Chú trọng nâng cao chất lượng tiếp công dân

Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ chính trị quan trọng, góp phần không nhỏ trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân hiệu quả, bảo vệ lợi ích của tập thể, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
0:00 / 0:00
0:00
Một buổi tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương ở Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh ĐÌNH THUYẾT)
Một buổi tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương ở Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh ĐÌNH THUYẾT)

Tuy nhiên, công tác tiếp dân còn gặp nhiều khó khăn; vẫn còn tình trạng đoàn công dân của một số địa phương khiếu kiện đông người, vượt cấp, lưu trú dài ngày tại Thủ đô Hà Nội, tập trung tại một số cơ quan của Đảng, Nhà nước và Trụ sở Ban Tiếp công dân Trung ương (TCDTW) - Thanh tra Chính phủ.

Theo Ban TCDTW, năm 2023, tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp 3.919 lượt với 10.514 công dân đến trình bày 3.791 vụ việc; trong đó: khiếu nại 1.861 việc, tố cáo 487 việc, kiến nghị và phản ánh 1.443 việc; có 325 lượt đoàn đông người.

So với cùng kỳ năm 2022 tăng 20,32% lượt tiếp (3.919/3.257), tăng 46,99% vụ việc (3.791/2.579); số lượt đoàn đông người tuy có giảm 5,5% (325/344), nhưng xuất hiện các đoàn khiếu kiện đông người, phức tạp với số công dân tham gia nhiều tới hàng trăm người.

Theo Ban TCDTW, năm 2023, tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp 3.919 lượt với 10.514 công dân đến trình bày 3.791 vụ việc; trong đó: khiếu nại 1.861 việc, tố cáo 487 việc, kiến nghị và phản ánh 1.443 việc; có 325 lượt đoàn đông người.

Cụ thể, giữa hai kỳ họp thứ 5 và thứ 6 Quốc hội khóa XV (từ ngày 16/5/2023 đến 15/9/2023), số lượt đoàn khiếu kiện đông người vẫn còn cao, đó là các đoàn 500 công dân của tỉnh Đắk Lắk và đoàn hơn 200 công dân của tỉnh Nam Định.

Ban TCDTW đã phối hợp các cơ quan chức năng cùng Tổ công tác địa phương tuyên truyền, vận động, thuyết phục các công dân chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không tập trung tại các khu vực mục tiêu bảo vệ, khu vực trung tâm chính trị, hành chính của thành phố Hà Nội và trở về địa phương để được xem xét, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

Tại Hà Nội, năm 2023, Ban Tiếp công dân thành phố tiếp và xử lý 92 lượt đoàn công dân tập trung đông người; trong đó, có một số đoàn khiếu kiện đông người đến và tập trung tại trụ sở Thành ủy, UBND thành phố, Trụ sở Tiếp công dân thành phố để la hét, dùng loa gây ồn ào, không chấp hành hướng dẫn của cán bộ tiếp công dân, gây mất an ninh, trật tự.

Một số công dân thường xuyên có thái độ cực đoan khi đến trụ sở tiếp công dân, gây khó khăn cho cán bộ chuyên môn. Theo đồng chí Phạm Đình Thực, Phó Trưởng ban Tiếp công dân thành phố Hà Nội, nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của các công dân tập trung vào lĩnh vực: Bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, quy hoạch, đất dịch vụ…

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng công dân khiếu kiện vượt cấp, kéo dài là do quy định pháp luật liên quan lĩnh vực tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa cụ thể, chưa sát với thực tế. Do vậy, việc xử lý, giải quyết gặp khó khăn, vướng mắc; một số vụ việc công dân không chấp hành kết quả giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền, khiếu kiện chây ỳ; một số trường hợp bị lôi kéo, kích động khiếu kiện đông người, vượt cấp gây mất trật tự.

Ngoài ra, cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý đất đai còn những bất cập, thiếu đồng bộ; các quy định về giá bồi thường, hỗ trợ thay đổi thường xuyên cho nên khi áp dụng đã gặp nhiều khó khăn. Đáng chú ý, có những vụ việc phức tạp, ý kiến giải quyết giữa các cơ quan liên quan còn khác nhau, dẫn đến nhiều vụ việc không được giải quyết dứt điểm…

Theo lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, trong những năm qua, nhận thức rõ được tầm quan trọng của công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Thanh tra Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản để thực hiện các chủ trương của Đảng, kiến nghị của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tiếp tục thực hiện hiệu quả các nội dung kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo”.

Thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương có nhiều nỗ lực trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, hạn chế tình trạng công dân tập trung thành các đoàn đông người khiếu kiện tại các cơ quan Trung ương. Tại Hà Nội, nhằm hạn chế tình trạng công dân khiếu kiện, gửi đơn thư vượt cấp, ngày 19/2/2024,

Chủ tịch UBND thành phố có Văn bản số 451/UBND-BTCD về việc rà soát, nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo; yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, thủ trưởng các sở, ban, ngành, thành phố chỉ đạo kiểm tra, rà soát kiện toàn Ban Tiếp công dân, bộ phận tiếp công dân bảo đảm bố trí đủ cán bộ, công chức có năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức thực hiện công tác này theo quy định.

Để tất cả công dân đến trụ sở tiếp công dân đều được tiếp, hướng dẫn đầy đủ, kịp thời theo quy định, các cơ quan chức năng cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, các văn bản pháp luật, đặc biệt là các văn bản về công tác quản lý đất đai, các quy định về giá bồi thường, hỗ trợ để địa phương áp dụng; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các tỉnh, thành phố trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại địa phương; phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành, địa phương trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Đối với những vụ việc phức tạp, các cơ quan chức năng liên quan cần kịp thời trao đổi, thấu tình, đạt lý để giải quyết dứt điểm vụ việc.

Bên cạnh đó, thủ trưởng các cơ quan hành chính các cấp cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình về việc tiếp công dân định kỳ theo quy định của pháp luật; thực hiện tốt việc tiếp công dân, gắn việc tiếp công dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo. Các bộ, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cần chủ động chỉ đạo, kiểm tra, rà soát vụ việc phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân, nhất là các vụ việc mà dư luận xã hội quan tâm để đề ra các giải pháp giải quyết, xử lý nghiêm, khách quan, đúng pháp luật.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; trong đó, có pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo cần tiếp tục được thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, sáng tạo.