sạt lở, hư hỏng, đi lại rất khó khăn, trơn trượt, nhất là vào mùa mưa, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho lực lượng làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát biên giới. Qua khảo sát của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, trong tổng số 474 cột mốc quốc giới do đơn vị phụ trách quản lý có 459 cột mốc cần được xây dựng đường kiểm tra bằng bê-tông, tổng chiều dài gần 125 km.

Việc xây dựng đường kiểm tra cột mốc, bảo vệ biên giới là rất thiết thực, giúp cho việc tuần tra, giám sát, giải quyết các vụ việc trên biên giới kịp thời, hiệu quả, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Đồng thời, tạo thuận lợi cho nhân dân khu vực biên giới đi lại, canh tác, sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Trong khi đó, Lạng Sơn còn khó khăn, nguồn ngân sách hạn hẹp, vì vậy để triển khai xây dựng đường kiểm tra cột mốc, cần phải huy động từ nguồn lực xã hội hóa.

Để xây dựng đường lên kiểm tra cột mốc, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tham mưu cho lãnh đạo tỉnh chỉ đạo triển khai chủ trương huy động nguồn lực xã hội hóa để xây dựng đường kiểm tra cột mốc.

Ngày 18/11/2022, đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn đã có thư ngỏ phát động “Đợt vận động đặc biệt ủng hộ xây dựng đường kiểm tra cột mốc, bảo vệ biên giới”, gửi đến các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang; các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh Lạng Sơn.

Chung sức xây dựng biên cương bình yên ảnh 3

Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Chi Ma, huyện Lộc Bình (Lạng Sơn), cùng các cán bộ, công chức các đơn vị của huyện tham gia xây dựng đường kiểm tra cột mốc, bảo vệ biên giới mốc 1230.

Nhờ đó, qua hơn hai năm triển khai thực hiện đến nay, các cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp... người dân trong và ngoài tỉnh đã quyên góp, ủng hộ được hơn 40,5 tỷ đồng, với hàng trăm tấn vật liệu xây dựng, gần 30 nghìn ngày công lao động, để xây dựng được 282 đường kiểm tra cột mốc, với tổng chiều dài hơn 100 km bằng bê-tông.

Cùng với việc xây dựng đường lên kiểm tra cột mốc, các đồn biên phòng của tỉnh cũng đã thực hiện mô hình “Thắp sáng đường tuần tra biên giới”, từ nguồn xã hội hóa do các đơn vị, cơ quan, đóng góp. Chỉ từ năm 2023 đến tháng 10/2024, các đồn biên phòng đã lắp đặt được 1.125 cột đèn năng lượng mặt trời dọc theo đường tuần tra biên giới, mỗi cột cách nhau khoảng 50m, với tổng chiều dài hơn 63 km, trị giá hơn 2 tỷ đồng. Mô hình “Thắp sáng đường tuần tra biên giới” đã phục vụ đắc lực cho công tác kiểm tra cột mốc, bảo vệ biên giới của lực lượng chức năng, đồng thời, giúp cho nhân dân ở các thôn, bản giáp biên đi lại canh tác, sản xuất, bám đất, bám làng, ổn định cuộc sống.

Chung sức xây dựng biên cương bình yên ảnh 4

Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Ba Sơn, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn), cùng các cơ quan, đơn vị của tỉnh tổ chức khánh thành đường kiểm tra cột mốc, bảo vệ biên giới số 1211, 1212 và 1213.

Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng Việt Nam khẳng định: Thời gian qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn đã triển khai nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, mang tính linh hoạt và sáng tạo, có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng xã hội; có ý nghĩa thiết thực cho công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền, biên giới quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, giúp người dân biên giới phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.

Đặc biệt, mô hình “Xây dựng đường kiểm tra cột mốc, bảo vệ biên giới”, là một cách làm mới, đầy tính sáng tạo, huy động được sự tham gia hết sức nhiệt tình, trách nhiệm, sự ủng hộ rộng khắp của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể quần chúng và đông đảo nhân dân các dân tộc ở nhiều địa phương, từ nội địa ra đến biên giới.

Bằng tình cảm, trách nhiệm và tình yêu cao cả, dành cho biên giới thiêng liêng và Tổ quốc trên hết, đây là một mô hình hay, một minh chứng sống động, hiện thực hóa chủ trương về kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng và an ninh; góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ biên giới quốc gia, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới cần được nhân rộng...