Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa có báo cáo một số nội dung cơ bản của Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố Hà Nội có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào”.
Theo đề án do đơn vị tư vấn (Trường đại học Giao thông vận tải) xây dựng, thành phố sẽ lập 87 trạm thu phí phương tiện cơ giới đường bộ (ô-tô) vào nội đô tại các cửa ngõ vào trung tâm thành phố. Tổng mức dự kiến đầu tư cho 87 trạm thu phí đặt tại 68 vị trí khoảng 2.646 tỷ đồng, gồm chi phí đầu tư ban đầu và chi phí thay thế các thiết bị hết khấu hao, chưa tính chi phí vận hành khai thác. Hình thức đầu tư do ngân sách thành phố và đối tác công tư PPP.
Thời gian mà đơn vị tư vấn đề xuất thu phí xe vào nội thành là từ 5 giờ đến 21 giờ, trong đó có phân biệt mức phí giữa giờ cao điểm và giờ thấp điểm. Đây là một biện pháp kinh tế của thành phố nhằm điều chỉnh hành vi của người sử dụng xe ô-tô cá nhân khi không cần thiết đi vào nội đô, đồng thời khuyến khích việc sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng, nhằm mục tiêu giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trong nội đô Hà Nội. Các mức phí tạm tính từ khoảng 25.000 đồng đến 60.000 đồng/lượt. Đối tượng thu phí là các xe ô-tô di chuyển từ bên ngoài vành đai 3 Hà Nội và trong nội đô.
Các phương tiện được miễn phí gồm xe ưu tiên theo quy định hiện hành (xe cảnh sát, xe cứu thương, xe cứu hỏa, xe quân đội,...); xe công vụ; xe buýt công cộng. Các phương tiện được hưởng chính sách ưu đãi, giảm phí bao gồm xe ô-tô kinh doanh vận tải (gồm: xe hợp đồng, xe du lịch, ta-xi, xe tuyến cố định, xe tải các loại, xe ô-tô dưới chín chỗ của người dân trong khu vực; xe ô-tô của cơ quan công sở trong khu vực...).
Ngay khi thông tin về Đề án được đưa ra, các chuyên gia giao thông đều cho rằng, việc hạn chế xe cơ giới đi vào trung tâm thành phố để giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường là rất đúng. Tuy nhiên, việc triển khai vào thời điểm nào phải tính toán kỹ lưỡng, tránh việc phí vẫn thu mà đường vẫn ùn tắc.
Tiến sĩ giao thông đô thị Đăng Minh Tân phân tích, những khu vực được đề xuất thu phí xe cơ giới đi vào đều là khu đông dân cư, nhiều cơ quan, công sở, trường học, lượng phương tiện qua lại đông, nếu không có biện pháp căn cơ, khoa học rất có thể sẽ gây ùn tắc trong một số thời điểm. Nhiều chuyên gia đề xuất, muốn thực hiện phương án thu phí để nhắm tới mục tiêu tác động vào ý thức của người dân, làm thay đổi thói quen sử dụng xe cá nhân, Hà Nội phải làm thật tốt hai phần việc. Thứ nhất, làm tốt công tác tuyên truyền cho người dân. Thứ hai, phải ứng dụng khoa học, công nghệ vào việc thu phí, tổ chức phân luồng từ xa bảo đảm không để xảy ra ùn tắc tại các trạm, không gây phiền hà cho người dân.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cho rằng, trong tương lai Hà Nội cần dồn tiền đầu tư các tuyến metro, xe buýt để đến năm 2030 có thể từng bước cấm xe máy, thu phí ô-tô cá nhân. Ngoài ra, khi thực hiện thu phí phương tiện vào nội đô, Hà Nội phải dành quỹ đất làm các bãi đỗ xe đi kèm mạng lưới giao thông công cộng để phục vụ người dân ngoại tỉnh khi vào nội đô có thể gửi xe cá nhân, chuyển sang đi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện phân tích, qua nghiên cứu cho thấy, nếu thành phố không hạn chế phương tiện cá nhân thì không thể phát triển vận tải hành khách công cộng được. Do đó, việc thu phí này là cần thiết, là một trong những giải pháp để giảm ùn tắc giao thông và không làm tăng chi phí xã hội. Từ năm 2017, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết 04/2017 với 37 nhiệm vụ đồng bộ để quản lý phương tiện, giảm ùn tắc giao thông.
Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng giao thông vận tải chưa đồng bộ theo quy hoạch, các tuyến đường vành đai 1, 2, 3 được đầu tư chưa hoàn chỉnh, tuyến vành đai 4, vành đai 5 chưa được đầu tư. Các tuyến đường sắt đô thị đều chậm tiến độ. Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng chưa đạt yêu cầu đề ra. Tình trạng ùn tắc giao thông vẫn diễn biến phức tạp, nhất là vào giờ cao điểm và các dịp lễ, Tết. Theo ông Vũ Văn Viện, muốn giảm ùn tắc giao thông thì phải thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp, trong đó có nhóm giải pháp hạn chế xe máy ở một số khu vực vào năm 2030 và thu phí xe ô-tô vào nội đô. Mỗi nhóm giải pháp tác động vào một nhóm đối tượng nhất định nhằm mục tiêu thay đổi hành vi tham gia giao thông.
Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải thông tin, theo tính toán, việc thu phí sẽ tác động thay đổi hành vi tham gia giao thông của người dân, chuyển từ phương tiện cá nhân sang vận tải khách công cộng. Đây cũng là cách nhiều thành phố lớn trên thế giới đang áp dụng và phát huy hiệu quả. “Việc thu phí không nhằm mục đích tăng ngân sách, mà mục tiêu chính là để hạn chế những chuyến đi không cần thiết từ khu vực ngoài vành đai 3 vào trung tâm, qua đó, hạn chế ùn tắc giao thông. Theo tính toán, nếu đề án này được thực thi, sẽ giảm khoảng 20% lượng phương tiện đi vào khu vực trung tâm”, ông Vũ Văn Viện thông tin.
Nếu HĐND thành phố Hà Nội ban hành nghị quyết vào cuối năm nay, UBND thành phố sẽ xây dựng dự án đầu tư và phương án quản lý, lộ trình và thời gian cần thiết để thực hiện. Dự kiến, nếu triển khai tích cực, có thể hoàn thành dự án đầu tư trước năm 2024, trình mức thu và chính sách cụ thể công khai, minh bạch để bắt đầu thu phí từ năm 2024.