Chung quanh việc nghêu chết hàng loạt ở Tiền Giang

NDO - Vùng nuôi nghêu thương phẩm ven biển Gò Công, thuộc xã Tân Thành, huyện Gò Công Ðông lại vừa xảy ra tình trạng nghêu chết hàng loạt, lan nhanh trên diện rộng mà chưa rõ nguyên nhân, khiến người nuôi nghêu lại một lần nữa hoang mang, lo lắng vì sợ tái diễn cảnh trắng tay, nợ nần như vụ nghêu năm ngoái...

Vụ nghêu năm 2010, toàn xã Tân Thành có 1.200 ha nghêu thì 900 ha chết, gây thiệt hại hơn 240 tỷ đồng. Theo người nuôi nghêu, mỗi ha nghêu phải đầu tư khoảng 500 triệu đồng tiền con giống và các chi phí khác. Năm ngoái, hầu hết sân nghêu ở Gò Công bị chết, người dân đã nhờ ngân hàng cho vay để thả vụ nghêu mới với hy vọng gỡ gạc thua lỗ, nhưng từ đầu tháng 3 đến nay, nghêu chết ồ ạt. Mỗi con nước lớn, nghêu nhả vỏ chết trắng sân nuôi. Hơn 170 chủ sân nghêu hoang mang vì chưa có biện pháp cứu nghêu, cứ bất lực nhìn nghêu chết từng ngày. Cụ thể, như chủ sân Phan Văn Hải ở ấp Chợ nuôi 11 ha, đã chết 90% số nghêu thả nuôi, ông Phan Văn Sầy nuôi 6 ha bị chết 80%, ông Nguyễn Văn Chính ở ấp Bà Canh nuôi 2 ha, nghêu bị chết 70%...

 Chủ tịch UBND xã Tân Thành Ngô Phi Trường cho biết, đến giữa tháng 3 đã có khoảng 160 ha nghêu xảy ra hiện tượng nghêu chết ồ ạt. Hiện nay trên toàn bộ diện tích 900 ha nghêu của xã, chỗ nào cũng nghe người dân thông báo nghêu chết. Tỷ lệ chết bình quân từ 30% đến 60%. Ðến những ngày cuối tháng 4, đã có gần 400 ha có nghêu chết. Theo người dân đánh giá, dấu hiệu của hiện tượng nghêu chết rất giống vụ nghêu năm 2010. Người nuôi bất lực, không thể làm gì để cứu 25.000 - 30.000 tấn nghêu thịt. Với đà này, các chủ sân nghêu của Tân Thành không thể tránh khỏi một mùa trắng tay. Giá nghêu thịt trên thị trường đang ở mức 26.000 đồng/kg (loại 60 con/kg) nhưng hầu như không có chủ sân nào có nghêu đạt kích cỡ thu hoạch. Từ giữa tháng 3 đến nay các chủ sân nghêu kêu thương lái bán tháo nghêu chưa đến lứa để gỡ vốn, nhưng các điểm thu mua chỉ trả giá 18.000 đồng - 19.000 đồng/kg.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã lấy mẫu và gửi mẫu về phân viện Thủy sản Cà Mau xét nghiệm. Kết quả cho thấy có sự hiện diện của ký sinh trùng đơn bào nội ký sinh Perkinsus sp trên mẫu nghêu. Tuy nhiên, tỷ lệ cảm nhiễm và cường độ cảm nhiễm không cao, kích thước bào tử chưa đủ điều kiện gây bệnh nên có thể do nguyên nhân khác.

Thực tế, theo người nuôi nghêu, năm nào trên sân nghêu cũng có hiện tượng nghêu chết, nhưng số lượng không đáng kể. Nhưng từ vụ nuôi nghêu năm 2010 đến nay hiện tượng nghêu chết hàng loạt xảy ra. Nghêu chết trắng sân, người nuôi nghêu khánh kiệt đã đành, nhưng hệ lụy kéo theo là hàng nghìn lao động mất công ăn việc làm, các nhà máy chế biến nghêu xuất khẩu đình đốn vì thiếu nguyên liệu sản xuất. Theo UBND xã Tân Thành, nghề nuôi nghêu tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hơn 2.000 người lao động với khoảng 300 nghìn ngày công lao động/năm. Ở sân nghêu, người làm dở có thu nhập 60-100 nghìn đồng/ngày. Nghêu chết càng nhiều thì số người thất nghiệp càng lớn. UBND xã Tân Thành đã gửi kiến nghị đến các cơ quan hữu trách của huyện Gò Công Ðông và tỉnh Tiền Giang, đề nghị nhanh chóng tìm hiểu rõ nguyên nhân khiến nghêu chết hàng loạt để giúp người nuôi nghêu phòng tránh, nuôi trồng đạt hiệu quả.