Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) Hà Nội, tính đến hết năm học 2016 - 2017, trên địa bàn thành phố thiếu 94 trường mầm non và phổ thông công lập (mầm non thiếu 52 trường, tiểu học 23 trường, THCS 16 trường và THPT ba trường). Đáng chú ý, nếu không chú trọng đầu tư, xây dựng thêm trường, lớp học thì đến năm 2020, Hà Nội sẽ thiếu 314 trường mầm non, tiểu học và THCS.
Hoàng Mai là quận mới thành lập được một số năm, có quá trình đô thị hóa nhanh, đã và đang hình thành nhiều tòa nhà chung và dự án nhà ở cho nên dân số cơ học tăng nhanh. Việc xây dựng các khu đô thị mới không đồng bộ với xây dựng trường, lớp học dẫn đến quá tải trường, lớp, nhất là tại các phường: Hoàng Liệt, Đại Kim, Định Công.
Thống kê cho thấy, tính đến hết năm học 2016 - 2017, trên địa bàn phường Hoàng Liệt có 70 tòa nhà chung cư, 60 tổ dân phố với gần 55 nghìn nhân khẩu (tăng 31 chung cư và 21.462 người so năm 2015). Dân số cơ học tăng cao dẫn tới không đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Thực tế cho thấy, năm học 2003 - 2004, quận Hoàng Mai có 27.760 học sinh thì đến năm học 2016 - 2017, có 73.896 học sinh (tăng 46.136 học sinh).
Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Trần Quý Thái cho biết, theo quy hoạch mạng lưới trường, lớp học của Hà Nội, quận còn thiếu tổng số 28 trường mầm non, 21 trường tiểu học và ba trường THCS. Điều đó dẫn đến số học sinh/lớp của Hoàng Mai tăng cao; trẻ trong độ tuổi nhà trẻ vào trường mầm non công lập đạt tỷ lệ thấp (44,1%); học sinh tiểu học phải học luân phiên vào thứ bảy mới bảo đảm học hai buổi/ngày.
Để giải quyết số trường học còn thiếu cũng như nâng cao chất lượng giáo dục, UBND quận Hoàng Mai đã có một số giải pháp khắc phục, như: yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng tòa nhà chung cư có cam kết trách nhiệm đầu tư đồng bộ với việc xây dựng trường học; bảo đảm việc xây dựng dự án trường học đúng tiến độ…
Trong khi đó, tại quận Cầu Giấy, mặc dù đã đầu tư xây dựng thêm trường, lớp học nhưng thực tế ở cấp tiểu học, sĩ số học sinh/lớp còn cao (bình quân 47 học sinh/lớp, cao hơn 12 học sinh/lớp so quy định); tại phường Quan Hoa, chưa có trường THCS công lập.
Tương tự, tại quận Đống Đa, các trường tiểu học, THCS có sĩ số học sinh/lớp quá cao, nhất là cấp tiểu học, bình quân 48,2 học sinh/lớp; tỷ lệ học sinh học hai buổi/ngày chưa đáp ứng yêu cầu.
Trong khi đó, khu đô thị Mỹ Đình 2 (phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm) không có trường mầm non công lập; khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính có ít trường học, không có trường công lập; khu đô thị Bắc Linh Đàm mới thiếu trường công lập...
Trong quá trình thực hiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp học, tại phường Đức Thắng (quận Bắc Từ Liêm), chưa có trường công lập; phường Xuân Tảo thiếu quỹ đất xây trường tiểu học, THCS công lập.
Qua tìm hiểu được biết, trên địa bàn Hà Nội hiện có khoảng 575 dự án khu đô thị mới, dự án phát triển nhà ở thương mại, khu nhà ở. Mặc dù trong quy hoạch các khu đô thị mới đều được phê duyệt vị trí xây trường mầm non, tiểu học, THCS, tuy nhiên, từ khi các hộ dân chuyển đến sinh sống cách đây nhiều năm nhưng chưa có trường học được xây dựng thêm hoặc xây dựng với tiến độ chậm, gây ra hiện tượng quá tải cho các trường. Một số khu đô thị mới, khu chung cư trên địa bàn các quận, như: Thanh Xuân, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông… có số lượng người ở dày đặc; có khu đô thị số lượng cư dân tăng gần hai vạn người, tương đương dân số của một phường.
Giám đốc Sở GD và ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ cho biết: Trước thực trạng thiếu trường, lớp học, Sở đề nghị HĐND, UBND TP Hà Nội ưu tiên dành quỹ đất xây dựng trường học khi chấp thuận đầu tư các dự án phát triển nhà ở và đô thị (nhất là ưu tiên xây trường công lập) để giảm sĩ số học sinh/lớp và số lớp/trường; ưu tiên dành quỹ đất xây trường khi di chuyển các cơ quan, đơn vị thuộc diện phải di dời.
Đồng thời, bố trí quỹ đất tại khu đô thị mới, khu tái định cư, khu vực đông dân cư để xây trường học; khắc phục những trường, lớp đã và đang xuống cấp, không đáp ứng yêu cầu.
UBND TP Hà Nội chỉ đạo các quận phối hợp sở, ngành liên quan rà soát, cung cấp thông tin về việc sử dụng đất sai mục đích, dự án chậm triển khai xem xét, thu hồi xây dựng trường học, nhất là trường mầm non, tiểu học công lập.
Bên cạnh đó, Thành phố cần có cơ chế, chính sách đặc thù trong việc xây dựng, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa trường học cho các phường, xã khu vực ngoài đê. Đối với các quận nội thành như: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Cầu Giấy, mặc dù thuận lợi có kinh phí xây dựng trường, lớp nhưng gặp khó khăn về quỹ đất, Sở GD và ĐT Hà Nội đề nghị, Thành phố cho phép được nâng tầng; mở rộng và tăng mật độ xây dựng trường học đối với các trường quá tải; phát triển các loại hình trường ngoài công lập theo nhu cầu xã hội…