Tình trạng đào bới đất tìm trầm ở huyện Đồng Xuân diễn ra từ ba năm trở lại, có thời điểm (như đầu năm 2011-2012) mỗi ngày có đến 500- 600, thậm chí hàng ngàn người đóng trại ăn ở trong rừng sâu để đào bới đất đá, rễ cây tìm trầm. Chính quyền địa phương huyện Đồng Xuân đã triển khai liên tục các đợt truy quét, trục xuất các đối tượng ra khỏi rừng. Sau đó một thời gian tuy có giảm, nhưng đến nay lại tái diễn.
Trước đây những người đi trầm chuyên nghiệp từ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Phú Yên đổ xô về đây tìm kỳ nam, cây dó bầu đã bị chặt hạ tiệt chủng. Riêng cây dó gạch, trước đây những người đi tìm kỳ nam dùng rựa băm vào thân cây tìm trầm sánh, sau nhiều lần bị băm như vậy cây không sống nổi, ngã chết rục. Khi bị chôn vùi dưới lá rừng, bản thân cây dó gạch đã có trầm cám bám ngoài da (bì), mặc dù vùi dưới lòng đất trầm cám vẫn "ăn" da, tích tụ trầm, gọi là trầm bì.
Do trầm bì bị chôn vùi dưới lòng đất, cho nên người đi tìm trầm cứ định hướng trong rừng, dàn hàng ngang đào bới để tìm. Mỗi tốp người cứ chọn luống chừng 300 m2, dưới những tán rừng già đào tới, sau đó đánh tơi đất ra để tìm vỏ cây dó gạch có trầm bám, hoặc rễ cây đã tạo trầm.

Ban quản lý rừng phòng hộ Ðồng Xuân cho biết, khu vực người dân đổ xô tìm trầm ban đầu chỉ xuất phát một điểm tại rừng suối Lạnh, nhưng hiện nay đã lan ra cả một vùng rừng núi rộng hơn 22 nghìn ha. Hầu hết các tiểu khu phía bắc huyện Ðồng Xuân gồm tiểu khu 50, 55, 56, 57, 60, 61, 62, 63, 65, 70, 72 thuộc lâm phần do Ban quản lý rừng phòng hộ Ðồng Xuân quản lý và các tiểu khu 49, 51, 54, 55, 56, 71, 77 thuộc địa phận xã vùng cao Phú Mỡ giáp ranh với tỉnh Gia Lai đều có người đào bới tìm trầm. Ðối tượng tìm trầm đa số là người dân trong huyện Ðồng Xuân, một số ở các huyện lân cận Tuy An, thị xã Sông Cầu, Ðông Hòa, Sơn Hòa và huyện Vân Canh tỉnh Bình Ðịnh.
Trước tình hình phức tạp nêu trên, UBND huyện Ðồng Xuân đã thành lập Tổ công tác liên ngành thường xuyên kiểm tra, ngăn chặn việc đào bới đất rừng tìm trầm tại xã Phú Mỡ. Mới đây, Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Xuân (Phú Yên) đã phát hiện phá dỡ 21 lán trại; tạm giữ 161 xe mô tô, cùng nhiều dụng cụ đào bới đất tìm trầm; đồng thời trục xuất 213 đối tượng ra khỏi rừng.

Ông Vũ Công Tâm, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Xuân cho biết, ngoài các biện pháp thu giữ phương tiện, phạt tiền một triệu đồng/đối tượng và đưa ra kiểm điểm trước dân, huyện đang tích cực vận động người dân ký cam kết không tái phạm.
Mặc dù bị truy quét quyết liệt, những các đối tượng vẫn lén lút vào rừng, các đối tượng tìm trầm thường giấu xe trong rừng rậm, dưới vực sâu rồi tháo một bộ phận nào đó của xe mang theo, nên khi lực lượng chức năng phát hiện, không thể vận chuyển xe ra khỏi rừng về tạm giữ, xử phạt. Nhiều đối tượng nhờ người nhà dùng mô tô chở đến bìa rừng rồi đi bộ len lỏi vào khu vực rừng cho là có trầm để đào bới, gây khó khăn cho công tác kiểm tra ngăn chặn.

Ðiều đáng lo ngại là khu vực người dân đổ xô đi tìm trầm lại là khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn sông Trà Bương, sông Kỳ Lộ. Mỗi ngày rừng bị đào bới hết lớp này đến lớp người khác, làm cho hệ thực vật bên dưới những tán rừng già chết đi, nhiều rễ cây to bị chặt đứt, dần dần rừng sẽ chết. Ðất sẽ bị xói mòn. Hậu quả nhãn tiền từ cơn lũ lịch sử đầu tháng 11-2009 đã tàn phá xóm làng, hàng chục người sống ven sông Kỳ Lộ chết thảm trong một đêm.
Ðồng Xuân là một trong hai huyện nghèo nhất của Phú Yên, với tỷ lệ hộ nghèo hơn 50% (theo tiêu chí mới). Hầu hết người dân lao động sống dựa vào sản xuất nông nghiệp, với các loại cây trồng chính như sắn, mía, lúa nước. Cần có những giải pháp quyết liệt ngăn chặn nạn đào đất tìm trầm để tình hình trở lại ổn định.