Chưa phát huy hết nguồn lực từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ

NDO - Ngày 15/12, tại Hà Nội, Báo Đại biểu nhân dân tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Giải phóng nguồn lực Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp”.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh Tọa đàm.
Toàn cảnh Tọa đàm.

Tọa đàm nhằm nhận diện những kết quả đã đạt được và những hạn chế, vướng mắc trong việc thực hiện quy định pháp luật về nội dung chi và sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp hiện nay.

Cùng với lao động, vốn, tài nguyên thiên nhiên… khoa học-công nghệ là một nguồn lực quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Với doanh nghiệp, khoa học công nghệ đóng vai trò không thể thiếu trong tiến trình nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, cải thiện sức cạnh tranh và tối đa hóa lợi nhuận.

Chính vì thế, từ năm 2008, tại Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và sau đó là Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 đã quy định về Quỹ Phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp thúc đẩy nghiên cứu, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thời gian qua, Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính đã ban hành nhiều văn bản có nội dung hướng dẫn về trích lập và sử dụng Quỹ. Tuy vậy, một số quy định chưa tương thích, chưa đồng bộ; chưa phù hợp với thực tế… dẫn đến tỷ lệ trích lập Quỹ rất thấp và việc sử dụng Quỹ gặp nhiều vướng mắc, không đạt được hiệu quả như mong đợi.

PGS, TS Lê Bộ Lĩnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường khóa XIII cho rằng, sau gần 10 năm Luật Khoa học và công nghệ được ban hành, mặc dù chúng ta đã có nhiều nỗ lực nhưng các mục tiêu và ý tưởng chi tiêu theo cơ chế quỹ chưa được như kỳ vọng.

Những mục tiêu mà chúng ta đã luật hóa thể hiện ở việc chi tiêu của doanh nghiệp trong khoa học công nghệ cũng chưa cao. Đặc biệt, là việc thực hiện trích lập quỹ khoa học, công nghệ trong doanh nghiệp theo thống kê giám sát của Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường cho thấy, việc trích lập quỹ vẫn rất khiêm tốn.

Theo thống kê, số lượng doanh nghiệp có trích quỹ mới chiếm 0,02% là một con số rất thấp trong bối cảnh mà chúng ta nói là doanh nghiệp phải là trung tâm của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Doanh nghiệp là trung tâm nhưng việc trích quỹ quá ít như thế thì rõ ràng “khoảng cách” giữa quan điểm, chủ trương với thực tế còn rất lớn.

Đáng lo ngại, trong khi tổng số quỹ trích từ doanh nghiệp đã rất nhỏ, thì hiện nay việc tồn quỹ lên đến 22 nghìn tỷ đồng, chứng tỏ việc sử dụng quỹ này cũng có rất nhiều bất cập. Chưa kể là hiện đang có sự phân hóa trong các loại hình doanh nghiệp trong việc trích lập các quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh.

Trưởng phòng nghiệp vụ 4, Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Nguyễn Thị Ngọc Khánh nhận định: Tình hình trích lập việc sử dụng quỹ có những lo ngại nhất định, đặc biệt trong số trích lập chủ yếu là khu vực doanh nghiệp nhà nước. Khu vực doanh nghiệp nhà nước có hiện tượng trích lập lớn hơn số sử dụng quỹ. Đơn cử như tại VNPT, mức sử dụng quỹ chỉ khoảng 10%, sử dụng 90 tỷ trong 842 tỷ đồng.

Đáng chú ý qua khảo sát chỉ có 11,3% doanh nghiệp nhà nước có nhu cầu sử dụng quỹ này. Xét về bản chất, quỹ này "lưỡng tính" vì hình thành từ nguồn lực của doanh nghiệp, nhưng đang được dùng một phần vào mục tiêu quốc gia. Quỹ được quản trị theo cách phối hợp giữa nguồn lực của nhà nước dành cho doanh nghiệp và nguồn lực của doanh nghiệp.

Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư 05/2022/TT-BKHCN hướng dẫn sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, trong đó bổ sung những nội dung chi mới cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, mới dừng ở nội dung chi, còn với quy trình quỹ hiện nay vẫn tiếp cận như nhiệm vụ khoa học-công nghệ. Một nhiệm vụ khoa học-công nghệ về đổi mới sáng tạo cần nhanh, thậm chí không thể theo quy trình bình thường. Nếu thời gian xét duyệt hoàn thiện như một đề tài khoa học có thể dẫn tới việc trôi qua cơ hội đầu tư của chính các doanh nghiệp.

Tại buổi Tọa đàm, bên cạnh việc chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Quỹ Phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp, các đại biểu đến từ các cơ quản lý Nhà nước cũng đã giới thiệu một số chính sách mới, nổi bật về việc trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ; đồng thời tiếp tục ghi nhận ý kiến của các cơ quan liên quan và đại diện doanh nghiệp những đề xuất, giải pháp để giải phóng tối đa nguồn lực của Quỹ.

Qua đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thúc đẩy nghiên cứu, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo ở nước ta thời gian tới…