Chủng Omicron làm thay đổi các triệu chứng chính của Covid-19

NDO -

Ngày 2/2, Tiến sĩ Khoa học Y khoa, người đứng đầu Bệnh viện dã chiến Đường sắt của Nga chuyên về điều trị Covid-19, ông Zaur Shugushev cho biết, bệnh nhân nhập viện do chủng Omicron hiện nay ở Nga có các triệu chứng khác với những người nhập viện trong thời gian chủng Delta lây lan.

Ảnh minh hoạt: Chủng Omicron làm thay đổi các triệu chứng chính của Covid-19 (Nguồn: Izvestia)
Ảnh minh hoạt: Chủng Omicron làm thay đổi các triệu chứng chính của Covid-19 (Nguồn: Izvestia)

Phát biểu với giới báo chí, bác sĩ này nói: “Các triệu chứng ban đầu của bệnh nhân ngày càng không giống những triệu chứng điển hình do virus SARS-CoV-2 gây ra và đã được giới khoa học ghi nhận. Mất khứu giác và vị giác hiện ít phổ biến hơn, trong khi ở bệnh nhân xuất hiện nhiều triệu chứng giống như bệnh SARS thông thường, tức là nhiều trường hợp bị đau họng, đau nhức cơ thể…”.

Thực tế cho thấy số ca nhiễm Covid-19 do chủng Omicron tăng đột biến, nhưng số ca nhập viện lại giảm. Nhà khoa học Shugushev lưu ý biểu hiện của bệnh Covid-19 do chủng Omicron gây ra hiện nay rất giống bệnh cúm mùa. Các trường hợp nhiễm Covid-19 nặng đã giảm hẳn, khoảng 75% số ca nhập viện là trường hợp vừa phải. Tuy nhiên, theo nhà khoa học, điều này không hẳn do đặc thù của Omicron ít nguy hiểm hơn, mà còn do nhận thức của mọi người ngày càng tăng.

Ông nêu rõ: “Mọi người đã nhận thức rõ hơn về virus SARS-CoV-2, cũng như có ý thức hơn. Hầu hết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng vừa phải. Trước đây, tự ý dùng thuốc trong thời gian dài tước khi nhập viện, là lý do chính khiến bệnh nhân chuyển bệnh nặng”.

Theo ông Shugushev, tiêm chủng cũng giúp giảm đáng kể số ca nhập viện.

Trước đó, người đứng đầu Cơ quan Giám sát, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng Nga (Rospotrebnadzor), bà Anna Popova cho biết, những người được tiêm vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 không cần phải tuân thủ cách ly 7 ngày, sau khi tiếp xúc bệnh nhân nhiễm Covid-19, nếu không có triệu chứng.

Bà Popova cũng lưu ý về một số nghiên cứu đầy đủ cho thấy ở những người đã bị bệnh và được tiêm chủng, nồng độ của virus thấp hơn nhiều, cũng như thời gian phát tán ngắn hơn.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 1/2, nhà nghiên cứu cấp cao tại Khoa Hóa chất miễn dịch, thuộc Đại học Quốc gia Ural (Nga), ông Mikhail Bolkov, lưu ý rằng biến thể phụ “tàng hình” BA.2 mới của Omicron không cần điều trị đặc biệt, nhưng được cho là khó phát hiện hơn, trong khi lại dễ dàng lây lan hơn. Theo các kết quả nghiên cứu gần đây, chúng có khả năng lây lan gấp 1,5 lần so với phiên bản BA.1 vốn đang áp đảo trên toàn cầu. Các nhà khoa học hiện đang theo dõi sự xuất hiện ngày càng gia tăng của chủng BA.2, “họ hàng” gần với BA.1. Biến thể mới này đang có dấu hiệu áp đảo BA.1 ở một số khu vực tại châu Âu và châu Á. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng cho thấy BA.2 có thể dễ dàng tránh được sự bảo vệ từ vaccine.

Theo thống kê, trong vài ngày qua, tốc độ lây lan dịch Covid-19 tại Nga đã giảm, thay vì tốc độ “phi mã” như trong các ngày cuối năm 2021 (mỗi ngày tăng trên dưới 10.000 ca). Thống kê ngày 1/1 tại Nga có 125.836 ca nhiễm mới, trong đó tại thủ đô Moskva là 21.533 ca.

Thế giới bước vào làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới