Chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển bền vững

Vùng Đông Nam Bộ đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển chung của cả nước. Điều này đặt ra nhu cầu cấp bách phải có nguồn nhân lực chất lượng cao, tích lũy chất xám qua đó tạo nền tảng nhân lực bền vững để phát triển kinh tế-xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Dây chuyền sản xuất thiết bị đo đếm công nghệ cao tại Công ty TNHH Datalogic Việt Nam (Thành phố Hồ Chí Minh).
Dây chuyền sản xuất thiết bị đo đếm công nghệ cao tại Công ty TNHH Datalogic Việt Nam (Thành phố Hồ Chí Minh).

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ (thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía nam bao gồm 8 tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang) giai đoạn 2023-2035, cần số lượng lao động là 735.000 người/năm. Số nhân lực này phục vụ phát triển các ngành công nghiệp cơ khí, dầu khí và các chế phẩm hóa dầu, hóa chất, công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin, công nghệ xây dựng, giao thông, cấp thoát nước, du lịch, tài chính…

Tăng số lượng lao động trên các nền tảng công nghệ

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Đào tạo kinh tế Quốc tế-Phó Chủ tịch hội Giáo dục nghề nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh nhận định: Trong thời gian tới sẽ nổi lên những nghề nghiệp theo xu hướng cơ cấu lao động có sự chuyển đổi từ nhóm nghề giản đơn sang những nghề kỹ thuật chuyên môn. Khi đó nhu cầu tuyển dụng chính là gia tăng số lượng lao động trên các nền tảng công nghệ, chuyển dịch nghề nghiệp gắn với kỹ năng mềm.

Ông Tuấn lý giải: "Xu hướng này xuất phát từ cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đã tác động rất lớn đến cơ cấu nguồn nhân lực. Do đó, sẽ có sự chuyển dịch mạnh mẽ trong thị trường lao động theo hướng từ nguồn nhân lực giá rẻ - trình độ thấp sang nguồn nhân lực chất lượng cao, do vậy thị trường lao động truyền thống có nguy cơ bị phá vỡ".

Bộ phận Đào tạo, Trường cao đẳng Bách khoa Sài Gòn thông tin, trong vài năm trở lại đây, ba ngành "tốp" của trường thu hút nhiều sinh viên học là Thiết kế đồ họa, Quản trị mạng-Máy tính và Công nghệ thông tin. Đây cũng là những ngành có đầu ra cao, sinh viên dễ tìm việc, nhất là làm việc tại các doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong công tác sản xuất và quản lý.

TS Hoàng Văn Phúc, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Bách khoa Sài Gòn cho biết: Nhà trường phối hợp với gần 200 doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực Đông Nam Bộ giới thiệu sinh viên thực tập tại các xí nghiệp, nhà máy sản xuất lớn đóng ở Bình Dương, Đồng Nai như Công ty ô tô Isuzu, Công ty TNHH Lixil, Công ty Yakult để các em có cơ hội cọ xát thực tế, qua đó nắm bắt sớm nhu cầu tuyển dụng của công ty.

Trường đại học Công nghệ Miền Đông đã đi đầu trong việc đồng hành cùng sinh viên trau dồi và rèn luyện phát triển nhuần nhuyễn cả 3 yếu tố: Kiến thức, Kỹ năng và Thái độ. Theo Ban Giám hiệu nhà trường, để đáp ứng được yêu cầu của cách mạng công nghệ 4.0 và nhu cầu cấp thiết đóng góp vào sự nghiệp phát triển vùng Đông Nam Bộ.

Trường tập trung vào việc đào tạo kỹ năng mềm, các hoạt động thực tế của sinh viên và phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp. Các kỹ năng mềm mà nhà trường đã và đang đào tạo cho sinh viên có ba kỹ năng cần thiết của nhân lực thời đại 4.0 là: Định hướng nghề nghiệp; khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; ứng dụng AI.

Báo cáo Quy hoạch nhân lực giai đoạn 2019-2025 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, một trong những tỉnh thu hút đông đảo lực lượng lao động của cả nước cho thấy, nhu cầu nhân lực trong giai đoạn này là 100.000 người/năm, trong đó chiếm phần nhiều là nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao. Tương tự, tỉnh Bình Dương là 90.000 người/năm; Bà Rịa-Vũng Tàu là 50.000 người/năm; Bình Phước là 60.000 người/năm.

Riêng Thành phố Hồ Chí Minh, trong giai đoạn này nhu cầu nhân lực là 300.000 người/năm. Trong đó, ưu tiên phát triển nhân lực cho những ngành có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao như: Cơ khí chế tạo chính xác và tự động hóa; Điện tử và Công nghệ thông tin; Chế biến thực phẩm theo hướng tinh chế; Hóa chất-Hóa dược và mỹ phẩm.

Đáp ứng yêu cầu hội nhập và liên kết vùng

Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía nam đặc biệt quan tâm và định hướng cụ thể việc phát triển nguồn nhân lực, với thế mạnh về giáo dục-đào tạo, khoa học kỹ thuật để phát triển các ngành kỹ thuật cao và dịch vụ hiện đại. Đây cũng là xu hướng tất yếu để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển vùng.

PGS, TS Lê Thanh Sang nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ nhận định: Dựa trên thực trạng và mục tiêu phát triển vùng Đông Nam Bộ, Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 yêu cầu tái cơ cấu kinh tế vùng Đông Nam Bộ theo hướng "hiện đại, lấy khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm.

Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, các ngành dịch vụ chất lượng cao". Về liên kết, đặc biệt là liên kết không gian nội vùng và liên vùng được nhấn mạnh, bao gồm "kết nối các khu công nghiệp, khu chế xuất để hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp". Đồng bộ hệ thống logistics cấp quốc gia, quốc tế gắn với cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, các trục hành lang kinh tế trọng điểm và tuyến thương mại liên vùng…

Cùng với xu hướng phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn thì xu hướng nền kinh tế xanh chính là xu hướng mới của thời đại 4.0 từ đó đặt ra bài toán cung ứng lao động phù hợp. Bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc thương hiệu của Manpower thuộc ManpowerGroup Việt Nam cho biết: Tính tới quý III/2023, trên toàn cầu có tới 70% doanh nghiệp hiện đang tuyển dụng hoặc tích cực lên kế hoạch tuyển dụng các vị trí việc làm xanh, trong đó cao nhất là ngành sản xuất.

Theo thống kê của ManpowerGroup Việt Nam, trong vòng 8 tháng đầu năm nay, lĩnh vực sản xuất ghi nhận có nhu cầu việc làm xanh cao nhất (30%), sau đó là năng lượng (20%), sức khỏe (18%) và công nghệ (16%). "Trong ngành sản xuất, chuyển đổi xanh là hướng đến nền kinh tế tuần hoàn, ứng dụng công nghệ, phát triển nguồn năng lượng tái tạo, cùng với sự phát triển của lực lượng lao động xanh.

Theo các nhà tuyển dụng, sự chuyển đổi sang kinh tế xanh sẽ tạo ra khoảng 30 triệu việc làm mới và trở thành nguồn tạo việc làm hàng đầu trên toàn cầu trong 5 năm tới", bà Trang dẫn chứng.

Nhận định chung cũng cho thấy thị trường lao động ở khu vực Đông Nam Bộ trong giai đoạn tới thay đổi chất lượng cơ cấu ngành nghề, sự kết hợp, lồng ghép nhau hình thành những nhóm ngành nghề theo hướng tích hợp phù hợp cơ cấu công nghệ số.

Do đó, việc thích ứng đào tạo nguồn nhân lực số đang đặt ra yêu cầu, thách thức không chỉ cho doanh nghiệp mà cho cả các cơ sở đào tạo, bao gồm cả đại học và giáo dục nghề nghiệp. Vì vậy việc đổi mới cơ cấu, liên kết hợp tác trong đào tạo là đòi hỏi cấp bách để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động...